Nguồn tin: Tuổi trẻ, 18/10/2017
Ngày cập nhật:
19/10/2017
Hàng ngàn xác heo nổi trắng xóa ở miền Bắc vì thiên tai, biết bao nhiều nông dân nuôi tôm cá trắng tay ở miền Nam do dịch bệnh. Vậy mà, lúc cần nhất, nông dân vẫn ngán bảo hiểm.
Trại heo đạt chuẩn VietGAP ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Dù nuôi quy mô lớn nhưng nông dân vẫn không mua bảo hiểm - Ảnh: A LỘC
Dù chính sách bảo hiểm nông nghiệp được nhà nước khuyến khích, nhưng từ cây trồng đến vật nuôi vẫn "trắng" bảo hiểm nông nghiệp và nông dân lại vẫn trắng tay. Vì sao?
Khi hai bên cùng ngán ngẩm nhau
Bà Huỳnh Thị Nâu, chủ trại heo 2.000 con ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long), cho biết dù nuôi nhiều heo và biết là đầy rủi ro nhưng bà quyết không mua bảo hiểm nông nghiệp.
"Hiện nay thị trường heo thịt rất khó cạnh tranh, giá cả bất ổn, nên nếu mua bảo hiểm thì chắc chắn chi phí sẽ đội lên rất nhiều", bà Nâu nói.
Ông Lê Hoàng Luân, chủ trang trại hơn 3.000 con heo tại xã Đông Thành, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), trái lại, là một người đã từng tham gia bảo hiểm nông nghiệp với hợp đồng cam kết bồi thường 100% khi xảy ra sự cố.
Vậy mà, vào năm 2015, đàn heo bị dịch bệnh chết hơn 1.000 con, gia đình ông Luân chỉ được phía bảo hiểm bồi thường gần 70% giá trị. Vậy là ông Luân từ đó cạch mặt với bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bé, chủ một trang trại ở huyện Tân Trụ (Long An), thì lại nói mình chưa hề nghe "nuôi heo cũng mua bảo hiểm", không biết đến loại hình này.
"Chăn nuôi trầy trật theo mùa, nhiều khi thiên tai dịch bệnh không lường hết được. Nếu có loại hình bảo hiểm phù hợp, có thể tôi sẽ xem xét tham gia để đỡ bớt áp lực", ông Bé nói.
Ba gương mặt nông dân điển hình cho những sắc thái phản ứng đối với bảo hiểm nông nghiệp. Người đã mua thì cạch mặt, người chưa biết thì vẫn hy vọng còn người biết mà chưa mua thì không thèm mua...
Nhưng chính doanh nghiệp bán bảo hiểm nông nghiệp cũng chẳng mặn mà gì khi đi mời nông dân mua dịch vụ của mình.
Ông Võ Văn Vũ, Trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, cho rằng sở dĩ số người tham gia bảo hiểm nông nghiệp còn quá ít là do nhiều yếu tố.
Cụ thể là quy mô sản xuất của các hộ nông dân thường nhỏ trong khi chi phí bảo hiểm quá lớn. Hơn nữa, khi xảy ra sự cố, việc xác định thiệt hại không hề đơn giản và nền tảng pháp lý cũng chưa rõ ràng.
"Nông dân không muốn mua bảo hiểm nông nghiệp vì phí cao. Doanh nghiệp không muốn bán vì rủi ro trong sản xuất nông nghiệp rất lớn và diễn ra thường xuyên", ông Vũ nói.
Bức tranh tham gia BHNN sau 3 năm thực hiện thí điểm ở 20 tỉnh, thành phố - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Nông dân miễn phí thì mới... mua
Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết từ năm 2011, Đồng Nai là 1 trong 9 tỉnh được chọn làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên đàn gia súc, gia cầm (giai đoạn 2011-2013) theo quyết định của Chính phủ.
Lúc đó các hộ nghèo được mua bảo hiểm nông nghiệp miễn phí và các hộ chăn nuôi lớn và vừa được khuyến khích tham gia.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai thí điểm, chỉ có hơn 400 hộ dân tham gia vì... được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, còn lại không ai tự mua.
"Tôi không tham gia vì thấy không có lợi. Thay vì lấy tiền mua bảo hiểm thì tôi đầu tư kỹ thuật chăm sóc, an toàn dịch bệnh để bảo vệ đàn heo", anh Hùng, một hộ chăn nuôi ở Trảng Bom, nói.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Nai, cho biết hiện tỉnh không còn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
"Người chăn nuôi nói là phí bảo hiểm còn cao (trên 100.000 đồng/con heo), trong khi giá heo, gà lên xuống bấp bênh. Hơn nữa, nhiều năm liền ở đây không xảy ra dịch bệnh nên họ không quan tâm nhiều", ông Báu lý giải về nguyên nhân của sự thờ ơ với bảo hiểm.
Trong khi đó, dù nói rằng rất muốn nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp để giảm rủi ro, nhưng theo ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai, từ năm 2011 tới nay, khách hàng vay ngân hàng chẳng có ai mua bảo hiểm nông nghiệp.
Lý do, theo ông Trinh, là phí cao mà điều kiện lại khắt khe như buộc vật nuôi phải được nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình... nên khi xảy ra sự cố điều này dễ khiến cho bên mua bị rơi vào trường hợp bị miễn trừ bảo hiểm.
Các nông dân tính rằng với điều kiện nuôi khắt khe theo quy định đó thì chi phí sẽ tăng lên, giá thành sẽ cao và cộng thêm bảo hiểm thì đầu ra sẽ khó.
Giải pháp, theo ông Trinh, một mặt phải bảo đảm đầu ra cho nông dân, một mặt giảm chi phí mua bảo hiểm và nếu thế thì phải "có chính sách bù lỗ cho các doanh nghiệp tham gia bán bảo hiểm nông nghiệp".
Nông dân không muốn mua bảo hiểm nông nghiệp vì phí cao. Doanh nghiệp không muốn bán vì rủi ro trong sản xuất nông nghiệp rất lớn và diễn ra thường xuyên (Ông VÕ VĂN VŨ (Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long))
Thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12-10 đã làm 75.600ha lúa, cây hoa màu nông nghiệp ở các tỉnh bị ngập úng, đổ gãy. Trong đó, tỉnh Nam Định thiệt hại 22.600ha, Hà Nam 11.640ha, Ninh Bình 14.000ha, Thanh Hóa 27.405ha.
Đợt mưa lũ này cũng gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Đã có 10.362 con gia súc và 301.449 con gia cầm bị chết và bị cuốn trôi.
H.NGUYỄN - S.LÂM - C.QUỐC - K.NAM- B.ĐẤU - K.TÂM - HÀ MI - A LỘC-XUÂN LONG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.