• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tây Ninh: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống vật nuôi

Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 13/12/2017
Ngày cập nhật: 14/12/2017

Tất cả heo và bò đực giống đạt chất lượng đều được đeo thẻ tai theo dõi; con giống phải đạt tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu mới được cung cấp dịch vụ phối giống…

Bò nọc giống của một hộ dân ở xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu.

Giai đoạn 2017-2020, Sở NN&PTNT đã xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý heo và bò đực giống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Mục tiêu của kế hoạch này là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng heo, bò đực giống và gieo tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng giống heo, bò, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt heo, bò; tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường, phát triển chăn nuôi heo và bò theo hướng bền vững.

Heo, bò phải đeo thẻ tai

Theo kế hoạch, ngành chức năng tiến hành đánh giá thực trạng, phân cấp chất lượng đàn heo, bò đực giống trên địa bàn tỉnh. Tất cả heo và bò đực giống đạt chất lượng đều được đeo thẻ tai theo dõi; con giống phải đạt tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu mới được cung cấp dịch vụ phối giống...

Lãnh đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y Tân Biên cho biết, những năm trước đây, công tác quản lý chuyên sâu về giống chưa được quan tâm. Hoạt động phối giống chưa khoa học. Việc quản lý heo, bò đực giống chỉ được thực hiện thông qua công tác phòng - chống dịch bệnh như thống kê, tiêm phòng… Chính vì vậy mà nguồn gốc giống cũng rất đa dạng. Có hộ nhập mua từ một số trại giống ngoài tỉnh, có hộ sử dụng con giống thông qua sang nhượng, có hộ tuyển chọn từ đàn đang chăn nuôi. Do đó, chất lượng giống không đồng đều, làm phát sinh nhiều rủi ro, hạn chế như đồng huyết, tỷ lệ đậu thai và tỷ lệ nuôi sống kém, còi cọc, chậm lớn…

Thực hiện triển khai công tác quản lý heo, bò đực giống năm 2017, các hộ khai thác sử dụng heo, bò đực giống đã đăng ký với UBND cấp xã thông qua các bước thống kê, kiểm tra, thẩm định. Nông dân cũng tham gia lớp tập huấn do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức để bổ sung kiến thức, đồng thời nắm bắt được những quy chế, quy định trong khai thác, sử dụng heo, bò đực giống. Kết quả bình tuyển cho thấy, trên địa bàn huyện Tân Biên có 4 con heo đực giống, trong đó bấm tai 3 con, đề nghị loại thải 1 con; bấm tai trên 21 con bò đực giống.

Còn theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gò Dầu, trên địa bàn huyện có 12 con heo và 57 con bò được bình tuyển. Đa số các hộ chăn nuôi heo, bò đực giống đạt chất lượng đều băn khoăn về việc bấm tai. Dù buổi đầu có khó khăn nhưng qua tuyên truyền, vận động, các hộ chăn nuôi đều đồng ý cho gia súc được bấm tai theo quy định. Tuy nhiên, Gò Dầu là huyện không được hỗ trợ kinh phí đối với gia súc giống bị loại thải để mua mới nên còn hạn chế trong việc khuyến khích người chăn nuôi chọn gia súc giống đạt tiêu chuẩn.

Cần nâng cao nhận thức cho người dân

Hiện toàn tỉnh có 56 hộ nuôi heo đực giống với 205 con, 146 hộ nuôi bò đực giống với 451 con. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, năm 2017, công tác quản lý heo và bò đực giống được triển khai thực hiện thí điểm trên địa bàn 5 huyện: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và Gò Dầu.

Đối với heo đực giống phối trực tiếp, tại 5 huyện thực hiện thí điểm, kết quả thống kê nhanh có 20 hộ nuôi 52 con heo đực giống, trong đó có 47 con tham gia bình tuyển; số con đạt chất lượng sau bình tuyển là 37 con. Đối với bò đực phối giống trực tiếp, có 99 hộ nuôi 233 con; có 175 con tham gia bình tuyển, có 135 con đạt chất lượng làm giống. Tổ công tác cấp huyện đã khuyến cáo các hộ loại thải những con không đạt chất lượng giống.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm, chất lượng đàn heo và bò đực giống qua bình tuyển đạt tỷ lệ khá cao: bò đạt 77%, heo đạt 79%. Tuy nhiên, công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Một số hộ chăn nuôi heo, bò đực giống chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bình tuyển và bấm thẻ tai. Lý do mà người chăn nuôi đưa ra để ngăn cản Tổ công tác cấp huyện bấm thẻ tai heo, bò đực giống đạt chất lượng là sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tăng tính hung hăng của gia súc đực giống. Đồng thời, một số hộ từ chối cho bò cái phối giống với những con đực đã được bấm thẻ tai… Do đó, có 3 con heo, 38 con bò bình tuyển đạt nhưng hộ nông dân lại không đồng ý cho bấm thẻ tai. Những gia súc này xem như không đạt chất lượng, bị loại thải.

Bên cạnh đó, sau khi Tổ công tác cấp huyện bình tuyển, một số hộ chăn nuôi không chấp nhận loại thải đực giống không đạt chất lượng, không chấp nhận kết quả bình tuyển do giá bán nọc loại thải quá thấp, người nuôi bị lỗ nặng, có người không có tiền để mua con giống mới… Cũng có hộ tự ý cắt bỏ thẻ tai hoặc bán bò với lý do bò khó chịu, vướng thẻ.

Anh Đoàn Công Danh (ngụ ở ấp Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành) cho biết, đàn bò nhà anh có 6 con đều đã bấm thẻ tai được 6 tháng, tất cả đều phối giống bình thường. Anh Danh chia sẻ: “Đây là chủ trương khoa học, người nuôi gia súc bây giờ cũng biết lo giống trôi nổi sẽ cho ra gia súc không đạt chất lượng. Con giống được ngành chức năng kiểm tra chất lượng thì người nuôi yên tâm hơn”.

Anh Danh hoạt động trong nghề chăn nuôi bò đã hơn 10 năm. Anh cho hay, trước đây, anh tuyển con giống theo cách truyền thống, theo thị hiếu chuộng màu lông của bò. Nhưng sắp tới, anh dự định đặt bò giống mới để lai tạo cho ra giống bò lớn, sản lượng thịt nhiều nhằm nâng cao giá trị chăn nuôi cho bà con nông dân. Anh Danh cho rằng, Nhà nước cần tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn giống gia súc, kiên quyết loại thải con giống không đạt chất lượng để bảo đảm nguồn bò thịt tốt hơn.

Ông Nguyễn Thái Sơn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, muốn chăn nuôi hiệu quả thì phải có con cái tốt, con đực giống tốt, quy trình chăn nuôi tốt. Trong một thời gian dài, vấn đề này đã không được quan tâm đúng mức nên hiệu quả chăn nuôi không cao. Ông Sơn nhận định, bước đầu, chương trình đã có sự tham gia của người dân, là điều đáng ghi nhận, nhưng cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguồn giống tốt trong chăn nuôi. Cơ quan chức năng sẽ chấn chỉnh hoạt động kinh doanh - dịch vụ cung cấp giống và hướng dẫn quy trình chăn nuôi để người dân chăn nuôi đạt kết quả tốt nhất, tiết kiệm nhất. Năm 2018, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai chương trình quản lý giống gia súc ra toàn tỉnh. Đồng thời, ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm quy định về cung ứng dịch vụ giống gia súc không đạt chất lượng.

TRÚC LY

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang