Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 10/12/2017
Ngày cập nhật:
13/12/2017
Với sự tìm tòi, sáng tạo, vợ chồng anh Nguyễn Quang Ngọc và chị Phan Thị Thu (thôn Tân Thượng Hải, xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã vươn lên làm giàu trên đất cát từ mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp và dịch vụ vận tải. Riêng trang trại chăn nuôi với đàn chim cút hàng chục nghìn con đã thu lãi cho gia đình trên 1 tỷ đồng/năm.
Anh Nguyễn Quang Ngọc và chị Phan Thị Thu sinh ra và lớn lên trên vùng cát trắng xã Ngư Thủy Trung. Trước đây, cuộc sống của gia đình anh cùng những hộ dân nơi đây vô cùng khó khăn, vất vả. Nghề nghiệp không ổn định, thu nhập từ biển thấp, cây trồng không phát triển được vì nạn cát bay nên nhiều người phải bỏ làng ra đi tìm kế mưu sinh. Nhưng vợ chồng anh Ngọc thì khác, sự mặn mòi của biển, của gió Lào cát trắng đã níu giữ anh chị ở lại với quê hương.
Để sống được trên đất cát, anh Ngọc đã thử làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đều thất bại. Năm 2006, anh xem trên ti vi thấy mô hình nuôi chim cút của nông dân các tỉnh phía Nam mang lại hiệu quả, anh liền nảy ra ý định làm theo và quyết tâm học nuôi chim cút. Ban đầu, anh mua khoảng 500 con chim cút giống ở Đà Nẵng về nuôi thử nhưng gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về chim cút.
Anh Ngọc nhớ lại: “Do lúc đó phải nuôi thủ công, chưa biết cách chăm sóc, nên chim cút chết khá nhiều, chậm lớn và tỷ lệ đẻ trứng thấp. Có thời điểm, tôi tưởng như phải chuyển nghề khác vì chẳng lời lãi được bao nhiêu do lượng chim chết ngày càng nhiều”.
Thời gian này, huyện Lệ Thủy có hàng chục mô hình nuôi chim cút nhưng chẳng mấy ai thành công vì giá chim, trứng trên thị trường rớt thê thảm. Đặc biệt, sau cơn bão năm 2013, toàn bộ trang trại nuôi chim cút của anh gần như bị xóa sổ. Không chịu khuất phục trước thiên tai, anh tiếp tục đầu tư vào nuôi chim cút.
Lúc này, anh ra Hà Nội, vào Quảng Ngãi để học tập các mô hình nuôi chim cút theo công nghệ của Nhật Bản. Theo công nghệ này, anh đã đầu tư số vốn khoảng 5 tỷ đồng, với quy trình chăn nuôi đã được tự động hóa.
Đến nay, trang trại của anh Ngọc có tổng diện tích trên 2 ha, trong đó, anh làm 3 trại nuôi từ 25.000 đến 35.000 con chim cút. Trung bình mỗi ngày, anh xuất bán ra thị trường khoảng 10.000 trứng cút ngang, 12.000 trứng cút lộn, 500 con chim cút thịt. Trứng và chim cút thịt được anh cung cấp thường xuyên cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chị Phan Thị Thu tâm sự: “Không như các loại gia cầm khác, chim cút là loại ít bệnh tật và hầu như không bị dịch nên rất dễ nuôi. Chim ưa sống nơi cao ráo và thoáng mát. Nuôi chim cút quan trọng nhất là phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng. Bình quân một chu kỳ sinh trưởng của chim cút trong vòng khoảng 8 tháng.
Sau 35 ngày tuổi, chim cút bắt đầu đẻ trứng. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi con chim cút đẻ 1 quả trứng/ngày. Trứng chim cút được cho vào 6 lò ấp để tạo thành trứng lộn và nguồn giống mới cho các lứa sau". Nếu tính riêng thu nhập từ bán chim và trứng cút, mỗi năm, gia đình anh Ngọc lãi khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, phân chim cút được anh tận dụng làm thức ăn nuôi cá và bán cho những gia đình sản xuất nông nghiệp, mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, với diện tích mặt hồ nuôi cá khoảng 1ha, gia đình anh chị còn thu lãi gần 500 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu của trang trại, anh Ngọc đã đầu tư mua 2 xe ô tô tải để vận chuyển các sản phẩm từ chim cút đi tiêu thụ và kinh doanh dịch vụ vận tải trên địa bàn. Với mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp kết hợp với dịch vụ này, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Quang Ngọc có lãi trên 1,5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Chị Phan Thị Thu (thứ 2, bên trái) đang chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim cút.
Mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Ngọc, chị Thu đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động tại địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng và 7 lao động thời vụ với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.
Anh Nguyễn Quang Thanh, lao động thường xuyên tại trang trại anh Ngọc phấn khởi: “Nhờ vợ chồng anh Ngọc tạo điều kiện nên tôi đã có việc làm thường xuyên với mức thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng. Qua đó, gia đình tôi có điều kiện để đầu tư cho việc học của con cái, đời sống cũng được nâng cao hơn trước. Không những thế, anh Ngọc còn giúp đỡ tôi về vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, động viên, chia sẻ với anh em chúng tôi những lúc khó khăn, hoạn nạn”.
Ông Nguyễn Quang Kiền, Chủ tich Hội Nông dân xã Ngư Thủy Trung đánh giá: “Vợ chồng anh Ngọc, chị Thu còn trẻ nhưng rất năng động, sáng tạo trong làm ăn kinh tế. Mô hình của họ đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và giúp đỡ vốn, vật tư nông nghiệp cho hàng chục hộ nông dân khác trong xã vươn lên thoát nghèo”.
Xuân Vương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.