• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi bò trên vùng cát

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 13/12/2017
Ngày cập nhật: 17/12/2017

Trong giai đoạn hiện nay, tiềm năng vùng cát của tỉnh Quảng Trị chưa được khai thác tốt do thiếu đầu tư thích đáng và đặc biệt là chưa ứng dụng đầy đủ, triệt để các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, nhất là trong chăn nuôi như con giống, trồng cỏ, hệ thống tưới, chế biến, xử lý thức ăn, công nghệ chăn nuôi, chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh… nên nhiều vùng cát ven biển vẫn bỏ hoang hoặc sản xuất không hiệu quả. Để góp phần chuyển đổi hình thức, phương án đối với phát triển nông nghiệp ở vùng cát ven biển, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị”.

Các hộ dân ở vùng biển đang nuôi bò chăn thả hiệu quả thấp

Dự án được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 9/2017- tháng 9/2020) có sự hỗ trợ kỹ thuật của Trường Đại học Nông lâm Huế và phối hợp chuyển giao công nghệ của Viện Công nghệ sinh họccông nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự án sẽ tiếp nhận và chuyển giao 7 quy trình chăn nuôi bò và 5 quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật dùng trong chăn nuôi cho cán bộ kỹ thuật và người dân vùng cát ven biển. Đồng thời xây dựng 8 mô hình chăn nuôi bò thâm canh gia trại gồm chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt và vỗ béo bò; xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản bán thâm canh; xây dựng vùng giống bò bước đầu gồm 130 bò cái, hàng năm sản xuất trên 100 bò giống đạt chất lượng phục vụ nuôi bò cho nông dân vùng cát; tổ chức tiếp nhận quy trình công nghệ và sản xuất bước đầu chế phẩm vi sinh vật dùng trong chăn nuôi; đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở nắm vững quy trình chăn nuôi bò và tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi. Mỗi năm, mỗi hộ tham gia dự án theo mô hình nuôi bò thâm canh quy mô gia trại nuôi tối thiểu 4 bò cái sinh sản, 3 bò thịt và 6 bò vỗ béo.

Để thực hiện thành công, dự án lựa chọn các hộ đang chăn nuôi bò có quy mô khá hoặc có khả năng đầu tư nguồn vốn đối ứng để đảm bảo quy trình nuôi bò tham gia dự án. Dự án được triển khai tại 8 xã gồm: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh); Trung Giang, Gio Hải (Gio Linh); Triệu Vân, Triệu Lăng (Triệu Phong) và Hải An, Hải Khê (Hải Lăng). Dự án lựa chọn 8 hộ của 8 xã tham gia thực hiện nuôi bò thâm canh quy mô gia trại. Các hộ tham gia mô hình này nhập giống và nuôi bò thâm canh, mỗi hộ được hỗ trợ 3 bò cái sinh sản. Các hộ thực hiện trồng cỏ cao sản ở vùng cát ven biển làm thức ăn cho bò với quy mô tối thiểu 5 sào/hộ; chế biến rơm rạ, ủ chua thức ăn thô xanh với lượng rơm rạ được chế biến 5 tấn/hộ và thức ăn thô xanh ủ chua 10m3/hộ; đồng thời, sử dụng thức ăn tinh trong chăn nuôi bò cái lai sinh sản, bò thịt và vỗ béo bò. Các hộ phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng và trị bệnh cho bò; sử dụng chế phẩm vi sinh vật ủ phân chuồng hoai mục để bón cho đồng cỏ của nông hộ.

Về mô hình nuôi bò bán thâm canh quy mô nông hộ, dự án lựa chọn 48 hộ đang chăn nuôi bò ở vùng cát hoặc hộ có nhu cầu chuyển đổi sinh kế để xây dựng mô hình với các nội dung như: Chọn lựa bò cái lai, cải tạo chuồng trại, trồng cỏ, chế biến thức ăn, thực hiện phối giống bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, thực hiện các kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò cái mang thai, bò cái và bê sau khi đẻ. Dự án hỗ trợ mỗi hộ 2 con bò cái lai sinh sản.

Trước khi thực hiện mô hình, dự án tiến hành đào tạo cán bộ kỹ thuật cơ sở và tập huấn cho nông dân tập trung vào các kỹ thuật: Trồng, quản lý và sử dụng cỏ cao sản làm thức ăn cho bò; nuôi bò sinh sản bán thâm canh; vỗ béo bò thịt; chế biến, bảo quản phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò và phòng chống dịch bệnh cho bò.

Việc lựa chọn các hộ đảm bảo theo tiêu chí đề ra đều do họp dân để bình chọn. Các hộ được lựa chọn sẽ tiến hành ký kết hợp đồng thực hiện và có xác nhận của chính quyền địa phương để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia dự án. Với dự án này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện kỹ càng các giải pháp khoa học công nghệ về giống, thức ăn, thú y, chuồng trại, xử lý môi trường, đào tạo tập huấn. Tất cả đều được ứng dụng khoa học kỹ thuật một cách có bài bản.

Ông Đào Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Quảng Trị cho biết: “Từ việc xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi bò sẽ nâng cao kiến thức về chăn nuôi bò cho người dân ở vùng cát ven biển. Mặt khác, chỉ ra cho họ một hướng đầu tư bền vững để khai thác tốt tiềm năng vùng cát về lĩnh vực chăn nuôi. Từ mô hình điểm này, người dân thấy rõ hiệu quả kinh tế sẽ tự nhân rộng và mở ra một hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững”.

Võ Thái Hòa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang