Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 04/12/2017
Ngày cập nhật:
5/12/2017
Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp là thời điểm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo đàn vật nuôi duy trì số lượng, phát triển ổn định, thời điểm này, các hộ chăn nuôi tại 9 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm giảm thiểu thiệt hại xảy ra trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Gia đình ông Phùng Văn Kỳ, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương thắp đèn sưởi và bổ sung thêm dinh dưỡng cho đàn vật nuôi khi có đợt không khí lạnh tràn về. Ảnh Kim Ly
Theo thống kê, hiện, toàn tỉnh có khoảng trên 135.400 con trâu, bò; trên 643.000 con lợn; gần 10 triệu con gia cầm các loại. Trong những năm qua, cùng với việc áp dụng tiến bộ KHKT, chăn nuôi gia súc gia cầm (GSGC)giúp nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết trong mùa Đông năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, không khí lạnh đến muộn hơn so trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 7-10 ngày làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, tiềm ẩn bùng phát các loại dịch bệnh và thiệt hại xảy ra do đói, rét.
Đồng chí Hoàng Huy, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Để chủ động phòng chống đói, rét, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thành, thị, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để người dân nắm được và chủ động triển khai, thực hiện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời GSGC ốm, đói và rét, nhất là các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp. Theo đó, đối với đàn GSGC, các hộ chăn nuôi cần lưu ý giữ ấm cho chuồng trại tránh gió lùa, ẩm ướt nền chuồng và dự trữ chất đốt như: Củi, rơm rạ để sưởi ấm trong những ngày rét đậm, rét hại.
Bên cạnh đó, tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; chuẩn bị sẵn thức ăn tinh như: Sắn, ngô, cám gạo và các loại vitamin, chất khoáng đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như: Uể oải, ủ rũ, kém ăn,… để cách ly kịp thời và có biện pháp điều trị thích hợp".
Là một trong những địa phương có số lượng GSGC lớn, huyện Tam Dương chủ động hướng dẫn, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi các biện pháp nhằm ứng phó trước những diễn biến thất thường của thời tiết, bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn.
Ông Trần Tân Dân, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Dương cho biết: “Trước dự báo trong mùa Đông năm nay sẽ xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại và kéo dài trong nhiều ngày, trạm phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh để hộ chăn nuôi biết, chủ động triển khai các biện pháp che chắn, giữ ấm, bảo vệ đàn vật nuôi phát triển ứng phó với thời tiết; chỉ đạo đội ngũ nhân viên thú y cơ sở hướng dẫn bà con thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tăng sức đề kháng, phát triển ổn định”.
Là 1 trong những hộ chăn nuôi gia cầm quy mô lớn trên địa bàn xã Hướng Đạo, gia đình ông Phùng Văn Sơn (thôn Giếng Mát) luôn chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giữ ấm cho đàn gà trong mùa lạnh. Ông Sơn chia sẻ: “Hiện nay, gia đình đang nuôi gần 8.000 con gà bố mẹ, trên 100 cặp chim bồ câu Pháp. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết cùng dự báo mùa Đông năm nay sẽ khắc nghiệt hơn, ngay từ đợt rét đầu tiên giữa tháng 11 năm nay, gia đình đã chủ động căng thêm bạt che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, mưa tạt làm ẩm ướt nền chuồng, tăng cường thêm bóng đèn để sưởi ấm; chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn dự trữ bao gồm: Cám xát, ngô, các loại vitamin để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống quá thấp”.
Cũng như ở huyện Tam Dương, ngay từ cuối tháng 11, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Tam Đảo đã tự giác triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, ủ ấm cho đàn vật nuôi tại địa phương. Rút kinh nghiệm sau nhiều năm chăn nuôi, anh Lê Bá Toàn (thôn Trung Hòa, xã Minh Quang) cho biết: “ Những năm gần đây, mùa Đông thường khá khắc nghiệt, nền nhiệt xuống thấp, ảnh hưởng tới sự phát triển của nhiều loại vật nuôi, trong đó có lợn. Qua thông tin báo, đài, gia đình tôi đã căng bạt kín chuồng nuôi và dự trữ sẵn ít củi, rơm để những ngày tới, nếu nhiệt độ xuống thấp hơn sẽ đốt thêm sưởi ấm cho đàn lợn, đảm bảo ổn định, xuất bán đúng dịp Tết Nguyên đán”.
Với sự chủ động của các hộ chăn nuôi và các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng, chống đói, rét và dịch bệnh xảy ra, đàn vật nuôi sẽ phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Lưu Nhung
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.