• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vùng GAHP dự án Lifsap Thanh Hóa - hiệu quả cần được nhân rộng

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 02/12/2017
Ngày cập nhật: 4/12/2017

Trang trại chăn nuôi theo mô hình dự án Lifsap của gia đình ông Bùi Sỹ Tý, xã Quảng Phong (Quảng Xương).

Thanh Hóa là 1 trong 12 tỉnh tham gia Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” (Lifsap) từ năm 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, được Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Chính phủ Việt Nam vay vốn ưu đãi (IDA) đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Mục tiêu của việc thiết lập vùng chăn nuôi ưu tiên (vùng GAHP), thuộc Dự án Lifsap là nâng cao hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi quy mô hộ gia đình, giảm thiểu tác động môi trường của các hoạt động chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ vật nuôi đi kèm tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi. Để thực hiện mục tiêu này, những năm qua, ban quản lý dự án đã triển khai xây dựng, thiết lập vùng chăn nuôi điểm, từ đó tạo sức lan tỏa trong nhân dân và tạo nền tảng để nhân ra diện rộng. Kết quả thực hiện trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, Dự án Lifsap Thanh Hóa đã thiết lập được 5 vùng GAHP ở 10 xã tại 5 huyện, gồm: Hoằng Thắng, Hoằng Phượng (Hoằng Hóa); Định Tường, Yên Thọ (Yên Định); Nông Trường, Minh Sơn (Triệu Sơn); Quảng Phong, Quảng Hòa (Quảng Xương); Xuân Thành, Thọ Nguyên (Thọ Xuân), với tổng số 937 hộ tham gia, chia làm 49 tổ GAHP. Dự án được triển khai đã đem lại nhiều chuyển biến đáng kể trong phát triển chăn nuôi. Đàn vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, thức ăn, nước uống, dịch vụ thú y, ghi chép nhật ký tăng trưởng, đến xuất bán sản phẩm, hạch toán kinh tế... là những điều dường như còn xa lạ với chăn nuôi nông hộ trước khi triển khai dự án.

Quảng Phong (Quảng Xương) là 1 trong 10 xã trên địa bàn 5 huyện trong tỉnh được thụ hưởng dự án sản xuất lợn sạch theo tiêu chí “từ trang trại tới bàn ăn” của Dự án Lifsap. Với 126 hộ tham gia dự án, chia làm 6 tổ GAHP, các hộ chăn nuôi không chỉ có điều kiện chia sẻ với nhau về kỹ thuật mà còn tự sản xuất và hỗ trợ nhau về con giống. Chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, các hộ dân được dự án đầu tư hệ thống xử lý môi trường phù hợp quy mô chăn nuôi của mình như hầm biogas, hầm ủ phân compost... góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời, khí thải tạo ra từ hầm biogas được dùng để đun nấu, tiết kiệm cho hộ chăn nuôi của dự án trung bình 3 - 4 triệu đồng/năm. Nhờ áp dụng tốt quy trình chăn nuôi chuẩn VietGAHP nông hộ của dự án đã giúp địa phương kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đồng thời nâng giá trị ngành chăn nuôi lên gần 53% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Xuất phát từ kết quả đó, Thanh Hóa được Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Thế giới tiếp tục tài trợ để thực hiện Dự án Lifsap trong giai đoạn bổ sung từ năm 2016-2018. Trong 2 năm 2016 và 2017, Ban Quản lý Dự án Lifsap đã nhân rộng mô hình GAHP tại các xã trong vùng GAHP. Theo đó, đã thiết lập thêm 15 xã tham gia với 37 tổ nhóm GAHP được thành lập và kiện toàn thêm được 1.010 hộ tham gia, nâng tổng số nhóm GAHP hiện nay lên thành 95 tổ với 1.925 hộ tham gia. Điều đáng nói là, mặc dù tại các xã nhân rộng, dự án không hỗ trợ các thiết bị cũng như kinh phí nâng cấp sửa chữa chuồng trại mà chỉ hỗ trợ về đào tạo, tập huấn và hỗ trợ kinh phí để xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học biogas, nhưng các hộ vẫn thực hiện rất tốt quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho lợn theo hướng VietGAHP. Hiện vùng GAHP nhân rộng đã có 843 hộ chăn nuôi và 25 tổ nhóm GAHP được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ.

Ông Lê Trần Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật phụ trách vùng GAHP của Ban Quản lý Dự án Lifsap Thanh Hóa, cho biết: Để dự án triển khai thiết thực, hiệu quả hơn, thời gian tới, ban quản lý sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và HTX, tổ hợp tác nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng sản phẩm chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Hiện dự án đang đề nghị các địa phương rà soát, thống kê chăn nuôi để có kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp, vừa đảm bảo ổn định thị trường vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi gắn với an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phối trộn các loại nguyên liệu có sẵn tại gia đình, địa phương nhằm giảm giá thành chăn nuôi. Tổ chức hội nghị kết nối cung cầu để các chủ trang trại, nhà chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến và tư thương có cơ hội gặp gỡ, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Hương Thơm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang