Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 08/02/2017
Ngày cập nhật:
10/2/2017
Từ những cuộc hôn phối giữa một chú bò tót rừng tách đàn với những con bò nhà đã cho ra đời mấy chục con bò tót lai. Chính điều này đã mở ra một hướng đi trong việc nâng cao chất lượng đàn bò ở 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng trong tương lai.
Bò tót đời F1
Từ thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn), chúng tôi vượt gần 30km để đến với Trại Nghiên cứu lai tạo bò tót với bò nhà do Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) 3 tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận thành lập. Trại có diện tích khoảng 2ha, nằm ở khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình, giáp ranh giữa xã Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) với xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn). Thấy chúng tôi đến, ông Quảng Minh Thành - người phụ trách trông giữ trại vội chạy ra và dẫn chúng tôi đi vào sân của ngôi nhà ông ở. “Tuy là bò lai nhưng bản tính hoang dã, hung dữ của những con bò tót đời F1 này vẫn còn. Thấy người lạ đến, có thể chúng sẽ tấn công nên rất nguy hiểm. Vì thế, các chú tạm thời đứng sau hàng rào này để quan sát, một lát nữa chúng quen thì mới đến gần hơn được”, ông Thành cho biết. Trong trại hiện nay có 10 con bò tót đời F1, gồm cả đực lẫn cái, trong đó có 4 con được 7 năm tuổi, 3 con 6 năm tuổi và 3 con 5 năm tuổi. Chúng được nuôi chung với đàn bò lai sind để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học.
Những con bò tót lai F1
Nói về căn nguyên để có được những con bò tót F1, ông Thành kể, cách đây hơn 8 năm, ở khu vực này xuất hiện 1 con bò tót rừng tách đàn xuống sinh sống với bò nhà. Với thân hình cao lớn vượt trội so với bò nhà, cùng với bản tính hung dữ, con bò tót này đã đuổi hết lũ bò đực nhà ra khỏi đàn. Nó còn là thủ phạm phá hoại nhiều diện tích bắp, mì, chuối của người dân; húc đổ nhiều chòi canh rẫy trong vùng. Một vài người dân vô tình chạm mặt nó cũng bị nó đuổi húc đến trầy da, gãy tay. Người dân lúc đó vô cùng bức xúc trước sự phá hoại của con bò rừng này. Một thời gian sau, trong đàn bò của người dân trong vùng xuất hiện những con bê có hình dáng, màu lông khác xa với bê thường. Ngoại hình và màu lông bê lai F1 gần giống với bò tót.
Theo quan sát của chúng tôi, những con bò tót F1 to lớn hơn bò nhà, con lớn nhất trong đàn ước khoảng 600kg. Nếu so với hình ảnh của bò tót rừng thì bò tót F1 giống đến khoảng 70%. Chúng không có u vai và yếm rốn, đầu hơi nhỏ, trán rộng và lõm, mặt hình chữ V, sừng cong nhọn, bộ lông màu nâu đen, cặp mắt mang nét hoang dã. Thức ăn của chúng cũng khá đơn giản, chỉ là cỏ, một số loại lá cây và bổ sung thêm cám gạo. “Tuy là bò lai nhưng khi thấy người lạ hoặc thấy ai mặc áo màu đỏ thì chúng trở nên rất hung hăn. Tuy trong trại có chuồng nhưng rất ít khi nhốt được chúng, nếu được thì chúng cũng tìm cách húc đổ rào cản để ra ngoài”, ông Thành nói. Quả thật, nhìn dấu vết để lại, chúng tôi thấy có khá nhiều thanh sắt ống to bằng cổ tay bị cong gãy. Thậm chí đã nhiều lần chúng phá hàng rào kẽm gai của trại để chạy vào rừng, những lúc như thế lại phải huy động lực lượng để đi lùa chúng về. Theo ông Thành, những con bò này do Nhà nước bỏ tiền ra mua lại của người dân, giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, lỡ chẳng may mất lạc con nào thì thiệt hại lớn. Ông nhận nhiệm vụ trông coi chúng nên có nhiều đêm phải thức trắng.
