Nguồn tin: Khuyến nông VN, 23/10/2017
Ngày cập nhật:
26/10/2017
Tiên Phước là một huyện trung du của tỉnh Quảng Nam có nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó có giống gà địa phương được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhằm duy trì nguồn gen gà quý và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà vườn Tiên Phước, từ năm 2014 đến nay, huyện đã có nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật…, đồng thời tạo điều kiện, động viên cho người dân phát triển chăn nuôi gà địa phương
Gà Tiên Phước là giống gà địa phương được bà con nông dân trên địa bàn huyện nuôi từ rất lâu. Theo kết quả nghiên cứu của Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Tiên Phước thì giống gà này rất dễ phân biệt so với các giống gà khác. Nhìn bề ngoài gà có bộ lông màu vàng bóng mượt; thân hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn; mồng, tách phát triển; chân gà nhỏ có màu vàng. Trọng lượng lúc 5 tháng tuổi từ 1,5 đến 2 kg đối với gà mái, và từ 2 đến 2,5 kg đối với gà trống. Đặc biệt giống gà này có thịt rất thơm, dai và ngon.
Để bảo tồn giống gà địa phương, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Tiên Phước thực hiện đề tài Nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển giống gà quý hiếm này. Qua 2 năm triển khai thực hiện đề tài đã thu được kết quả nhất định. Đề tài nghiên cứu được quy trình chọn lọc và nhân giống gà để chuyển giao cho nông dân thực hiện; Xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi gà; Đặc biệt xây dựng được 4 mô hình sản xuất giống gà địa phương và được người dân đồng tình ủng hộ.
Hộ ông Võ Văn An tại thôn 8, xã Tiên mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam là 1 trong 4 mô hình đó. Tham gia mô hình, ông An được hỗ trợ 32 gà giống địa phương, một phần thức ăn nuôi gà và được hướng dẫn kỹ thuật. Con giống được Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện tuyển chọn kỹ lưỡng từ những hộ chăn nuôi gà truyền thống trên địa bàn huyện, có độ đồng đều cao và không bị cận huyết. Để tăng đàn gà giống địa phương, Trạm hướng dẫn hộ dân cho nhân giống thuần chủng không đồng huyết, cho ra thế hệ con, tiếp tục chọn lọc những con khỏe mạnh, không bị khuyết tật, mang đặc điểm đặc trưng của giống gà địa phương… để phát triển đàn giống. Qua 2 năm thực hiện, đến nay ông An phát triển đàn gà lên được 300 con, trong đó có 50 gà giống và 150 gà thịt/lứa. Ông tự sản xuất gà giống và bán cho người dân địa phương với giá 18.000 đồng/con, trừ các khoảng chi phí, thu nhập được khoảng 3 triệu đồng/tháng; Bên cạnh đó ông nuôi gà thịt theo hình thức thả vườn, cho ăn bột hỗn hợp có phối trộn với bắp, lúa, bánh dầu sẵn có tại địa phương, thời gian nuôi từ 5 đến 5,5 tháng nên gà có thịt rất thơm ngon. Với giá gà thịt bình quân 95.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí ông An thu nhập được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Như vậy tổng thu nhập của ông An từ chăn nuôi gà là khoảng 6 triệu đồng/tháng. Với thu nhập 6 triệu đồng/tháng gia đình ông An có cuộc sống tương đối ổn định. Không dừng lại ở đó, ông dự định tiếp tục nhân rộng và phát triển đàn gà địa phương để tăng thu nhập cho gia đình, đồng thời bảo tồn con giống gà quý cho địa phương.
Đàn gà Tiên Phước của mô hình tại nhà ông An
Tại huyện có nhiều trang trại, hộ chăn nuôi gà đã có đóng góp lớn trong việc bảo tồn và phát triển giống gà địa phương. Điển hình là mô hình nuôi gà của anh Nguyễn Đắc Lực ở thôn 1, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Bắt tay vào nuôi gà khoảng 10 năm, nguồn gà giống ban đầu được mua trong dân, sau đó anh tự chọn lọc và sản xuất con giống. Từ vài chục con giống được mua về, đến nay anh đã chọn lọc và nhân lên được khoảng 1500 con, trong đó có 300 gà giống và 1200 gà thịt, được nuôi trên diện tích gần 1 ha.
