Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 13/02/2017
Ngày cập nhật:
14/2/2017
Theo lãnh đạo Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Tuyên Quang, ngành đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền vận động người chăn nuôi tuyệt đối không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá ngay cả trong thời điểm giá lợn hơi tăng cao (trên 50.000 đồng/kg); khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro.
Trên cơ sở đó tỉnh cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, ở đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất, dịch vụ của các Hợp tác xã, tổ hợp tác với các hộ chăn nuôi.
Người dân xã Nhữ Khê (Yên Sơn) chăn nuôi lợn theo quy mô bán công nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương chọn hình thức hỗ trợ các chính sách phát triển thông qua doanh nghiệp, Hợp tác xã, coi điều kiện để các hộ chăn nuôi được thụ hưởng các chính sách là phải tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho tiêu dùng nội địa và yêu cầu của các nước nhập khẩu. Thống kê của Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, hiện tại tỉnh có 5 cơ sở được cấp giấy chứng nhận các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh.
Sơn Dương là huyện có đàn lợn lớn nhất tỉnh với trên 300.000 con, chiếm một nửa tổng đàn lợn của tỉnh. Ông Nịnh Văn Vượng, thôn Đồng Giếng, xã Đại Phú cho biết: Hiện tại gia đình đã thu hẹp quy mô đàn, không đầu tư mở rộng như đã dự tính. Với việc giảm quy mô đàn, gia đình ông Vượng cũng đã chuyển dần từ chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp sang chăn nuôi bán công nghiệp. Trao đổi về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn bền vững, đồng chí Hoàng Mạnh Đạt, Trạm trưởng Trạm thú y huyện cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương vận động người chăn nuôi thực hiện thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất chất lượng đàn lợn thịt để xuất bán không chỉ cho thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước là các thành phố lớn, với nhu cầu sử dụng sản phẩm thịt chất lượng cao.
Bên cạnh giải pháp tình thế là hạn chế mở rộng quy mô đàn lợn hiện nay để phát triển bền vững mang tính lâu dài tỉnh cũng đã thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn giai đoạn từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo. Cụ thể phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc theo hình thức chăn nuôi bán công nghiệp tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương và một số xã của huyện Hàm Yên. Bảo đảm duy trì tốc độ phát triển bình quân là 6,15 - 7% năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 85,9 nghìn tấn; khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi lợn đặc sản gồm: lợn đen địa phương, lợn rừng lai… theo quy mô vừa, quy mô gia trại tại các huyện Nà Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa và một số xã của huyện Hàm Yên.
Đoàn Thư
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.