• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thủ Thừa (Long An): Mùa xuân no ấm từ những đàn bò thịt

Nguồn tin: Báo Long An, 01/02/2017
Ngày cập nhật: 4/2/2017

Sau hơn nửa năm thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An lần thứ XI được cụ thể hóa bằng NQ số 02-NQ/HU, ngày 29-12-2015, về phát triển đàn bò thịt trên địa bàn huyện, mùa xuân năm 2017 này, tổng đàn bò trên địa bàn tiếp tục tăng lên theo đúng lộ trình của NQ. Đây là nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có tổng đàn bò thịt 5.000 con, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Tận dụng tiềm năng sẵn có

Hiện tại, chăn nuôi bò tại nhiều địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao do ít tốn công chăm sóc, bò chủ yếu ăn cỏ, rơm nên chi phí thức ăn không cao như nuôi heo, gà, vịt,… Nếu hội đủ các điều kiện thuận lợi, không tính công lao động nhàn rỗi thì ước tính trung bình mỗi năm, lợi nhuận từ việc nuôi bò từ 5-7 triệu đồng/con.

Tuy nhiên, các hộ nuôi bò trên địa bàn huyện vẫn chăn nuôi theo hướng truyền thống, mang tính tự phát, chưa áp dụng đúng quy trình khoa học - kỹ thuật và chưa hình thành được chuỗi liên kết trong chăn nuôi an toàn.

Người dân có thể tận dụng diện tích đất trồng lúa không hiệu quả để trồng cỏ nuôi bò

Từ thực tế trên, huyện xây dựng NQ về phát triển đàn bò thịt với phương châm khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế. Theo đó, những hộ dân có diện tích đất sản xuất kém hiệu quả có thể chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Đồng thời, đây cũng là biện pháp tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi, phế phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư chăn nuôi. Từ đó, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập và ổn định kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND huyện - Phan Văn Tới, cho biết, người dân tham gia theo nội dung NQ số 02-NQ/HU chỉ cần đáp ứng các yếu tố: Vốn đối ứng mua con giống, diện tích đất trồng cỏ làm thức ăn cho bò hoặc nguồn thức ăn khác dự trữ, có công chăm sóc, đất xây chuồng ở vị trí thích hợp, không ảnh hưởng môi trường và có giải pháp xử lý phân, chất thải,… Mục tiêu chính của việc phát triển đàn bò thịt nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Vì vậy, huyện khuyến khích người dân thành lập các tổ hợp tác nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng đầu ra. Đồng thời, do nguồn vốn có hạn nên huyện tập trung khuyến khích, có chế độ hỗ trợ những người tham gia nuôi lần đầu, sau đó, tiếp tục hỗ trợ các hộ nuôi phát triển tăng đàn. Huyện ủy chọn Bình An làm xã điểm triển khai thực hiện và tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng trên toàn huyện.

Chủ tịch UBND xã Bình An - Lê Anh Tuấn cho biết: “Thực hiện NQ số 02-NQ/HU hoàn toàn phù hợp với điều kiện của xã. Bình An có nhiều diện tích đất trồng lúa không hiệu quả, nhất là ở khu vực sát bờ sông, ruộng trũng, phèn, gò cao,… Diện tích này, người dân dễ dàng trồng cỏ thâm canh nuôi bò cùng các loại cây trồng phù hợp, tận dụng xác bã thực vật làm thức ăn cho bò như rơm, các loại cây họ đậu, bắp,… Giữa năm 2016, khi bắt đầu triển khai chương trình, tổng đàn bò của toàn xã là 86 con/30 hộ. Đến thời điểm hiện tại là 146 con/47 hộ. Nhằm thực hiện NQ hiệu quả, xã cố gắng duy trì đàn bò hiện có, năm 2016, 2017 và 2018 mỗi năm phát triển 10 con bò sinh sản; năm 2019, 2020 mỗi năm tăng 5 con”.

Bà Huỳnh Thị Cúc, ngụ ấp An Hòa 2, xã Bình An chia sẻ: “Tôi vay vốn từ Trung ương Hội Nông dân được 30 triệu đồng và mua 2 con bò cái. Sau đó, bò cái sinh sản được 1 bê con.