Được biết, ngoài số bò tót F1 được nuôi trong trại, đàn bò của một số hộ trong vùng cũng có một vài con. “Trong đàn bò nhà tôi hiện nay có 3 con bò tót lai, nhưng suốt ngày chúng ở trong rừng nên không thể lùa về nhà được. Với lại, bây giờ giá của những con bò tót này rất cao nên cũng không có người mua. Cứ để chúng sống với bò nhà như thế biết đâu sẽ có thêm những con bê lai mới”, ông Nguyễn Văn Chuẩn - một người dân cho biết. Còn theo ông Lộ Phù Sáng - kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bạc Rây (xã Phước Bình), trong khu vực Vườn quốc gia Phước Bình vẫn còn một số cá thể bò tót rừng, mấy năm gần đây xuất hiện thêm những con bò tót lai. Bò tót lai sống trong môi trường hoang dã cũng hung dữ không khác gì bò rừng. Có những lần ông cùng đồng nghiệp đi tuần rừng chạm mặt chúng đều phải tìm cách né tránh.
Triển vọng về đàn bò chất lượng cao
Sau khi có thông tin về đàn bò tót lai, các nhà khoa học đã vào cuộc để tìm hiểu, nghiên cứu. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thám - nguyên Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi nhận thấy đây là một nguồn gen quý cần được giữ gìn và phát triển. Không những thế, nó còn mở ra triển vọng về việc nâng cao chất lượng đàn bò nuôi cho 3 tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận. Vì thế, năm 2013, đề tài nghiên cứu giám định di truyền đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà đã được triển khai”.
Thức ăn của bò tót đời F1 chủ yếu là cỏ và một số loại lá cây
Thực hiện đề tài trên, ban quản lý đề tài đã tiến hành mua 10 con bê lai F1 làm đối tượng nghiên cứu giám định gen di truyền; nghiên cứu khả năng sinh trưởng của đàn bò lai F1; nghiên cứu khả năng sinh sản của đàn bò cái lai F1 để tạo ra đàn bê lai F2 bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; nghiên cứu khả năng sinh sản của bò cái nhà tạo ra đàn bê lai F2 bằng phương pháp phối giống trực tiếp với bò đực lai bò tót F1… Tháng 5-2016, đề tài đã được nghiệm thu và kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả bò lai này có bộ nhiễm sắc thể giống bò F1 lai giữa bò tót đực và bò cái nhà. Trong đó, đặc biệt có 1 trường hợp con lai thế hệ thứ 2 đầu tiên do bò cái F1 lai với bò đực nhà và đã được xác định chính xác bộ nhiễm sắc thể cân bằng. Điều này đặc biệt có giá trị khoa học và thực tiễn lớn, cho thấy triển vọng đề tài đúng hướng.
Ngay sau khi đề tài trên khép lại, các nhà khoa học lại bắt tay vào thực hiện đề tài cấp nhà nước với tên gọi “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh: Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa”, do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thám làm chủ nhiệm. Yêu cầu quan trọng nhất của đề tài là trong 3 năm tới sẽ lai thành công 40 cá thể bò tót cùng dòng F2. Từ những giống bò lai ổn định nguồn gen quý hiếm trên, các đơn vị sẽ bắt đầu cho khai thác kinh doanh thịt bò thương phẩm trên diện rộng. “Chúng tôi sẽ tiến hành nhiều phương pháp lai cùng dòng và khác dòng để cho ra đời thành công khoảng 40 cá thể bò F2. Chỉ cần một bò đực F2 có 25% nhiễm sắc thể bò tót ổn định, sinh trưởng tốt thì có thể thụ tinh nhân tạo cho khoảng 50.000 bò cái nhà trong vòng một năm. Từ đây mở ra hướng kinh doanh thịt bò tót lai thương phẩm rất lớn tới người dân”, ông Thám chia sẻ.
Con bò tót lai 7 năm tuổi
Theo Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN Khánh Hòa, khi đề tài khoa học này có kết quả nghiên cứu cụ thể thì các địa phương sẽ bắt tay vào việc triển khai ứng dụng vào thực tế chăn nuôi. Đây là một trường hợp cực kỳ hiếm hoi trong việc lai tạo tự nhiên giữa bò rừng với bò nhà. Đàn bò lai này có những ưu điểm nổi trội, khả năng chống chọi bệnh tật tốt, thích nghi với môi trường và khí hậu trong vùng. Nếu những con bò lai này có khả năng sinh sản được sẽ góp phần cải tạo chất lượng đàn bò giống của địa phương. Khu vực xuất hiện những con bò lai này nằm giáp ranh 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng nên điều kiện nhân lên sau này có thể phù hợp với một số địa bàn trong vùng.
Có thể thấy, từ những nghiên cứu trên đã góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm cũng như mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương. Rất có thể, trong tương lai thương hiệu thịt bò tót lai của vùng Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận sẽ được ra đời. Khi đó, nông dân lại có thêm một đối tượng vật nuôi cho năng suất, giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện thu nhập.
Nhân Tâm
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.