Nguồn tin: Báo Phú Yên, 25/11/2017
Ngày cập nhật:
27/11/2017
Người nuôi heo sinh sản quan tâm đến việc lựa chọn giống khi nhảy phối để nâng cao chất lượng đàn heo thịt - Ảnh: THỦY TIÊN
Chi cục Chăn nuôi và Thú y vừa tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ Tổ quản lý heo đực giống các cấp, cán bộ thú y và người nuôi heo đực giống ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Phú Yên. Hoạt động này nhằm giúp người dân có thêm kinh nghiệm chăm sóc heo đực giống, cán bộ kỹ thuật và lực lượng thú y có thêm kiến thức bình tuyển, đánh giá đúng chất lượng con giống.
Tăng cường quản lý đàn heo
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, công tác quản lý giống nói chung và quản lý heo đực giống nói riêng đã được đưa vào hệ thống văn bản pháp luật về công tác quản lý như: Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004, Quyết định 07/2005/QĐ-BNN của Bộ NN- PTNT về quản lý và sử dụng heo đực giống, nhưng đa phần các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự quan tâm và biết nhiều về công tác giống. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ, công tác phổ cập thông tin tuyên truyền chưa sâu rộng… Để cải thiện thực trạng này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang triển khai công tác quản lý heo đực giống nhằm thống kê, phân loại heo đực giống sản xuất tại các địa phương; tăng cường quản lý nhà nước về công tác giống và nâng cao trách nhiệm của người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Đến nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo quản lý heo đực giống và các tổ kỹ thuật cấp tỉnh, huyện. Để công tác bình tuyển, đánh giá đúng chất lượng con giống, chi cục đã tổ chức tập huấn cho thành viên các tổ kỹ thuật và cán bộ thú y với khoảng 40 người. Qua đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách được phổ biến các quy định pháp luật, những phương pháp và kỹ thuật bình tuyển, quản lý heo đực giống...
Còn theo Nguyễn Khắc Hoàng Quang, Trạm Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đồng Xuân, ngoài công tác bình tuyển, đánh giá, nhân viên của trạm còn được trang bị các kiến thức về kỹ thuật theo dõi, tổng hợp và quản lý đàn heo đực giống sau bình tuyển, đảm bảo chất lượng.
Ông Giáp Văn Thức, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An - thành viên của Tổ kỹ thuật huyện Tuy An cho biết: Tôi vừa tham gia lớp tập huấn về quản lý heo đực giống do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức. Nhờ được tập huấn, tôi nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý giống vật nuôi nói chung và quản lý heo đực giống nói riêng; các phương pháp kỹ thuật để thực hiện bình tuyển, phân loại, đánh giá, đeo thẻ tai... Sau khi kết thúc đợt bình tuyển, về góc độ địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An sẽ phối hợp cùng các xã, thị trấn trên địa bàn để tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền cho người chăn nuôi về tầm quan trọng của con giống trong sản xuất. Giúp người chăn nuôi biết cách chăm sóc, nhận biết con đực giống chất lượng, cách đọc thẻ tai để lựa chọn con đực giống khi cho phối... từ đó góp phần nâng cao chất lượng đàn heo thương phẩm.
Ngoài ra, trong đợt này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn triển khai 3 lớp tập huấn cho 80 chủ cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi, khai thác và kinh doanh heo đực giống tại các huyện Phú Hòa, Tuy An và Tây Hòa. Ông Lê Ngọc Trí ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho biết: Gia đình tôi nuôi 5 con heo đực giống để làm dịch vụ phối giống trực tiếp. Để chăm sóc đàn heo, lâu nay tôi chỉ chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn để tăng sức khỏe, chất lượng tinh dịch tốt. Từ khi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sức khỏe cho heo đực giống, tôi mới biết được bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc cho vật nuôi vận động cũng vô cùng quan trọng. Trong quá trình vận động giúp cơ thể vật nuôi chắc khỏe, bụng gọn, tăng quá trình trao đổi chất và giúp khả năng phối giống tốt hơn. Hiện mỗi ngày tôi chăn thả vật nuôi ra khu vực trống cho vật nuôi vận động khoảng 1-2 giờ.
Chăm sóc heo tốt, khai thác tinh hợp lý
Còn theo ông Nguyễn Văn Phong ở thôn Tân An, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), gia đình ông đang nuôi 4 con heo đực giống để khai thác tinh. Vì vậy ông có chế độ chăm sóc đặc biệt để đảm bảo chất lượng và sản lượng tinh dịch sản xuất. Ông đặc biệt chú ý đến kỹ thuật xây chuồng nhốt heo đực giống, vị trí chuồng được xây ở khu vực cao ráo, thoáng mát, cách xa chuồng nuôi heo nái, mỗi ô chuồng rộng khoảng 6m2. Ngoài ra, ông cũng quan tâm đến việc vệ sinh tắm chải cho 4 con heo đực giống, đảm bảo heo luôn sạch sẽ và mát mẻ.
Ông Nguyễn Lực, Trưởng phòng Quản lý Giống và Kỹ thuật Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) cho biết: Ngoài các biện pháp chăm sóc như chế độ dinh dưỡng, vận động, vệ sinh thú y... người nuôi và khai thác heo đực giống phải thường xuyên kiểm tra phẩm chất tinh dịch, thể trạng và sức khỏe của con giống để có sự điều chỉnh chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý. Hàng ngày, người nuôi phải kiểm tra các chỉ tiêu sinh lý hình thái của tinh dịch để phát hiện kịp thời những thay đổi về thể tích, màu sắc, mùi vị và hình dạng của tinh trùng. Ngoài ra, người nuôi cũng cần quan tâm đến mật độ khai thác tinh hoặc phối giống. Mỗi con đực giống có thể phối giống trực tiếp cho khoảng 25-30 con nái và từ 200-250 con nái nếu thụ tinh nhân tạo. Trung bình heo đực từ 8-12 tháng có thể phối giống 2-3 lần/tuần và từ 5-6 lần/ tuần với heo từ 12-24 tháng; khai thác tinh chỉ từ 2-3 lần/tuần và chỉ khai thác hoặc cho heo nhảy phối trong điều kiện thời tiết mát mẻ. Thời gian khai thác heo đực giống khoảng 3 năm đối với giống nội và 2 năm với giống ngoại. Người nuôi không nên khai thác quá lâu vì dễ xảy ra hiện tượng đồng huyết.
Công tác quản lý heo đực giống trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện liên tục trong 3 năm qua. Bước đầu người chăn nuôi đã thực hiện theo các quy định của Nhà nước, chú trọng hơn đến các yêu cầu kỹ thuật trong chăn nuôi heo đực giống, tạo nên sự chuyển biến trong công tác quản lý, góp phần cải tạo đàn heo giống, tăng chất lượng đàn heo thịt. (Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Văn Lâm)
SƠN CA
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.