Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 28/01/2017
Ngày cập nhật:
1/2/2017
Hơn 30 năm khoác trên mình màu xanh áo lính, ông đã thấm đượm ý chí kiên trung, tinh thần vượt khó của bộ đội Cụ Hồ. Để rồi sau không ít gian truân, vất vả, người lính năm nào tiếp tục góp phần làm giàu đẹp quê hương bằng việc phục tráng thành công giống gà quý của Khánh Hòa, được lựa chọn đưa vào Bộ giống Quốc gia. Ông là Phạm Đình Phùng, 62 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Phùng Dầu Sơn.
15 năm đi tìm giống gà quý
Năm 1974, cũng như bao lớp thanh niên cùng trang lứa, chàng trai Phạm Đình Phùng (người Thanh Hóa) xung phong vào quân đội, tiếp bước cha anh lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1977, ông thi đậu vào Trường Đại học Tây Nguyên, chuyên ngành chăn nuôi. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được Tỉnh đội Đắk Lắk nhận về đảm đương công tác hậu cần, quản lý việc phát triển sản xuất, chăm lo đời sống cho bộ đội. Đến năm 1991, ông Phùng chuyển về Khánh Hòa, công tác tại Ban Kinh tế, Tỉnh đội Khánh Hòa cho đến khi về hưu vào năm 2010.
Trong những tháng ngày quân ngũ ở Khánh Hòa, người kỹ sư chăn nuôi chợt nhận ra hoạt động chăn nuôi gà đang ở vào thời kỳ bão hòa. Người tiêu dùng sau một thời gian dài sử dụng giống gà công nghiệp đã nhớ về món thịt gà dai, ngọt hơn. Bởi thế, ông không ngừng trăn trở về một giống gà vừa mang nét đặc trưng của xứ Trầm Hương, vừa đáp ứng tốt yêu cầu về chăn nuôi, nhu cầu thị trường. “Qua tìm hiểu được biết, Khánh Hòa có giống gà ri ở Ninh Hòa rất phù hợp nhờ đặc tính phát triển tốt, sức đề kháng cao và thịt dai ngon. Nhưng giống gà này đã bị thoái hóa, phân ly, pha trộn, không còn là giống nguyên chủng nên việc tìm kiếm những cá thể còn giữ lại được các gen quý không hề dễ dàng”, ông Phùng chia sẻ.
Khi đã định hình cho mình một hướng đi, từ năm 2000 đến 2010, ông Phùng đã dành hầu như tất cả ngày nghỉ, ngày phép của mình để rong ruổi trên những vùng xa xôi, heo hút nhất của tỉnh tìm kiếm những con gà thuộc vào diện nguyên chủng nhất. Đó là các xã cánh tây của thị xã Ninh Hòa. “Nơi miền núi xa xôi, ít nhiều vẫn giữ được những con gà có đặc tính mình cần, nhất là trong các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hầu hết số gà nơi đây chưa được chăm sóc đến nơi đến chốn, nên quá trình tìm kiếm, phân loại, nghiên cứu, phục tráng cũng trở nên khó khăn hơn”, ông Phùng nhớ lại.
Trang trại gà Phùng Dầu Sơn lẫn giữa rừng cây
Từ những con gà được chọn lựa, với kiến thức và đam mê của một kỹ sư chăn nuôi, ông Phùng đã mày mò hơn 15 năm trời, với rất nhiều thất bại. Nhưng rồi với tài năng và ý chí của mình, ông dần dần phục tráng thành công một thế hệ gà giống mang đủ đầy nhất những tính trạng của giống gà ri Ninh Hòa. Năm 2015, giống gà Ri Ninh Hòa với rất nhiều ưu việt so với các giống gà khác trên cả nước từ vườn ươm Phùng Dầu Sơn đã chính thức được đưa vào Bộ giống quốc gia. Nhắc đến chữ Phùng Dầu Sơn, ông chỉ giải thích giản đơn: “Tôi tên Phùng, lập trang trại nuôi gà trên mảnh đất Dầu Sơn, Suối Tân, Cam Lâm, nên đặt tên cho giống gà của mình một cách gần gũi, dễ hiểu là Phùng Dầu Sơn. Đó cũng chính là giống gà ri Ninh Hòa thuần chủng”.
… đến ươm gà thu bạc tỷ
Từ Quốc lộ 1, chúng tôi rẽ về thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân chừng hơn cây số, ra khỏi khu dân cư, trang trại gà Phùng Dầu Sơn ẩn sâu giữa một rừng cây sao bạt ngàn xanh tốt. Chúng tôi vào trang trại khi đã được mặc bảo hộ, phun hóa chất khử trùng. Toàn bộ khu này rộng 7ha, trong đó có 5ha trồng gần 2.000 gốc sao. Còn 2ha là những công trình phục vụ cho việc nuôi giống, ươm gà.
