Nguồn tin: Báo Hà Giang, 29/11/2017
Ngày cập nhật:
30/11/2017
Mật ong Bạc hà Mèo Vạc là một trong những sản phẩm độc đáo của tỉnh Hà Giang. Nhưng để giữ vững thương hiệu sản phẩm trên thị trường đang là yêu cầu đặt ra bức thiết.
Những khó khăn tác động đến nghề nuôi ong
Mật ong Bạc hà Mèo Vạc là thương hiệu được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, thế nhưng nó vẫn chưa thực sự mang lại thu nhập khá cho người nuôi ong. Tỉnh ta đã xác định phát triển đàn ong nội, lấy mật tự nhiên và cây hoa Bạc hà trở thành nguồn nguyên liệu chính cung cấp mật cho đàn ong. Thời gian khai thác mật ong Bạc hà chính vụ ở các huyện Cao nguyên đá từ tháng 11 - 12 hàng năm, thời điểm này thường xảy ra rét đậm, rét hại nên số lượng mật thu được không nhiều, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Hơn nữa, sản phẩm này đang phải cạnh tranh gay gắt với các dòng sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng trên thị trường có giá thấp hơn nên sản lượng tiêu thụ mật ong Bạc hà thấp, chưa tạo hiệu quả kinh tế.
Sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc của Công ty TNHH Trường Anh (Đồng Văn) đã được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc.
Thương hiệu mật ong Bạc hà khá nổi tiếng trên thị trường nên nhiều hộ vì lợi nhuận trước mắt, nhất là những người ngoài tỉnh đến địa bàn tham gia khai thác mật không thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật sản xuất mật ong Bạc hà, như: Đưa giống ong ngoại vào nuôi, cho ong ăn nhiều đường, quy trình quay mật chưa đảm bảo... dẫn đến chất lượng mật kém, hiện tượng trà trộn mật còn xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu mật ong Bạc hà.
Hơn nữa, do quá trình xâm nhập của các đàn ong ngoại đã gây không ít khó khăn cho người nuôi ong địa phương. Giám đốc Công ty TNHH Trường Anh, Nguyễn Xuân Trường (Đồng Văn) cho biết: “Công ty sở hữu 1.700 tổ ong và cộng tác với người dân khai thác mật của 1 nghìn đàn ong. Thế nhưng, gần đây, một số cá nhân, tổ chức đưa ong ngoại vào địa bàn nên chúng tôi phải di chuyển tổ ong nội đi chỗ khác bởi ong ngoại to, khỏe, thường chiếm địa bàn lấy mật và cắn chết ong nội. Mặc dù Công ty đã đầu tư bài bản về công nghệ máy móc, đóng chai đảm bảo vệ sinh, có tem điện tử truy xuất nguồn gốc… song vẫn khó cạnh tranh với các loại mật đóng chai không tem nhãn trôi nổi trên thị trường”.
Đặc biệt, Bạc hà rất khó mở rộng diện tích do cây mọc tự nhiên, phân bố hẹp ở khu vực núi đá trong khoảng thời gian từ tháng 8 - tháng 12 và mọc xen ở khu vực canh tác ngô 1 vụ của người dân, khu vực đất chưa sử dụng. Anh Ngô Mạnh Cường, thành viên HTX sản xuất mật ong Bạc hà ở thị trấn Mèo Vạc chia sẻ: “Cây Bạc hà phụ thuộc lớn vào khí hậu, thời tiết, nếu mật độ ong quá dày sẽ không đủ nguồn cung thức ăn và sự bất lợi của thời tiết sẽ phát sinh dịch bệnh, làm ong bị chết nhiều, dẫn đến giảm sản lượng mật. Chính yếu tố khí hậu, thời tiết và dịch bệnh hàng năm diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý đầu tư, phát triển bền vững nghề nuôi ong”.
Cần thêm chính sách hỗ trợ nuôi ong nội
Liên kết sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi giá trị đang là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những chuỗi liên kết sản xuất mật ong Bạc hà, có tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như vốn vay để đầu tư cho nuôi ong chưa nhiều; công tác quản lý nhãn mác, bao bì, lô gô chỉ dẫn địa lý, quảng bá và giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; sự tác động của con người đến khâu chăm sóc cây Bạc hà còn hạn chế.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hạ Thúy Hạnh: Mật ong Bạc hà của Hà Giang có nguồn gốc tự nhiên, chất lượng rất tốt. Để phát triển nghề nuôi ong, người dân cần có thêm kiến thức nhất định và tỉnh cần có những chính sách ưu đãi để người nuôi ong yên tâm. Bên cạnh đó, cần ưu tiên bảo tồn giống ong nội địa phương và khuyến kích phát triển tạo nguồn hoa Bạc hà để duy trì nghề nuôi ong bền vững. Cần định hướng cho người dân biết được tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu mật ong ở một số nước để sản xuất mật ong thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập bền vững cho người dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Vinh cho biết: Trước mắt, cần tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh như Nghị quyết 209, Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh và Quyết định số 15 của UBND tỉnh… Đồng thời, có chính sách khuyến kích, mở rộng diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để trồng hoa Bạc hà; xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng cụ thể đối với sản phẩm mật ong Bạc hà làm cơ sở quảng bá, giới thiệu sản phẩm; kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý 3 cấp có tổ chức, phạm vi và các công cụ sử dụng đi kèm; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh mật ong Bạc hà ký kết hợp đồng lâu dài với những hộ nuôi ong trong khu vực được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào nuôi và phát triển đàn ong mật như VietGAHP, hữu cơ; hỗ trợ đầu tư, xây dựng kho chứa, thiết bị sơ chế theo công nghệ mới, đảm bảo các tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định và vệ sinh an toàn thực phẩm; thống nhất thương hiệu, bao bì sản phẩm, mã vạch, có hệ thống kiểm tra chất lượng mang tính đồng bộ, làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng sản phẩm mật ong đã được cấp Chỉ dẫn địa lý; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng kế hoạch quảng bá giới thiệu sản phẩm mật ong Bạc hà với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; liên doanh, liên kết các nhà máy chế biến dược phẩm, các công ty xuất, nhập khẩu để tiêu thụ sản phẩm mật ong...
LÊ HẢI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.