Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 02/01/2017
Ngày cập nhật:
5/1/2017
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có trên 96.360 con trâu, bò (trong đó 26.680 con trâu và 69.680 con bò), 295.664 con lợn. Hiện nay, người dân thường nuôi gia súc theo phương thức chăn dắt, một số địa phương vùng gò đồi, miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn thường xuyên thả rông gia súc, vì thế nguy cơ đàn gia súc bị đói, rét và mắc các dịch bệnh là rất cao.
Trước dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ rét đậm có thể kéo dài, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc vụ đông - xuân.
Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Vĩnh Linh có tổng đàn trâu 5.139 con, đàn bò 13.089 con, đàn lợn 48.604 con. Thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, tại địa bàn xã Vĩnh Thành xảy ra bệnh lở mồm long móng làm 45 con trâu bị lâm bệnh. Trước tình hình đó, các ngành chức năng đã vào cuộc để dập dịch, hạn chế lây lan. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, nguy cơ đàn gia súc mắc các loại dịch bệnh và lây lan là rất cao.
Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống rét, dịch bệnh, bảo vệ và phát triển đàn gia súc, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện đúng chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời vận động, tuyên truyền người dân chủ động bảo vệ đàn gia súc và hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi khi có sự cố xảy ra. Gia đình ông Lê Văn Nam ở thôn Tây, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) nuôi 6 con trâu phục vụ làm đồng.
Người dân xã Cam Tuyền, Cam Lộ trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc
Để bảo đảm sức khỏe tốt cho đàn trâu, trước mùa đông hàng năm, ông Nam thường chủ động tiêm vắc xin lở mồm long móng cho trâu. Bên cạnh đó, ông cũng che chắn chuồng trại kín đáo và dự trữ thức ăn cho đàn trâu của mình. Ông Nam cho biết: “Con trâu mặc dù to khỏe nhưng là loài chịu lạnh kém, nên mỗi khi trời mưa gió, gia đình tôi phải dùng bạt nilon che chắn chuồng trại, rải rơm trên nền chuồng cho trâu nằm, thậm chí là đốt lửa sưởi ấm cho trâu. Vào mùa mưa, nguồn thức ăn tươi rất hạn hẹp nên tôi ủ rơm khô, dự trữ nguồn thức ăn tinh cho đàn trâu”.
Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống rét, dịch bệnh nên đàn trâu của gia đình ông Nam luôn khỏe mạnh. Huyện Cam Lộ là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống đói, rét, bảo vệ đàn gia súc vào mùa mưa. Hiện nay, Cam Lộ đã có nhiều hộ gia đình trồng cỏ voi VA06 theo hướng tập trung để đảm bảo nguồn thức ăn và xây dựng chuồng trại kiên cố. Đây cũng là một trong những địa phương trong tỉnh xây “nhà lầu” cho đàn trâu, bò ở mỗi khi mưa bão.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có tổng đàn đại gia súc là 9.303 con; trong đó 1.880 con trâu, 7.423 con bò (đàn bò lai sind có 4.052 con…) và diện tích trồng cỏ nuôi bò là 122 ha. Những năm qua, người dân nơi đây chuyển dần từ phương thức nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh theo hướng hàng hóa gắn với việc chủ động thức ăn, nâng cấp con giống và an toàn dịch bệnh.
Trước vụ đông - xuân năm nay, chính quyền địa phương đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch, phòng chống rét cho gia súc. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ cho hay, Phòng Nông nghiệp đã tham mưu cho huyện chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tận dụng diện tích đất quanh nhà và diện tích đất trống, đất hoang để trồng cỏ, ngô, đồng thời tận dụng phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp chế biến dưới nhiều hình thức để làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa đông. Hướng dẫn người dân thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để chủ động phòng chống đói, rét kịp thời.
Tăng cường chỉ đạo các thôn, khu phố triển khai công tác tiêm vắc xin định kỳ cho đàn gia súc vụ đông- xuân; giao trách nhiệm giám sát đàn gia súc, gia cầm ở cơ sở cho các trưởng thôn, khu phố, cán bộ thú y cơ sở và cán bộ khuyến nông cơ sở…
Trao đổi với chúng tôi về công tác bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông, ông Nguyễn Sinh Tung, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào trâu, bò bị chết rét hay chết đói nhưng có tình trạng đàn gia súc ở nhiều địa phương mắc dịch bệnh như lở mồm long móng vào mùa mưa.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, chi cục đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng thực hiện các biện pháp cần thiết, tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc”.
Ông Tung cũng khuyến cáo người dân cần nắm bắt và thực hiện tốt các kỹ thuật bảo vệ đàn trâu, bò vào mùa mưa rét như: sửa sang chuồng trại che mưa, chắn gió, tăng cường chất độn cho chuồng, giữ nền chuồng luôn khô ráo, chống lầy lội, ẩm ướt, nếu có mưa lũ thì phải đưa đàn gia súc lên những vùng đất cao ráo; kiểm tra dự trữ thức ăn, rơm cỏ khô, thức ăn tinh, chế biến các phụ chế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn gia súc; đối với những nơi sử dụng trâu, bò làm sức kéo thì khi xuống vụ cần có chế độ làm việc vừa phải, tăng cường chế độ ăn bồi dưỡng; đặc biệt chú ý chăm sóc bê con, nghé trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, không chăn thả gia súc quá sớm, nếu nhiệt độ xuống dưới 12 độ thì không nên chăn thả trâu, bò.
Bên cạnh công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi, các địa phương, cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi cần tiếp tục chủ động phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra, tiêm bổ sung cho đàn gia súc nuôi mới. Những địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng thấp cần tăng cường công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi để đàn gia súc được khỏe mạnh.
TRẦN TUYỀN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.