Từng quả trứng được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cho vào lò ấp
Ông Phạm Đình Phùng: Nhiều năm qua, công ty nhận được sự tín nhiệm cao của người chăn nuôi về chất lượng con giống. Để trở thành nhà phân phối giống gà ta chủ lực cho tất cả các tỉnh, thành trên cả nước và một số quốc gia láng giềng, chất lượng con giống là điều kiện tiên quyết. Người nuôi có thành công, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn so với nhiều giống gà khác họ mới tiếp tục gắn bó với mình.
Khác với vẻ oi bức ở phía ngoài, toàn bộ khu vực này khá mát mẻ. Điều đáng nói, nơi đây đang nuôi 100.000 con gà và ươm hàng triệu quả trứng nhưng hầu như không hề nghe mùi đặc trưng nào của gà. Ông cho biết: “Trồng rừng nơi đây có nhiều mục đích. Thứ nhất là tạo được vùng tiểu khí hậu thích hợp cho gà. Cây cối cũng giúp bảo vệ môi trường, giữ nước, tạo độ ẩm, tạo bóng mát, che chắn gió... Bản thân cây sao cũng là cây gỗ quý, 2 - 3 chục năm nữa cũng là một tài sản đáng kể”.
Với hệ thống chuồng trại, đó là những dãy nhà dài, nằm lẫn giữa rừng cây, mỗi dãy rộng chừng 5.000m2. Toàn bộ gà được nuôi trên đệm lót, có hệ thống cân bằng nhiệt độ tự động. 100.000 con gà nơi đây được chia thành 3 lứa tuổi. Trong đó, có 10.000 con gà ông bà, mang trong mình những yếu tố nguyên chủng nhất; 45.000 con đang ở độ tuổi sản xuất, đẻ trứng để ươm thành gà con; 45.000 con còn lại là những con gà “vị thành niên”, sẽ dùng để thay thế khi lứa gà sản xuất đã quá tuổi.
Hàng trăm ngàn con gà bố mẹ nguyên chủng
Ở một khu vực khác là hệ thống trại ấp trứng. Ở đây, nhiệt độ được điều chỉnh cao hơn, lên đến khoảng 37,5 độ bằng một hệ thống điều chỉnh nhiệt độ tự động rất hiện đại. “Đây là thế hệ máy ấp trứng mới nhất được nhập khẩu từ Hà Lan, nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho gà con. Toàn bộ gà con trước khi xuất bán đều đã được lựa chọn kỹ lưỡng, tiêm đầy đủ các loại vắc xin tốt nhất”, ông Phùng khẳng định.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giống gà này có đặc điểm tầm vóc to, cao, nhanh lớn hơn hẳn các giống gà ta thường thấy. Thịt gà dai chắc, thơm ngon nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Gà có khả năng thích nghi cao, chịu kham khổ và kháng bệnh tốt nên được nhiều người nuôi chọn lựa. Công ty Giống gia cầm Phùng Dầu Sơn đang là 1 trong 4 doanh nghiệp gà màu lớn nhất Việt Nam.
Qua tìm hiểu, trang trại gà Phùng Dầu Sơn hiện có 22 máy ấp trứng (trị giá hơn 2 tỷ đồng/máy), mỗi tháng cho ra đời hơn 400.000 gà con. Hàng năm, có khoảng 5 triệu con giống sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó. Với số lượng lớn con giống cung cấp cho thị trường, mỗi năm ông đạt doanh thu trên 20 tỷ đồng.
Nhưng đó vẫn chưa phải là đích đến của ông. Trang trại gà nằm bên chân núi Học Bồ đang tiếp tục được mở rộng diện tích, trồng thêm cây xanh và xây dựng chuồng trại. Tiếp chúng tôi trong căn phòng được trang hoàng bởi hàng chục bằng khen, giấy khen của nhiều bộ, ngành, hiệp hội, tỉnh, huyện…, ông “bật mí”: “Sau nhiều năm tập trung vào con giống PDS1, với rất nhiều ưu điểm và được người nuôi đón nhận, tôi và các cộng sự vẫn không ngừng nghiên cứu, cải tiến giống gà này. Sau nhiều năm miệt mài, chúng tôi đã thành công với giống PDS2 vào cuối năm 2016. Giống gà mới có trọng lượng tốt hơn, tăng trọng nhanh hơn so với giống gà PDS1 trong cùng một điều kiện, thời gian nuôi. Đặc biệt, thế hệ gà giống thứ 2 của Phùng Dầu Sơn vẫn giữ được những tính trạng dai, ngon ngọt đặc trưng của gà ri Ninh Hòa”.
H.Đ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.