Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 29/10/2017
Ngày cập nhật:
31/10/2017
Đàn vịt giống Cổ Lũng thuần chủng.
Nước ta có nhiều giống vịt nội là nguồn gen bản địa rất quý như vịt Cỏ, vịt Mốc, vịt Kỳ Lừa, vịt Ô Môn, vịt Đốm, vịt Cổ Lũng... Trong đó, vịt Cổ Lũng là đặc sản của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Đây là giống vịt quý hiếm, di truyền từ lâu đời, được các thế hệ người dân địa phương gìn giữ, phát triển. Hiện vịt Cổ Lũng được nuôi nhiều ở các xã: Lũng Cao, Cổ Lũng và Lũng Niêm. Vịt có đặc điểm cổ rụt, thân thấp lùn, mỏ và chân có màu vàng, cổ và đầu thường có lông khoang, con trống có lông đuôi xoăn, cổ ánh cườm biếc. Vịt ưa môi trường sạch, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, có khả năng kháng bệnh tốt. Vịt được nuôi thả tự nhiên (không nuôi nhốt) ở dòng suối Nũa - dòng suối trong xanh chảy xuyên qua núi từ huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình sang Kịt Toong Hoong của Bá Thước, vòng vèo qua các xã: Lũng Cao, Lũng Niêm và Cổ Lũng. Con suối này có nguồn thủy sinh khá phong phú, là thức ăn tự nhiên cho vịt. Vịt thường bơi ngược dòng để bắt tôm, cá, ốc và ăn phù du, nên dân bản địa thường gọi là: “Vịt trời nuôi”. Tuy nhiên, khi mưa, lũ thất thường không đủ mồi, các hộ cho vịt ăn thêm phụ phẩm là lúa, ngô tự trồng; tuyệt đối không dùng thức ăn công nghiệp.
Chính từ môi trường sinh trưởng trên mà vịt Cổ Lũng xương nhỏ, thịt nhiều nạc lại săn chắc, có mùi thơm đặc trưng, hấp dẫn và bổ dưỡng. Có dịp về Bá Thước, nhất là đi tham quan Khu Du lịch sinh thái Pù Luông, sau khi đi ngắm cảnh núi rừng, thác nước, ruộng bậc thang... về nghỉ ngơi trên nhà sàn, xem các cô gái Thái hát múa trong tiếng khèn bè, uống rượu cần, nhâm nhi món “khoái khẩu” - vịt Cổ Lũng du khách đều tấm tắc khen. Chính vì vậy, vịt Cổ Lũng là một trong những sản phẩm “mồi” vừa thu hút khách du lịch, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân.
Tuy nhiên, việc nuôi vịt Cổ Lũng còn nhỏ lẻ, tự phát. Mỗi hộ chỉ nuôi từ dăm con đến vài chục con, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Mặt khác, do điều kiện kinh tế và trình độ kỹ thuật của các hộ nuôi còn nhiều hạn chế nên việc giữ gen giống vịt Cổ Lũng không bảo đảm. Nếu không sớm phục hồi, bảo vệ, giống vịt quý hiếm này có nguy cơ tuyệt chủng.
Để khắc phục tình trạng trên và phát triển chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện nói chung, Ban Chấp hành Huyện ủy Bá Thước đã ban hành Nghị quyết 04 về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016 -2020, phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp của huyện đạt 50%. Nghị quyết xác định 6 loại con nuôi có lợi thế và đề ra mục tiêu phát triển là trâu 22.500 con, bò 17.100 con, lợn cỏ 11.800 con, dê 10.500 con, gà ri 526.000 con, vịt Cổ Lũng 52.000 con. Trong đó tập trung xây dựng và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm đặc sản vịt Cổ Lũng.
Thực hiện nghị quyết trên, UBND huyện Bá Thước xây dựng Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt của huyện Bá Thước” đã được UBND tỉnh chấp thuận, huyện triển khai thực hiện và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đồng chí Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, phấn khởi cho biết: “Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập thấp, nay xã có 64 hộ liên kết với Công ty TNHH Chăn nuôi vịt Cổ Lũng để đầu tư nuôi, bình quân mỗi hộ nuôi 50 con. Quy mô lớn nhất là hộ ông Hà Tô Quỳnh, nuôi gần 400 con. Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, nên vịt phát triển tốt, các gia đình đều có thu nhập khá. Đây là một trong những yếu tố giúp các hộ trong xã giảm nghèo, vươn lên khá, giàu bền vững (nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của xã chỉ còn 21,37%)”.
Thành công từ mô hình nuôi vịt ở xã Cổ Lũng, tới đây huyện Bá Thước sẽ triển khai ra các xã, gồm: Ban Công, Thành Lâm, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Sơn. Đây đều là các xã qua khảo sát có thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường, nguồn thức ăn phù hợp với việc chăn nuôi vịt Cổ Lũng, chắc chắn cho kết quả khả quan. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện dự án theo hướng an toàn sinh học sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa có tác dụng bảo tồn, lưu giữ nguồn gen quý giống vịt bản địa, đồng thời tạo ra sản phẩm vịt chất lượng, an toàn, không chỉ tiêu thụ trong, ngoài tỉnh mà còn hướng tới xuất khẩu; mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Để đạt mục tiêu trên, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi. Huyện sẽ tập trung chỉ đạo các xã, từng hộ dân thực hiện đúng các quy trình nuôi để bảo tồn giống, phát triển nhanh đàn vịt về số lượng, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày một tăng của khách hàng. Cùng với đó là đẩy mạnh các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền sớm công nhận thương hiệu cho sản phẩm vịt Cổ Lũng. Đó chính là sự ghi nhận, khẳng định, nhân lên niềm tự hào về một giống vịt quý hiếm đã được các thế hệ người dân Bá Thước gìn giữ, bảo tồn, phát triển.
Minh Đạo
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.