Chúng tôi rất phấn khởi vì NQ triển khai phù hợp tình hình thực tế, người dân có điều kiện tăng gia sản xuất, tận dụng đất ven đường để trồng cỏ. Nuôi bò chỉ cần số vốn ban đầu, bỏ công chăm sóc, chi phí cũng ít. Nếu được hỗ trợ thêm vốn, tôi sẽ mua bò về nuôi thêm”.

Hứa hẹn những mùa xuân ấm no

Tại thời điểm ban hành NQ, Thủ Thừa có 1.241 con bò với 610 hộ chăn nuôi, số bò cái trong giai đoạn sinh sản là 740 con, tập trung nhiều ở các xã: Bình Thạnh, Mỹ Phú, Mỹ An, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Nhị Thành, Bình An,… Khi xây dựng kế hoạch của Ban Điều hành thì tổng số bò thịt trên địa bàn là 1.566 con, tăng 325 con so với thời điểm ra NQ.

Nuôi bò chủ yếu “lấy công làm lời”, không tốn nhiều chi phí cho thức ăn, ít xảy ra dịch bệnh, đầu ra ổn định nên hiệu quả kinh tế cao

Từ vốn bò tự có trong dân cùng Dự án Heifer, chương trình hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và các công ty trên địa bàn góp phần làm nền cho việc thực hiện NQ. Riêng năm 2016, Thủ Thừa có trên 740 hộ nuôi bò thịt với 2.081 con, đạt kế hoạch.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An - Đoàn Văn Trọn thông tin: Mỹ An là một trong những địa phương có tổng đàn bò nhiều nhất huyện. Từ năm 2011, xã được Dự án Heifer hỗ trợ 42 hộ nghèo nuôi bò. Từ năm 2014, toàn xã có 72 hộ nuôi bò thịt và hiện tại là 98 hộ với tổng đàn 218 con. Trong chương trình này, năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thẩm định 13 hộ phát triển mới, trong đó, 4 hộ đã bắt bò về. Trong tình hình giá thức ăn chăn nuôi quá cao, dịch bệnh phát triển mạnh ở heo, gà, vịt, đầu ra không ổn định, trong khi nuôi bò chủ yếu “lấy công làm lời”, người dân rất đồng tình với chương trình và nhiệt tình hưởng ứng.

Bí thư Huyện ủy - Dương Văn Tuấn nhấn mạnh, những năm tiếp theo, ngoài đàn bò hiện có sẽ phát triển tăng đàn, huyện giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn tiếp tục vận động người dân đủ điều kiện tham gia chương trình. Ngoài ra, Thủ Thừa sẽ tranh thủ nguồn vốn từ tỉnh, vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp và cân đối nguồn ngân sách bố trí cho người dân vay mua con giống, hỗ trợ vắc-xin, tinh bò và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Bên cạnh đó, huyện liên hệ các đơn vị tiêu thụ tìm đầu ra ổn định để giúp người dân an tâm phát triển tăng đàn.

Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của người dân, tin chắc rằng, rồi đây những đàn bò trên địa bàn huyện Thủ Thừa không ngừng phát triển, ổn định đầu ra. Để từ đó, kể từ mùa xuân này, NQ trên dần thành hiện thực, hứa hẹn những mùa xuân no ấm về sau cho nhân dân./.

1. Mục tiêu đến năm 2020:

- Toàn huyện Thủ Thừa phát triển mới 400 hộ dân nuôi bò thịt.

- 100% hộ dân chăn nuôi bò được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi bò; áp dụng các kiến thức về phương pháp dự trữ, chế biến phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò.

- Tổng số đàn bò trên địa bàn huyện là 5.000 con.

2. Người dân tham gia chương trình được khuyến khích bằng các chế độ cụ thể:

- Hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật (trồng cỏ, xây chuồng, chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh).

- Hỗ trợ tinh và công gieo tinh (1 lần/con).

- Hỗ trợ vắc-xin và công tiêm (2 lần/năm với bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng).

- Nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh hỗ trợ người dân tham gia tổ hợp tác trong chương trình (không hoàn lại).

- Tranh thủ huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, Dự án Heifer, vốn ngân sách huyện hàng năm,… hỗ trợ người dân tham gia vay mua con giống trong thời gian hoàn lại 2 năm, lãi suất bằng 0%.

- Hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

- Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác.

Phúc Khang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang