Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 28/01/2017
Ngày cập nhật:
2/2/2017
Cái Chiên là xã đảo nằm ở phía Tây Nam huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh). Nơi đây ngoài biển xanh, cát trắng sông nước hữu tình thu hút khách du lịch còn có giống gà râu với nhiều đặc tính rất độc đáo. Từ năm 2015, địa phương đã xây dựng “Gà Râu” trở thành sản phẩm OCOP và là sản phẩm ẩm thực du lịch của Cái Chiên.
Gà râu mái, con nào cũng sở hữu bộ râu rất... cá tính.
Với gà râu, “phái đẹp” thuộc về những anh chàng gà trống. Chúng sở hữu đôi chân cao, cổ dài, lông sặc sỡ và mào to đỏ, giọng thánh thót. Ngược lại, “phái mạnh”, “phái mày râu” lại thuộc về các chị gà mái với mã xấu hơn, chân ngắn, cổ rụt, lông màu tối. Gà mái còn có bộ râu rất đặc trưng ở dưới mỏ trong khi gà trống hãn hữu mới có. Tính cách gà râu mái cũng mạnh mẽ hơn, khi phải chiến đấu chống kẻ thù như quạ, diều hâu để bảo vệ đàn con, gà mái luôn giữ vai trò chính, còn những anh chàng gà đực tồng ngồng thường đứng ngoài cuộc...
Anh Chu Văn Sanh, thôn Đầu Rồng đã có hơn 10 năm nuôi gà râu ở Cái Chiên.
Cái Chiên cách xa đất liền khoảng 7 cây số, nên các loại chim vượt biển bay ra đảo thường là những loài có sải cánh khoẻ như diều hâu, quạ... Đảo có rất nhiều quạ, món ăn khoái khẩu của quạ là gà con, thế nhưng con quạ nào đi săn gà con mà vô tình gặp phải gà râu mẹ thì coi như “chuyến đi săn xui xẻo”. Gà râu mẹ xù lông rồi lao vào chiến đấu với quạ, những trận chiến ngoài đồng, phần thắng thường thuộc về gà râu. Chúng rất nhanh nhẹn, né tránh những cú mổ của quạ một cách tài tình rồi bay lên cao, bất thần mổ như trời giáng vào đầu đối thủ, khiến con quạ chỉ còn biết “cao chạy xa bay”. Sự dũng mãnh của gà râu mẹ khiến ngay cả những con diều hâu to lớn cũng phải kiềng, chúng thường không dám tấn công đàn gà con khi phát hiện gà râu mẹ ở gần đó.
Cái Chiên giờ đã khác nhiều, trở thành địa chỉ trên bản đồ du lịch của tỉnh. Du khách đến Cái Chiên khi trở về không chỉ nhớ biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà còn nhớ gà râu.
Tuy nhiên, gà râu chậm lớn nên có giai đoạn trước đây, bà con từng đưa các giống gà khác lên đảo vì nuôi chúng chóng lớn hơn, đầu tư rẻ nên tiêu thụ cũng dễ hơn. Thế nhưng, trận dịch gia cầm vào những năm 90 của thế kỷ trước đã làm chết hết các giống gà khác. Riêng gà râu vẫn khoẻ mạnh, do chúng có khả năng kháng bệnh cao nên lại chiếm vị trí độc tôn trên đảo.
Khi phát hiện có kẻ lạ, gà râu mẹ sẵn sàng trong tư thế bảo vệ đàn con.
Ông Chu Văn Liễu, ở thôn Đầu Rồng, xã Cái Chiên vẫn nhớ như in lời người cha dặn trước lúc lâm chung rằng: “Con phải bám đảo, đừng để mất giống gà râu từ bao đời”. Ấy là có một thời, cuộc sống trên đảo quá khó khăn, nhiều người bỏ đảo vào đất liền sinh sống, cha của ông Liễu sợ con trai mình cũng rời bỏ đảo nên căn dặn con hãy bám đảo, giữ lấy giống gà râu. Năm 2015, xã Cái Chiên đã đề xuất lên huyện về đề án khôi phục giống gà râu đảo Cái Chiên và được huyện rất tán thành. Thời điểm ấy, gom cả xã chỉ được 300 con gà râu. Gia đình ông Liễu, thôn Đầu Rồng là 1 trong 21 hộ đầu tiên trong dự án phục hồi giống gà râu đảo Cái Chiên (nay đã có 30 hộ). Anh Chu Văn Sanh, Tổ trưởng Tổ nuôi gà râu đảo Cái Chiên bảo: “Mùa du lịch vừa qua, Cái Chiên đã bán được vài nghìn con gà râu phục vụ khách du lịch, riêng gia đình tôi bán được hơn 400 con. Cứ đến tháng 11 âm lịch hàng năm là Cái Chiên không còn gà râu bán Tết vì đã được khách đặt hết”.
Gà râu đực đẹp mã, không có râu và hiền lành hơn gà mái.
Cũng theo anh Sanh, nhiều người trên đất liền đã mua gà râu về nuôi kinh doanh, thế nhưng cứ vào dịp Tết, lại chính những ông chủ “gà râu đất liền” đó lại ra đảo để mua gà râu về làm bữa cơm Tết của gia đình mình. Bởi gà râu nuôi trên đảo thịt ngon hơn hẳn, do trên đảo có quỹ đất rộng, gà được nuôi bán hoang dã. Mặt khác, do tính cộng đồng của người dân trên đảo cao, họ biết bảo vệ nhau nên không xảy ra trộm cắp, gà cứ thoải mái kiếm ăn ngoài đồng hay trên rừng, không sợ mất hay lẫn lộn với nhà khác. Gà năng động kiếm thức ăn tự nhiên nên thịt ngon hơn...
Cái Chiên giờ đã khác nhiều, trở thành địa chỉ trên bản đồ du lịch của tỉnh. Du khách đến Cái Chiên khi trở về không chỉ nhớ biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà còn nhớ gà râu. Và có thể coi, gà râu như là “của chìm” cha ông để lại cho người dân Cái Chiên.
Công Thành
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.