Nguồn tin: Báo Phú Yên, 04/02/2017
Ngày cập nhật:
7/2/2017
PGS-TS Nguyễn Xuân Bả (thứ 2) kiểm tra và hướng dẫn người dân xã An Chấn (huyện Tuy An) - Ảnh: THỦY TIÊN
Sau hơn 2 năm triển khai, dự án Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam đã đem lại những kết quả khả quan, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục được triển khai ở nhiều địa phương khác, tiến tới thành lập những câu lạc bộ nuôi bò để chia sẻ, nhân rộng những mô hình nuôi bò hiệu quả ra cộng đồng.
Người dân quan tâm
Theo Sở NN-PTNT, dự án Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Australia với kinh phí thực hiện gần 1 triệu USD. Dự án do Trường đại học Tasmania (Úc) và Trường đại học Huế chủ trì. Các đơn vị thực hiện gồm: Trường đại học Nông lâm Huế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi Miền Trung, Trường đại học Tây Nguyên. Dự án được triển khai ở ba tỉnh Phú Yên, Bình Định và Đắk Lắk từ năm 2014-2018. PGS.TS Nguyễn Xuân Bả, Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y Trường đại học Nông lâm Huế, làm Trưởng dự án phía Việt Nam; TS David Parsons làm Trưởng dự án phía Úc.
Tại Phú Yên, dự án Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam được triển khai tại xã An Chấn (huyện Tuy An) với 9 hộ dân tham gia nuôi khảo nghiệm 10 con bò. Sau 2 năm triển khai, dự án này mang lại những kết quả khả quan, người nuôi bò ở địa phương đang rất quan tâm đến phương pháp và kỹ thuật vỗ béo bò do dự án chuyển giao.
Ông Nguyễn Văn Triều ở xã An Chấn (huyện Tuy An), cho biết: Vợ chồng tôi đã có kinh nghiệm nuôi bò hơn chục năm. Tuy nhiên, phương pháp nuôi bò truyền thống lâu nay chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn vì bò chậm lớn, trọng lượng thấp. Từ năm 2014 khi gia đình tham gia dự án, tôi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò mới, đặc biệt là cách quản lý, tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có, phương pháp vỗ béo bò trước khi xuất chuồng. Nếu như trước đây, mỗi con bò gia đình tôi phải nuôi gần 1,5 năm mới đủ trọng lượng xuất chuồng thì từ khi áp dụng kỹ thuật nuôi bò theo dự án này thời gian được rút ngắn còn 1 năm. Ngoài thức ăn thô xanh, bò được bổ sung một lượng thức ăn tinh cần thiết. Trong thời gian 2 tháng trước khi xuất bán, chúng tôi áp dụng khẩu phần ăn riêng để nuôi bò. Trong tháng thứ nhất, mỗi ngày, bò sẽ được bổ sung 1% lượng thức ăn tinh (so với trọng lượng cơ thể); ở tháng thứ 2 bò được bổ sung 1,25% lượng thức ăn tinh. Qua theo dõi, trong 2 tháng vỗ béo theo phương pháp này bò tăng trọng thêm 69kg mà nếu nuôi theo cách truyền thống thì phải mất hơn nửa năm, giá trị kinh tế tăng thêm khoảng 10 triệu đồng.
Còn theo ông Phạm Văn Vân, một hộ tham gia dự án, không chỉ mang lại kết quả cao trong nuôi vỗ béo bò, dự án còn chuyển giao kỹ thuật tập ăn và cai sữa sớm cho bê con. Kỹ thuật này giúp bò mẹ cai sữa sớm 2 tháng nhưng bê con vẫn tăng trọng đều, bò mẹ có thể phục hồi sức khỏe nhanh và thụ tinh sớm, giúp rút ngắn chu kỳ sinh sản, hiệu quả sản xuất cũng sẽ tăng thêm.
Chuyển đổi để nâng cao hiệu quả kinh tế
Từ những hiệu quả bước đầu của dự án này mang lại, hiện nhiều hộ chăn nuôi bò ở huyện Tuy An học tập, nhân rộng. Bà Trần Thị Thanh Ngàn ở xã An Chấn (huyện Tuy An), cho hay: “Vừa qua, tôi được tham quan mô hình nuôi bò vỗ béo cho dự án Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam thực hiện, nhận thấy hiệu quả vượt trội của phương pháp này nên gia đình tôi đang áp dụng vào nuôi đàn bò của gia đình”. Tất cả số bò sau khi mua về, bà Ngàn đều thực hiện tẩy giun sán, bổ sung vitamin và duy trì chế độ ăn có bổ sung tinh bột như nấu cháo gạo với cám và thực hiện nuôi vỗ béo với thức ăn công nghiệp GreenFeed trong 2 tháng trước khi xuất chuồng.
Không chỉ riêng xã An Chấn, hiện nhiều hộ nuôi bò ở các xã An Hiệp, An Mỹ, An Nghiệp, thị trấn Chí Thạnh… cũng học tập và làm theo. Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An Trần Sáu cho biết: Thời gian gần đây, đàn bò của huyện đang phát triển rất nhanh, hiện tổng đàn đã đạt hơn 34.000 con với hơn 75% là bò lai. Nghề nuôi bò đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân, giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Vì vậy, khi được tiếp cận dự án Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam với kỹ thuật nuôi bò mới, phương pháp vỗ béo hiệu quả cao, bà con rất phấn khởi, sẵn sàng học tập, chuyển đổi để tăng giá trị sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Xuân Bả cho biết: Thời gian tới, dự án này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh Phú Yên. Đặc biệt, chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi bò thịt. Thông qua các câu lạc bộ này, những người nuôi bò sẽ tiếp cận trực tiếp với nhau, chia sẻ, trao đổi kỹ thuật chăm sóc, vỗ béo bò, tham quan trang trại nuôi… để mang lại kết quả chăn nuôi tốt nhất. Thông qua dự án Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam, các nông hộ chăn nuôi bò thịt quy mô nhỏ ở miền Trung nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng sẽ dần thay đổi thói quen chăn nuôi; người dân sẽ tiếp cận phương pháp chăn nuôi mới giúp nâng cao thu nhập thông qua việc cải thiện công tác nuôi dưỡng và quản lý đàn bò. Đồng thời, dự án tăng cường liên kết thị trường cho các hộ chăn nuôi bò có định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; xác định và phát triển các hình thức trao đổi kiến thức, chuyển giao và chấp nhận kỹ thuật nhằm mở rộng phạm vi tác động của dự án đến các hộ chăn nuôi bò quy mô nhỏ ở vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Vừa qua, Sở NN-PTNT đã mở một số lớp tập huấn để tuyên truyền, phổ biến phương pháp nuôi vỗ béo bò của dự án Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam cho người dân ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa. Sắp tới, đơn vị tiếp tục mở thêm nhiều lớp tập huấn nữa để nhân rộng phương pháp nuôi bò hiệu quả này ra toàn tỉnh. - Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.