Nguồn tin: Báo Nghệ An, 06/12/2017
Ngày cập nhật:
7/12/2017
Chăn nuôi dê hàng hóa được xác định là hướng phát triển kinh tế ở nhiều địa phương tại Nghệ An. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được chuỗi liên kết nên đầu ra còn lắm bấp bênh. Như tại 2 địa phương sát nhau là huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa, người nuôi dê "nơi thì khóc, nơi thì cười".
Theo thông tin từ người dân, khoảng 1 năm trở lại đây, giá dê sụt giảm khiến hơn 1.000 hộ chăn nuôi ở huyện Nghĩa Đàn gặp khó khăn, người dân đang loay hoay chưa xác định được việc nuôi con gì để có lãi(!?)
Anh Trần văn Minh ở xóm 18, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) đang giữ tổng đàn trong lo lắng vì giá dê thương phẩm sụt giá, mong thời gian tới giá sẽ tăng lên. Ảnh: Đinh Thùy
Trước tình hình giá lợn, trâu bò giảm, đầu ra không ổn định, nhiều nông dân Nghĩa Đàn đã chuyển hướng sang chăn nuôi dê. Hiện nay, trên toàn huyện đàn dê đã phát triển mạnh với 23.000 con, hơn 1.000 hộ dân chăn nuôi.
Thực tế đã có nhiều gia đình thoát nghèo và khá giả từ con vật được xem là đầu ra an toàn này. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây, giá dê sụt giảm mạnh gây khó khăn cho không ít hộ nuôi dê.
Anh Trần Văn Minh ở xóm 18, xã Nghĩa Trung nuôi dê đã được hơn 8 năm nay; đàn dê của gia đình năm nào cũng ổn định 30 con. Theo tính toán của anh Minh, với 12 con dê cái, mỗi năm xuất bán được 20 con dê thịt, thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
"Thế nhưng, bây giờ giá dê giảm mạnh, nên nguồn thu cũng giảm mất nửa. Như năm ngoái dê đực có giá 200.000 - 230.000 đồng/kg, hiện tại chỉ còn 100.000 - 110.000 đồng/kg; dê cái loại đẹp 70.000 đồng/kg, nay giảm còn 40.000 - 60.000 đồng/kg" - anh Minh cho biết.
Mặc dù vậy, gia đình anh Minh cùng nhiều gia đình nuôi dê trong xã vẫn "bám nghề” với hi vọng giá dê sẽ tăng lên. Tuy nhiên, một số hộ đã chuyển sang chăn nuôi các loại con khác.
Tình trạng giá dê xuống thấp đã gây khó khăn cho nhiều hộ nông dân ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Đinh Thùy
Ông Nguyễn Hùng Thắng - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Trung cho biết: Những năm gần đây đàn dê tăng nhanh; so với các con vật khác thì đầu ra con dê khá thuận lợi, tuy nhiên năm nay giá dê rớt giá gây khó khăn cho người nuôi. Hội nông dân khuyến khích bà con thành lập các tổ liên kết để vừa trao đổi kinh nghiệm vừa hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm.
Nuôi dê là nghề không vất vả nhưng phải theo dõi thường xuyên để phòng dê có bị đầy hơi chướng bụng, lở mồm long móng để chữa bệnh kịp thời.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Nam - Phó phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: Thời gian qua, huyện cũng định hướng nông dân chú trọng chăn nuôi theo hướng sản phẩm sạch; thành lập các tổ liên kết để hỗ trợ nhau trong kinh nghiệm và tìm đầu ra. Tuy nhiên, hiệu quả mới chỉ dừng lại ở hỗ trợ về mặt kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, đầu ra sản phẩm vấn là vấn đề mà các cấp ngành trên địa bàn huyện đang quan tâm.
Trong khi ở Nghĩa Đàn hàng nghìn hộ dân kêu ca về giá dê thì ở gần bên là TX Thái Hòa, người dân ở xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu lại vui mừng khi xuất được 500 tấn, thu lãi gần 6 tỷ đồng.
Nhiều gia đình ở xã Tây Hiếu - TX Thái Hòa đầu tư nuôi dê hàng hóa với tổng đàn lớn. Ảnh: Quang Huy
Gia đình ông Nguyễn Trọng Hùng là một trong hai hộ nuôi dê thịt đầu tiên của xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu cách đây 4 năm về trước. Ban đầu ông chỉ nuôi 5 con. Thế nhưng càng về sau khi thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi dê thịt mang lại lợi nhuận hơn hẳn các con khác gia đình đã quyết định chuyển hẳn sang nuôi dê thịt xuất bán.
Số lượng dê của gia đình cứ thế tăng lên 15 con rồi 20 con và có thời điểm lên tới 40 con dê thịt. Đều đặn mỗi năm từ 3 đến 4 lứa dê xuất bán. “Tôi thấy rằng nuôi dê thịt hiệu quả hơn nhiều so với việc nuôi bò hay nuôi gà, nuôi lợn. Loại này dễ nuôi, đầu ra ổn định. Nói chung gia đình tôi nhờ nuôi dê mà có của ăn của để, con cái học hành rồi sắm sanh xe cộ, nhà cửa” - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Hùng sau 4 năm nuôi dê thịt.
Hiện 1/3 hộ trong xóm Phú Tân nuôi dê. Giống dê ở đây được người dân lựa chọn là dê cỏ, tất cả đều là dê đực. Theo các hộ nuôi dê ở đây chia sẻ: Muốn dê phát triển tốt thì trong 10 ngày đầu sau khi mua giống phải tiến hành tiêm phòng chống cảm cúm; sổ giun; ký sinh trùng…Nhất là vào mùa lạnh như hiện nay thì phải che chắn cẩn thận, tránh gió và mưa.
Nếu nuôi tốt bình quân khoảng 2,5 – 3 tháng người nuôi có thể xuất bán. Hiện nay, toàn bộ dê của xóm Phú Tân được các thương lái ở Ninh Bình, Thanh Hóa vào tận nơi để thu mua. Với giá bán bình quân 112 nghìn đồng/kg. Vào thời điểm giáp tết như hiện nay các hộ nuôi dê thịt ở đây đang tăng đàn.
Các hộ ở xã Tây Hiếu (TX Thái Hòa) chăm sóc đàn dê. Ảnh: Quang Huy
Mỗi năm, xóm Phú Tân xuất bán ra thị trường trên 500 tấn dê thương phẩm. Theo tính toán của các hộ nuôi dê, nếu cả vốn lẫn lãi bình quân mỗi năm 3 lứa, cả xóm cũng thu trên 18 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Châu – Chủ tịch UBND xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa khẳng định “ Mô hình nuôi dê thịt ở xóm Phú Tân là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Địa phương có lợi thế về diện tích vườn, đồi rất thích hợp cho việc nuôi dê. Do vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ở nhiều xóm khác để tăng thu nhập cho bà con”
Để phục vụ hàng tết, hiện nay mỗi hộ nuôi dê ở đây đã tăng đàn bình quân thêm từ 10 – 15 con/hộ nuôi. Người dân Phú Tân coi dê là những con vật “cứu cánh” giúp họ thoát nghèo, làm giàu chính đáng...
Đinh Thùy - Thu Trang – Quang Huy
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.