• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Có một trang trại chăn nuôi khép kín, an toàn

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc, 10/10/2017
Ngày cập nhật: 11/10/2017

Chăn nuôi như thế nào để tạo ra sản phẩm an toàn, chủ động được đầu ra và đặc biệt là giảm giá thành để tăng lợi nhuận… là những vấn đề mà ngành chuyên môn, cũng như người chăn nuôi trong tỉnh đang hướng đến. Ở Tiền Giang, có một trang trại chăn nuôi heo đã đáp ứng những vấn đề trên, được ngành chuyên môn đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng.

Chuyên gia Nhật Bản trao đổi chuyên môn khi vào thăm trại nuôi heo của anh Bá.

Trang trại “tự chủ”

Trang trại nuôi heo của anh Nguyễn Trần Tường Bá, ấp Bình Hòa A, xã Song Bình (huyện Chợ Gạo) được mở vào năm 2006. Ban đầu, anh chỉ đầu tư nuôi khoảng 40 con heo nái, rồi tăng lên 100 con heo nái vào năm 2008. Thời gian này, giá heo ở mức “kiếm ăn được” nên anh bắt đầu tăng đàn lên 150 con heo nái, rồi heo đẻ ra bao nhiêu anh đều nuôi hết. Thấy giá thức ăn cao, chất lượng còn bỏ ngỏ và khó kiểm soát nên anh đầu tư máy chế biến thức ăn để giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận; đồng thời quản lý được khâu chất lượng. Đến năm 2017, số lượng heo nái của trang trại đã tăng lên 200 con và hơn 1.500 con heo thịt. Cuối năm 2016 và đầu năm 2017, giá heo “tuột dốc không phanh” nhưng trang trại của anh vẫn đứng vững, số lượng heo vẫn đảm bảo.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng trang trại, anh Bá tâm sự: “Khởi nghiệp nuôi heo khi còn rất trẻ; lúc đầu thiếu vốn, ít kinh nghiệm nên trang trại chỉ có vài chục con heo. Khi đã tự tin, tôi mới mở trại heo hơn 5 tỷ đồng, gồm 4 phân trại khép kín hiện đại với các khu vực riêng biệt dành cho heo nái sinh sản, heo con trong thời kỳ cai sữa, heo lứa và heo nọc giống”.

Trong quá trình trao đổi, chúng tôi nhận thấy điểm khác biệt giữa trang trại của anh với các trang trại chăn nuôi heo khác là anh chủ động từ khâu con giống đến thức ăn (do gia đình tự sản xuất). Đây là điều rất quan trọng, bởi nhờ tự chủ được thức ăn mà trang trại của anh tránh được “cơn bão giá” thức ăn chăn nuôi, góp phần tiết kiệm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận. Anh Bá chia sẻ: “Yếu tố chính là khoa học - kỹ thuật. Nuôi heo phải áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin đầy đủ và chủ động con giống, thức ăn, thú y theo mô hình chăn nuôi heo an toàn”. Đối với khâu kỹ thuật ở trang trại, anh Bá mời một giảng viên ngành Thú y của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ làm cố vấn và hợp đồng với 3 nhân viên thú y đảm trách công việc hằng ngày. Nhiều năm qua, trang trại của anh không xuất hiện dịch bệnh, trở thành điểm thực tập của nhiều sinh viên ngành Thú y trong và ngoài tỉnh.

Nói về nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn, anh Bá nói: “Tôi phải đến các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, An Giang để mua bắp, đậu nành, hải sản thừa… về chế biến thành thức ăn dạng bột cho heo. Mỗi tấn thức ăn do tôi sản xuất thấp hơn gần 1 triệu đồng so với thức ăn mua bên ngoài. Mỗi ngày, trang trại heo của tôi tiêu thụ từ 2 - 2,5 tấn thức ăn, qua đó tiết kiệm được 2 - 3 triệu đồng”.

Chất thải từ trại heo không chỉ được anh Bá xử lý tốt mà còn mang về lợi ích không nhỏ. Cụ thể, anh lắp đặt các hầm biogas để xử lý mùi hôi từ trại heo; đồng thời ứng dụng vào phát điện dùng cho việc tắm heo, vệ sinh chuồng trại. Dòng điện từ khí sinh học này mang lại cho anh mỗi năm khoảng 40 triệu đồng. Đây là yếu tố cần thiết của một mô hình chăn nuôi bền vững.

