Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 10/12/2017
Ngày cập nhật:
12/12/2017
Mô hình nuôi vịt của ông Nguyễn Thế Toản (tổ 5, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) bảo đảm vệ sinh môi trường.
Từ đầu năm 2017 đến nay, đàn thủy cầm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016, trong đó huyện Đất Đỏ là địa bàn tăng nhiều nhất. Việc tăng đàn thủy cầm trên địa bàn huyện đã phá vỡ quy hoạch chăn nuôi của tỉnh nói chung và huyện Đất Đỏ nói riêng, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường sống. Huyện Đất Đỏ đã đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát việc tăng đàn và quản lý môi trường nuôi.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đang ở mức 5,2 triệu con, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó chủ yếu tăng nhiều ở đàn thủy cầm. Huyện Đất Đỏ là địa phương có tổng đàn thủy cầm tăng nhiều nhất, với khoảng 1,1 triệu con, so với năm 2016, tổng đàn đã tăng 110%. Nguyên nhân là do huyện Đất Đỏ là địa phương có nguồn nước ổn định, khí hậu thuận lợi nên thời gian qua việc chăn nuôi thủy cầm nhất là nuôi vịt đẻ trứng đã mang lại kinh tế ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc tăng đàn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, bởi nguy cơ ô nhiễm từ chất thải mà đàn vịt thải ra. Chính vì vậy, huyện Đất Đỏ đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát không để các hộ chăn nuôi ồ ạt tăng đàn, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ông Đặng Văn Tư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ cho biết, thời gian qua huyện đã yêu cầu các xã tiến hành kiểm tra, rà soát để nắm lại số lượng đàn, từng bước vận động người dân hạn chế tăng đàn và di dời ra vùng quy hoạch xa khu dân cư. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai xuống tận các xã, thị trấn cho người nuôi ký cam kết với các nội dung: không tăng đàn, áp dụng các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, không nuôi thủy cầm trong khu dân cư, gần trường học, bệnh viện; chấp hành các quy định về chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh trên đàn thủy cầm; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng các biện pháp xử lý môi trường như đường thoát nước, hầm biogas…
Ông Phạm Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Phước Hội cho biết, nếu như năm 2016, tổng đàn thủy cầm của xã Phước Hội chỉ có 296.100 con, thì đến nay đã lên đến 528.100 con, tăng 232.000 con. Còn tại xã Long Mỹ, năm 2016, đàn thủy cầm khoảng 165.000 con, đến hết tháng 10-2017, đã tăng lên 195.000 con, tăng 30.000 con. Việc tăng đàn quá nhanh đã tác động đến môi trường sống, gây phát sinh mùi hôi, bởi một số hộ nuôi thiếu ý thức trong việc xử lý môi trường nuôi và phòng chống dịch bệnh. “Để kiềm chế việc tăng đàn và bảo đảm môi trường nuôi, xã đã thông báo xuống tận thôn, ấp thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình phát sinh thêm đàn vịt của các hộ chăn nuôi vịt đàn. Ngoài ra, đối với số vịt đang nuôi trong dân, xã đã vận động các hộ dân ký cam kết không tăng đàn và các biện pháp xử lý môi trường, quy định về chăn nuôi”, ông Phạm Văn Khanh nói.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ, nhờ quyết liệt triển khai các giải pháp nêu trên, các hộ nuôi vịt đẻ trứng đã đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt các quy định về chăn nuôi và phòng dịch trên đàn vịt… Nhiều hộ gia đình đã thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp nuôi cá, trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm môi trường nuôi. Hộ gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu (ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội) là một ví dụ. Ông Hiếu nuôi vịt được 7 năm với diện tích gần 7.000m2. Hiện ông đang nuôi khoảng 3.500 con vịt đẻ trứng. Các ao chung quanh trang trại được ông be bờ, gia cố kỹ để tránh nước thải chảy ra môi trường chung quanh. Ngoài ra, anh còn bố trí thêm 3 bể lắng phân cho đàn vịt. Bể lắng này cao khoảng 15cm, dưới đáy bể được bố trí một ống thoát nước ra ngoài để xử lý phân. Cứ 10 ngày một lần anh thuê xe vào xúc phân lắng và dọn dẹp chuồng trại.
Còn hộ ông Nguyễn Thế Toản (tổ 5, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) nuôi 3.500 con vịt đẻ trên diện tích 1,3ha cũng thực hiện theo mô hình khép kín vườn - ao - chuồng (VAC). Trên diện tích 1,3ha này, ông Toản bố trí 3 khu vực: trại nuôi vịt, ao nuôi cá và trồng cây ăn trái. Ông Toản cho biết: “Với kinh nghiệm 5 năm nuôi vịt, tôi nhận thấy rằng không thể làm qua loa mà phải đầu tư bài bản từ trại nuôi đến xử lý nước thải, phân để bảo đảm môi trường và người nuôi cũng “nhàn” hơn trong quá trình nuôi. Toàn bộ diện tích trại nuôi được bố trí các nhà mát, trồng cây xanh, xây dựng hồ tắm và lắng phân vịt. Dưới đáy hồ được bố trí các đường ống thu gom nước thải dẫn xuống ao nuôi cá và tưới cho vườn cây ăn trái. Hàng tuần, gia đình tôi đều kêu xe xúc tới thu gom phân khô trên nền trại”.
Từ nay đến cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng trứng dự báo sẽ tăng, đây cũng là điều kiện để người nuôi tăng đàn. Thống kê của Sở NN-PTNT cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay sản lượng trứng cung ứng ra thị trường đạt trên 128 triệu quả, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 50% so với kế hoạch năm. Để kiểm soát tình trạng tăng đàn ồ ạt, ngoài các giải pháp trên, ngành NN-PTNT tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các hộ nuôi để nắm chắc tổng đàn cũng như kịp thời xử lý đối với những hộ nuôi cố tình vi phạm các điều kiện bảo đảm môi trường nuôi.
ĐÔNG HIẾU
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.