Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 28/11/2017
Ngày cập nhật:
29/11/2017
Nhiều năm nay, bà con sinh sống ở xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã quen với hình ảnh con nước tháng 9, tháng 10 (âm lịch) tràn đồng và theo tập quán của người dân là khi có bờ bao khép kín cùng hệ thống kênh thủy lợi nội đồng rộng khắp là người nông dân thường làm lúa 3 vụ/năm. Nhưng có năm mùa nước nổi về sớm, mực nước cao đã ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa nên nhiều hộ dân nghỉ canh tác; một số hộ dân thì phát huy lợi thế từ “con nước tràn đồng” bằng cách nuôi cá, nuôi vịt kiếm thêm thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện Nguyễn Văn Mỹ thông tin, mùa nước nổi năm nay khá thuận lợi triển khai mô hình cá, vịt kết hợp, bởi con nước càng lớn thì việc nuôi cá sẽ đạt năng suất tốt. Nếu như vài năm trước mô hình nuôi cá, vịt mang tính rời rạc, thiếu tập trung và mạnh ai nấy làm. Hai năm trở lại đây, địa phương có phương án triển khai mô hình thông qua việc dự báo mực nước từ đài khí tượng thủy văn. Sau khi thu hoạch vụ lúa Hè - Thu, địa phương nắm lại các thông tin và khuyến cáo đến người dân về lượng nước, giúp bà con chủ động trong việc thực hiện mô hình cá, vịt trên đồng. Qua đó, trong mùa nước nổi 2017 này, toàn xã có hơn 400ha nuôi cá kết hợp nuôi vịt (tăng gấp ba lần so cùng kỳ năm trước), vượt 110% kế hoạch. Đây là một trong những tín hiệu vui, bởi lượng nước lớn đem lại phù sa dồi dào cùng với đó người dân nuôi cá, vịt góp phần cải tạo ruộng lúa khi các loài vật trên ăn rơm rạ mục và lúa chét sẽ làm sạch số lúa còn sót lại ở vụ trước, tránh tình trạng lúa lẫn lúa.
Ông Lê Hoàng Khâm (ấp Đắc Thời, xã Hồ Đắc Kiện, Châu Thành) chọn mô hình nuôi vịt vào mùa nước nổi.
Chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi vịt mùa nước nổi thành công nhiều năm liền của ông Lê Hoàng Khâm, ấp Đắc Thời, xã Hồ Đắc Kiện. Chỉ tay về phía đàn vịt tung tăng bơi khắp cánh đồng trắng xóa nước, ông Khâm bộc bạch: “Tôi nuôi vịt mùa nước nổi hơn 10 năm rồi, những năm trước có nuôi cá, nhưng 2 năm nay tôi chỉ nuôi vịt. Nguyên do là 5 năm nay nước về ít, cá nuôi trên đồng không được lớn nên lợi nhuận không cao. Để nuôi vịt đúng trọng lượng khi mùa nước kết thúc, trước khi thu hoạch lúa Hè - Thu khoảng nửa tháng, tôi mua sẵn vịt con nhốt trong ao tại vườn, cho chúng ăn thức ăn, tạo độ cứng cáp. Khi lúa thu hoạch xong, nước đổ về là đem vịt thả luôn trên ruộng, khi đó chẳng cần cho vịt ăn vì đã có lúa chét, ốc, cá trên ruộng. Tôi nuôi khoảng 600 con vịt thịt, tới khi nước rút thì đúng lúc đàn vịt đạt trọng lượng, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận 15 triệu đồng, cao hơn làm lúa vụ 3 (Thu - Đông). Dự định mùa nước nổi năm 2018, tôi sẽ cải tạo ruộng đất để trồng ấu, trồng rau nhút kết hợp nuôi cá để tăng thêm thu nhập”.
Nếu như ông Khâm chỉ chăn nuôi vịt mùa nước nổi thì ông Nguyễn Văn Tới cũng ấp Đắc Thời, chọn nuôi cả vịt và cá. Với diện tích 11 công, ông Tới dùng lưới rào hết ruộng và thả cá vào cũng như cho đàn vịt ở bên trong khu lưới. Xem ra mô hình vô cùng lý tưởng bởi “dưới cá trên vịt” vừa tận dụng được cả đàn cá chép, rô phi, cá mè ăn rong rêu, rơm rạ mục; còn bên trên đàn vịt ăn lúa chét, ốc bươu vàng. Ngoài ra, việc rào lưới đã giữ lại được lượng lớn cá đồng tự nhiên, không cần phải mua con giống...
Ông Tới chia sẻ: “Số lượng cá tôi thả vào ruộng là 11kg, vịt 300 con. Tới khi thu hoạch, sản lượng cá khoảng 500kg, sau khi bán trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận tầm 10 triệu đồng, còn bầy vịt cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Theo tôi, mùa nước nổi về giúp cho người dân làm nông được nghỉ ngơi thư giãn vì làm lúa vụ 3 năng suất không có, mà lại rất vất vả, còn thực hiện mô hình cá, vịt kết hợp rất nhàn nhã, không tốn công chăm sóc, giúp thu về nguồn lợi lớn”.
Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện Nguyễn Văn Mỹ cho biết thêm: “Xét về hiệu quả kinh tế, khi người dân nuôi cá, vịt trong mùa nước nổi sẽ tăng thu nhập khoảng 3 triệu đồng - 5 triệu đồng/ha, khắc phục tình trạng bà con nông dân tự ý sản xuất vụ lúa Thu - Đông năng suất không cao, nên bị thất thu, thậm chí lỗ nặng. Về mặt xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn. Thêm cái lợi nữa là nuôi cá, vịt giúp làm sạch số ốc ăn lúa non trong vụ mùa kế tiếp, cải tạo được chân đất sạch rơm rạ. Bên cạnh khuyến cáo người dân nuôi cá, thì địa phương cũng tiến hành việc kiểm tra, giám sát, phạt nặng những người dùng xung điện bắt cá nhằm giúp những hộ nuôi cá yên tâm thả nuôi”.
Thúy Liễu
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.