Nguồn tin: Mard, 20/10/2017
Ngày cập nhật:
21/10/2017
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam do Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan được tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 20/10/2017. Diễn đàn có sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sự tham dự của nhiều vị Đại sứ, tham tán thương mại, doanh nghiệp nước ngoài và đông đảo các doanh nghiệp trong nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ: “Lợn là ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất nhưng lại đầy rủi ro, đặc biệt về mặt thị trường. Cá tra Việt Nam hiện nay rất tự hào vì từ sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường đều đã được làm khá tốt. Riêng con lợn chỉ làm tốt được khâu sản xuất. Khâu chế biến, tổ chức thị trường tiêu thụ hoàn toàn bị rỗng”.
Theo Bộ trưởng, mặt hàng thịt lợn chủ yếu là mổ thủ công, bán chợ. Mỗi năm sản xuất hơn 4 triệu tấn thịt lợn hơi, lớn hơn cả giá trị lúa gạo nhưng chỉ xuất khẩu được hơn 20.000 tấn lợn sữa.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, trong những năm gần đây ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam liên tục phát triển, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,5%/năm. Theo số liệu thống kê đến năm 2016, tổng số đàn lợn đực giống là 74.642 con, chiếm 0,25% tổng đàn lợn; đàn lợn nái là 4.235.439 con, chiếm 14,56% tổng đàn; còn lại là lợn thịt, với 24.765.234 con, chiếm 85,17% tổng đàn lợn. Tính đến 1/4/2017, cả nước có khoảng 28,9 triệu con lợn, sản lượng thịt hơi đạt 2,2 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), hiện nay, cả nước có 910 cơ sở giết mổ tập trung (gồm 611 cơ sở giết mổ gia súc, 130 cơ sở giết mổ gia cầm và 76 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm) song hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm này không có hệ thống bảo quản mát, pha lọc, cấp đông và kho bảo quản lạnh sản phẩm (chỉ phục vụ giết mổ để bán thịt nóng trên thị trường nội địa). Cả nước cũng mới chỉ có 8 cơ sở giết mổ lợn sữa, lợn choai để xuất khẩu sang Hồng Kông và Malaysia. Các cơ sở này đều có công suất nhỏ và mới đáp ứng các yêu cầu của Hồng Kong và Malaysia chứ chưa thể tính đến việc mở rộng ra các thị trường khác.
Bày tỏ sự quan tâm tới thị trường thịt lợn Việt Nam, bà Nienke Trooster – Đại sứ đặc mệnh Đại Sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết, những năm gần đây, Hà Lan thường xuyên có hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực rau, hoa quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giúp phát triển chuỗi ngành hàng rau quả, cà phê với kết quả thực hiện rất tốt.
Theo bà Nienke Trooster, Hà Lan cũng như các nước EU đều quy định nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt được thống nhất giữa các nước thành viên và Ủy ban châu Âu là đối tác đàm phán duy nhất với tất cả các nước ngoài EU về các điều kiện nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật. Theo đó EU yêu cầu tất cả sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao giống như đối với sản phẩm của các nước thành viên EU, không chỉ về mặt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn liên quan đến an toàn dịch bệnh động vật của EU.
Theo Cục Thú y, hiện nay có không ít thị trường đang bày tỏ nhu cầu cần nhập khẩu sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Tuy nhiên, họ đều đưa ra hàng loạt yêu cầu rất khắt khe.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đàm phán để hoàn tất hồ sơ, tiến tới đạt được thỏa thuận chính thức trong việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp để Việt Nam xuất khẩu được thịt gà sang Nhật Bản. Hi vọng sẽ sớm xuất khẩu thịt lợn sang thị trường này cũng như các thị trường khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, sản phẩm thịt lợn sẽ khó hơn vì con lợn dễ bị bệnh lở mồm long móng. Đây lại là loại bệnh thuộc đối tượng kiểm dịch của các nước rất nghiêm ngặt.
“Thị trường có, điều kiện chúng ta có thể làm được, vấn đề là hành động tổ chức quyết liệt. Cấp Chính phủ, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và PTNT vào cuộc cùng Bộ Công Thương mở rộng thị trường, chỉ đạo sản xuất an toàn dịch bệnh cùng với các thủ tục, quy trình chuyên môn xuất khẩu. Những việc gì thuộc Chính phủ là phải đồng bộ, quyết liệt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu phải tổ chức lại ngành hàng này theo mô hình liên kết chuỗi theo 3 cấp độ: quy mô sản xuất lớn của doanh nghiệp phải tập trung cao để xuất khẩu thịt lợn; quy mô vừa và nhỏ sản xuất cung cấp cho thị trường trong nước; phát triển con lợn đặc sản gắn với truyền thống chăn nuôi hữu cơ cho thị trường nội địa và du lịch.
Tại diễn đàn, Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao, Tập đoàn De Heus, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Biển Đông và Công ty máy móc Daewon Hàn Quốc đã cùng ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch, an toàn hướng đến xuất khẩu.
Lễ ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch, an toàn hướng đến xuất khẩu.
Ban Biên tập tổng hợp
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.