Nguồn tin: Khuyến nông VN, 27/12/2017
Ngày cập nhật:
29/12/2017
Thời gian qua, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng tại nhiều tỉnh thành, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) gặp nhiều khó khăn như: giá thành sản xuất cao, giá bán không ổn định, ô nhiễm môi trường,…
Trước những bất cập đó đòi hỏi phải có một phương thức chăn nuôi mới an toàn, giảm giá thành, hạn chế ô nhiễm môi trường, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Trung tâm Khuyến nông TP HCM đã xây dựng mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học (ĐLSH) giúp bà con thực hiện phương thức nuôi heo sinh học, thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, lạc hậu, nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ môi trường chăn nuôi và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Mô hình triển khai tại một số hộ chăn nuôi ở các huyện ngoại thành thành phố như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh,…
Qua quá trình thực hiện, các hộ nuôi heo đã ghi nhận những lợi ích từ mô hình như giúp heo tăng trưởng, phát triển tốt trong môi trường đệm lót, ít nhiễm bệnh hô hấp và đường ruột, nhờ đó giảm chi phí sử dụng thuốc thú y, tiết kiệm chi phí thức ăn, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm đáng kể. Mô hình tiết kiệm được 10% chi phí thức ăn, 60% công lao động, 80% chi phí điện, nước. Đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải đã được vi sinh vật trong lớp đệm phân hủy triệt để nên không có mùi hôi nhe nuôi heo truyền thống và hạn chế ruồi muỗi. Ngoài ra, đệm lót sau khi sử dụng còn làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.
Mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học
Hộ ông Phạm Văn Cẩm (ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, Tp.HCM) – một trong những hộ thực hiện mô hình nuôi heo trên nền ĐLSH do Trung tâm Khuyến nông thành phố hỗ trợ, cho biết: “Sau khi thực hiện, tôi thấy mô hình thực sự mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí thức ăn, trọng lượng heo tăng nhanh hơn so với chăn nuôi thông thường. Đồng thời tiết kiệm được nước do không phải tắm, rửa chuồng mà chỉ cho heo uống nước bằng vòi nước tự động”.
Còn ông Nguyễn Văn Xén (ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Tp.HCM) chia sẻ: “Nuôi heo ĐLSH, giúp tiết kiệm chi phí lao động do giảm được công tắm rửa, nền và dọn chuồng. Ngoài ra, còn hạn chế ô nhiễm môi trường, phòng chống các bệnh dịch có hại, heo giảm tỷ lệ mắc bệnh so với cách nuôi truyên thống rất nhiều. Chính vì mô hình hiệu quả mà thời gian qua tôi đã vận động thêm nhiều hộ ở địa phương cùng nuôi heo theo phương thức sinh học này và có nhiều hộ hưởng ứng nhiệt tình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi”.
Ông Phan Văn Phi (ngụ ấp 3, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) cho biết: “Gia đình được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ và hướng dẫn cải tạo hệ thống chuồng trại. Kết quả, sau khi áp dụng theo hình thức nuôi này, đàn heo gia đình phát triển tốt, ít bệnh, tăng trọng nhanh. Đến nay, tôi vẫn tiếp tục áp dụng hình thức nuôi này cho các đợt heo tiếp theo. Vì từ khi sử dụng nền chuồng heo là đệm lót lên men theo công thức ĐLSH, chuồng nuôi không còn mùi hôi, tiết kiệm được 80% lượng nước do không phải tắm cho heo và rửa chuồng; giảm đáng kể công quét chuồng, thu dọn phân heo; giảm tỷ lệ mắc bệnh; chất lượng nạc được nâng lên, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần cung cấp nguồn sản phẩm heo sạch cho người tiêu dùng”
Th.s chăn nuôi Nguyễn Thị Liễu Kiều – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM nhận xét: “Nuôi heo trên nền ĐLSH là mô hình có nhiều ưu điểm giúp nông hộ tiết kiệm nhiều chi phí (điện, nước, nhân công, thuốc thú y,…), đặc biệt là nông hộ không cần lo lắng đến việc bố trí khu vực, thiết kế hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, yếu tố này chiếm không nhỏ chi phí trong việc đầu tư chăn nuôi heo, đồng thời mô hình nuôi heo trên đệm lót còn giải quyết được vấn đề “nóng” hiện nay mà nhiều người quan tâm đó là vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi… Qua đây, cũng khuyến cáo bà con nên thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng cho vật nuôi và quan tâm nhiều hơn đến việc áp dụng mô hình nuôi heo trên nền ĐLSH để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế nông hộ, góp phần bảo vệ môi trường chăn nuôi an toàn và bền vững”.
Minh Hiếu
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.