Anh chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà như sau: “Tôi nuôi giống gà địa phương đã lâu thấy gà dễ nuôi, vừa nuôi nhốt vừa thả vườn đã được rào lưới xung quanh. Gà con từ nở ra đến 2 tháng tuổi cho ăn bột hỗn hợp; từ 3 đến 5 tháng tuổi cho gà ăn bột hỗn hợp trộn thêm 1 phần bắp. Đối với gà mái đẻ thì ăn ít hơn nhưng phải đảm bảo chất lượng cao hơn gà thịt để gà đẻ đều. Tỷ lệ phối trộn giữa bột và bắp từ thấp đến cao, tối đa lượng bắp trong khẩu phần là 70%. Tỷ lệ trống/mái trong đàn là 1 trống/8 mái. Ngoài ra cho gà uống nước sạch và uống thuốc bổ vào những lúc thời tiết nóng hoặc khi thời tiết thay đổi; Phòng đầy đủ các bệnh cho gà theo quy trình kỹ thuật của Trạm Thú y huyện hướng dẫn thì gà khỏe mạnh và phát triển tốt”. Hiện tại anh Lực bán gà giống và gà thịt cho khách hàng ở nhiều nơi, trong đó phần lớn gà thịt được bán tại Tam Kỳ và thành phố Đà Nẵng. Anh bán gà giống với giá 18.000 đến 25.000 đồng/con tùy theo ngày tuổi; gà thịt bình quân 95 nghìn đồng/kg. Tổng thu nhập từ chăn nuôi gà khoảng 250-300 triệu đồng/năm. Hiện nay, anh Lực duy trì nuôi gà Tiên Phước không chỉ với mục đích mang lại thu nhập cho gia đình mà anh còn giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật, vận động đông đảo bà con nông dân cùng nuôi nhằm nhân rộng, bảo tồn giống gà quý hiếm cho địa phương.
Đồng hành với anh Lực còn có nhiều trang trại, hộ chăn nuôi, phát triển đàn gà địa phương mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, như: Ông Phan Trọng Vinh ở thôn 6, xã Tiên An nuôi 300 gà mái, 2000 gà thịt; Anh Phan Phúc Hậu tại thôn 2, xã Tiên Cảnh nuôi 250 gà mái, 2000 gà thịt; Chị Phạm Thị Cường ở thôn 2 xã Tiên Mỹ nuôi 110 gà mái; Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, thôn 1, xã Tiên Lộc nuôi 100 gà mái; Bà Nguyễn Thị Tuyết Sương - thôn Bình An, Thị Trấn Tiên Kỳ nuôi 100 gà mái.
Đồng chí Lê Trí Hiệu, phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, định hướng phát triển chăn nuôi gà của huyện là xây dựng con gà Tiên Phước thành đặc sản nổi tiếng của huyện, phục vụ cho các du khách xa gần tới tham quan trên địa bàn huyện và các khách hàng có nhu cầu, nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập bền vững cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, du lịch sinh thái trên địa bàn huyện. Vì vậy để bảo tồn nguồn gen và phát triển chăn nuôi gà bền vững, trong thời gian tới phòng NN&PTNT huyện, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện cần tham mưu cơ chế hỗ trợ, xây dựng các mô hình liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi xây dựng thương hiệu gà Tiên Phước; Các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục đầu tư mở rộng vùng sản xuất cũng như quy mô đàn để từng bước khẳng định chất lượng, đưa sản phẩm gà Tiên Phước đến với mọi khách hàng trên toàn quốc./.
Mai Thị Huyền Sanh - Trạm Khuyến nông Khuyến lâm huyện Tiên Phước, Quảng Nam
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.