Cung cấp thịt an toàn

Khi đã có một quy trình chăn nuôi hoàn toàn khép kín, tạo ra sản phẩm thịt heo an toàn thì đầu ra rất quan trọng. Anh Bá cho biết, trong thời gian dài, số lượng heo đến tuổi xuất chuồng của trang trại anh hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống thương lái. Thấy chất lượng đàn heo của mình tốt hơn mà giá bán vẫn ngang bằng với heo bên ngoài và thường xuyên bị ép giá nên anh đã mở sạp bán thịt heo an toàn Kim Cương tại số 96, đường Nguyễn Trãi, phường 7, TP. Mỹ Tho. Mỗi ngày, sạp thịt của anh bán được khoảng 3 - 4 con heo.

Chưa dừng lại ở đó, anh tiếp tục mở quán hủ tiếu sử dụng thịt heo an toàn của trang trại tại số 19, đường Huỳnh Tịnh Của, phường 7, TP. Mỹ Tho. Được nhiều người tiêu dùng biết đến, quán hủ tiếu của anh ngày càng đông khách. Ngoài việc mở sạp bán thịt heo, bán hủ tiếu, số lượng heo còn lại anh cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp; hệ thống nhà hàng và thị trường TP. Hồ Chí Minh. Anh Bá cho biết, mới đây anh gửi mẫu thịt heo của trang trại lên một nhà hàng của Hàn Quốc ở TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra nguồn thịt. Kết quả, 670 gram thịt được ngâm nước, luộc và để một thời gian cho rỏ nước thì còn lại 650 gram. Sản phẩm thịt sau khi kiểm tra đều đạt chất lượng mà nhà hàng này đề ra.

Hiện nay, trang trại nuôi heo của anh được UBND huyện Chợ Gạo chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Mỹ Tho chứng nhận mua bán nông sản thực phẩm an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm thịt an toàn và sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chứng nhận chăn nuôi vệ sinh thú y và nhiều giấy chứng nhận đạt các tiêu chí khác…

Mới đây, các chuyên gia của Nhật Bản đã đến tham quan, tìm hiểu quy trình từ chăn nuôi đến đưa sản phẩm thịt an toàn ra thị trường của trang trại anh Bá. Sau buổi tham quan, tìm hiểu, ông Michio Miura và Takeuchi Saburo đánh giá rất cao quy trình chăn nuôi theo kiểu an toàn của trang trại. Điều đặc biệt là khi thưởng thức thịt heo được làm ra từ trang trại, các chuyên gia này cho rằng, thịt heo rất ngon và mong muốn hợp tác lâu dài trong chăn nuôi cũng như đưa sản phẩm thịt đến với các nhà hàng, siêu thị của Nhật Bản ở Việt Nam.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Thị Mến cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có nhiều người xây dựng được chuỗi trong chăn nuôi. Vì vậy, việc xây dựng chuỗi từ chăn nuôi đến cung cấp thịt “sạch” cho người tiêu dùng và mở cả quán ăn chế biến từ thịt heo an toàn như anh Bá là hướng đi đúng. Ngành chuyên môn cũng đang tính đến phương án này để xây dựng chuỗi cho những người chăn nuôi khác và những sản phẩm khác.

Anh Nguyễn Trần Tường Bá tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế - Thủy sản của Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Với tấm bằng đại học, anh không xin việc như bao bạn bè mà về nhà tính kế sản xuất và đạt được nhiều thành công trên lĩnh vực chăn nuôi

Anh Nguyễn Trần Tường Bá cho biết, anh cùng bạn bè đã đầu tư thêm trang trại hơn 1 ha, với kinh phí hàng tỷ đồng để trồng rau theo công nghệ cao ở xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây. Sau khi có sản phẩm, anh Bá sẽ tính đến việc cung cấp thịt “sạch”, rau “sạch” đến các khu, cụm công nghiệp và các trường học trên địa bàn tỉnh cũng như TP. Hồ Chí Minh.

Sĩ Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang