Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 30/11/2017
Ngày cập nhật:
1/12/2017
Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã khởi động mùa chăn nuôi đón tết. Bên cạnh những kỳ vọng thị trường gia súc, gia cầm khởi sắc cuối năm, bà con rất lo lắng những rủi ro do dịch bệnh đi kèm thời tiết giao mùa.
Lực lượng thú y phun tiêu độc chuồng gia cầm cho người chăn nuôi trên địa bàn xã Hòa An.
Nhiều rủi ro
Theo nhận định từ cơ quan chuyên môn, thời điểm này, khả năng dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm rất cao. Bởi thời tiết đã bắt đầu giao thoa giữa hai mùa nắng mưa, đêm lạnh. Sự thay đổi này làm cho cơ thể gia súc, gia cầm khó thích nghi. Khi sức đề kháng trên vật nuôi yếu là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sẵn có trong môi trường tấn công, gây bệnh.
Đợt bệnh E.coli hồi tháng trước làm đàn heo 14 con của chị Trần Thu Trang, ở ấp 6, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp hao hụt một nửa. Chị Trang cho biết, lúc phát bệnh, heo được khoảng 18-20kg/con. Chúng bỏ ăn dần, kêu la suốt, mắt sưng phù... dù cố gắng điều trị, nhưng chị Trang chỉ cứu chữa được 7 con heo.
Chị Trang rầu rỉ nói: “Mùa này sợ heo bị bệnh E.coli với tụ huyết trùng lắm. Nếu phát hiện sớm còn đỡ, chứ để lâu bệnh nặng là khó cứu. Bây giờ chỉ còn 7 con heo, ráng nuôi cho tốt đợi tết bán. Trời lạnh, tôi lót bao vào chuồng để chúng nằm rồi che chắn xung quanh kỹ lại. Khi nắng lên tôi mới cuốn mùng cho thoáng. Ba năm nay, nuôi heo hay bị bệnh, giá bán thấp nên tôi giảm đàn dần. Dự định qua tết tôi chuyển sang nuôi gà luôn”.
Cùng nỗi trăn trở về dịch bệnh, ông Hồ Thanh Tùng, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết hiện đàn gà 500 con của ông đã được hơn 20 ngày tuổi. Dù có trang bị đầy đủ kiến thức phòng bệnh trong chăn nuôi, nhưng với thời tiết như hiện nay ông Tùng không khỏi lo lắng: “Nuôi gà mùa lạnh này tôi rất sợ. Bởi ngày thì hanh nắng, tối và sáng sớm gió lạnh, nhiệt độ thay đổi thường xuyên, cơ thể người còn dễ bị cảm chứ nói gì cơ thể gà. Để bảo vệ chúng, tôi thường mua vôi bột về rải quanh khu vực nuôi nhốt hay những chỗ ẩm thấp… Trong chuồng nuôi, tôi làm lớp đệm sinh học bên dưới để hạn chế mùi hôi và đốt bóng đèn dây tóc xông ấm cho chúng. Mới đầu tuần này, tôi còn nhờ thú y xã vào tiêm ngừa cúm gia cầm cho đàn gà”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thời điểm giao mùa hàng năm có tác động lớn đến sức đề kháng của gia súc, gia cầm. Người nuôi cần cẩn trọng với các bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả trên heo, cúm gia cầm…, cần ưu tiên tiêm ngừa đúng liều, đúng lịch để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất. Ngoài ra, việc tiêm phòng thêm các bệnh thông thường trên gia súc gia cầm như E.coli, tụ huyết trùng, phó thương hàn sẽ hạn chế nhiều rủi ro hao hụt. Ngành chuyên môn dự đoán thời gian tới sẽ có một đợt không khí lạnh tràn về, khi đó, biên độ nhiệt sẽ chênh lệch cao. Người nuôi càng phải quan tâm hơn trong khâu chăm sóc nuôi dưỡng. Dù thời gian qua giá sản phẩm chăn nuôi thấp nhưng bà con vẫn phải cảnh giác với dịch bệnh. Bởi nếu chăm sóc nuôi dưỡng không tốt để dịch bệnh xảy ra, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gánh chịu “tổn thất kép”.
Phòng bệnh đồng bộ
Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đang triển khai kế hoạch vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 năm 2017. Theo đó, UBND cấp xã sẽ thành lập các đội phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình mỗi tuần 1 lần, phun liên tục trong 4 tuần. Tổ chức phun khử trùng hàng ngày ở khu vực chợ buôn bán gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm. Chủ các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở giết mổ, ấp trứng, thu gom, kinh doanh trứng gia cầm trang bị vật tư, hóa chất phun xịt dưới sự giám sát của ngành chức năng…
Sau khi nhận được Kế hoạch tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2, Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Long Mỹ đã sớm triển khai xuống các địa phương, nhất là các xã nằm giáp ranh với tỉnh bạn như Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn A... Đồng thời, giao cán bộ thú y phụ trách địa bàn rà soát, nắm danh sách từng hộ chăn nuôi để phối hợp phun tiêu độc, không để bỏ sót.
Ông Phạm Văn Chính, Phó trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Long Mỹ, thông tin: “Lượng hóa chất sử dụng phun tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2, chúng tôi đã chuyển về các xã từ sớm, hiện đang thành lập các đội, tổ chức phun xịt trong dân. Dù mực nước trên địa bàn huyện Long Mỹ đang rút khá chậm, nhưng nước rút đến đâu, chúng tôi tranh thủ bố trí nhân lực phun tiêu độc đến đó”.
Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Thời gian vừa qua, mưa bão kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập lụt nhiều nơi là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển và lây lan, nguy cơ dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm cao. Kế hoạch tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 đúng ra đã triển khai từ đầu tháng 11. Nhưng qua khảo sát và báo cáo của lực lượng thú y các địa phương, thời điểm đó nước lũ còn cao, mưa nhiều nên chúng tôi xin ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến ngày 20-11 mới chính thức triển khai đồng bộ. Lúc này nước vừa rút xuống, công tác tiêu độc sẽ có hiệu quả cao hơn. Về hóa chất phun xịt, năm nay chúng tôi phân bổ rất sớm, để đảm bảo công tác tiêu độc khử trùng đồng bộ, không bị gián đoạn. Về tiến độ, hiện nhiều địa phương đã tổ chức phun khử trùng lần 2 của đợt 2.
Thời gian tiến hành Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 diễn ra từ ngày 20-11 đến 20-12-2017. Ngành chăn nuôi và thú y từ tỉnh đến các địa phương đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tăng cường giám sát lâm sàng, phát hiện và báo cáo kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn vận động người chăn nuôi tiêm phòng đúng liều, đúng lịch. Tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn quản lý. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định…
THÚY HẰNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.