• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tay xách nách mang, căng mắt săn ong về nuôi lấy mật

Nguồn tin: Báo Nghệ An, 21/02/2017
Ngày cập nhật: 23/2/2017

Nếu như người nuôi ong chuyên nghiệp thường nuôi ong ý, ong công nghiệp theo kiểu du mục thì người dân vùng Thanh Chương (Nghệ An) lại tự đi bắt ong về nuôi lấy mật. Mùa xuân, cũng là lúc những người đam mê săn ong mật tay xách nách mang, căng mắt đi tìm ong.

Đoàn người vào rừng săn ong. Ảnh: Trần Đình Hà

Đã nhiều tháng nay vào các ngày trời nắng ráo ông Nguyễn Văn Tứ ở xóm 8 xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương và nhiều người trung, cao tuổi khác trên địa bàn các xã Thanh Thịnh, Thanh Hương, Thanh An và Thanh Thủy huyện Thanh Chương đều vào rừng để săn ong mật.

Ngoài cơm nắm, nước uống, mỗi người đều mang theo một cái vợt bằng vải màn và hai tổ “ong mồi”. Vợt để bắt ong và tổ ong mồi dùng để dụ ong về. Còn tổ ong mồi là một khúc gỗ cong, thường bằng gỗ mít, được khoan đục rỗng ở giữa, hai đầu bịt kín và có trổ một cái cửa nhỏ ở giữa.

Từ sau ngày đông chí, trời rét hơn nên các đàn ong mật sống trong tự nhiên sẽ bắt đầu quá trình tìm chỗ trú đông, tránh rét. Còn đầu xuân đàn ong tìm chỗ đóng tổ để bắt đầu quá trình sinh sản, tạo mật. Trong cả hai quá trình này đàn ong sẽ giao việc tìm chỗ ở cho một số con ong. Con ong này được gọi là ong thăm.

Những con ong thăm này bay lượn khắp nơi và thường tìm các cây cao cổ thụ có nhiều hang hốc để tìm chỗ trú cho đàn. Người săn ong sẽ mang vợt và các tổ ong mồi tiếp cận, dùng vợt để bắt. Sau đó khéo léo cho vào các tổ ong mồi và bịt kín nhốt con ong khoảng 1- 2 phút sau đó mở cửa.

Theo thói quen, con ong sẽ vào ra tìm hiểu tổ ong mồi, sau đó nó sẽ bay đi gọi bạn. Sau khoảng 3 - 7 phút (tùy bầy ong xa hay gần) sẽ có thêm 3 - 4 con theo con ong cũ bay về. Sau một thời gian tìm hiểu, những con ong này sẽ lại bay đi, kế tiếp sẽ có khoảng 10 - 15 con nữa bay tới. Từ khi con ong đầu tiên bị bắt đưa vào tổ đến hết quá trình những đợt ong liên tiếp đến được gọi là quá trình ong thăm. Đây là thời điểm mà người săn ong hồi hộp đến nín thở.

Ông Nguyễn Văn Tứ, xã Thanh Thịnh (mặc áo xanh bên phải) đang xem xét điểm treo tổ ong mồi. Ảnh: Đình Hà.

Nếu đợi khoảng 3 - 7 phút không thấy ong trở lại người săn ong biết là thất bại và phải tìm con khác làm lại quy trình, còn may mắn là đàn ong sẽ kéo về. Đó là thời điểm vui mừng lý thú nhất của nghề săn ong. Người nào có tổ ong về được coi là may mắn và sẽ được các bạn nghề tung hô, chúc mừng.

Sau khi đàn ong vào hết trong tổ người săn ong sẽ dùng một dụng cụ như cái “tôi đó” bịt lỗ lại và đưa cả tổ ong mồi cùng đàn ong trong đó về nhà, bắt đầu một quy trình khác gọi là san ong. Từ tổ ong mồi nhỏ gọn, đàn ong sẽ được san sang những tổ khác rộng lớn hơn. Tổ này gọi là tổ nuôi, được làm bằng gỗ mít rỗng ruột có hình dáng như chiếc thùng phuy nhưng nhỏ hơn, hai đầu bịt kín bằng hai mảnh gỗ, có trổ hai cửa ra vào.

Trước khi san ong, người nuôi mở một đầu tổ, dùng mật ong nguyên chất quệt một ít vào phía trên thành tổ để hấp dẫn bầy ong và tạo chỗ cho ong bâu lại đó. Sau đó dùng tay nhẹ nhàng, thư thả bốc từng nắm con ong bỏ vào tổ nuôi.

Từ đây đàn ong sẽ bắt đầu quá trình sinh trưởng làm việc để sau 2- 3 tháng qua mùa hoa cho những tổ ong mọng mật.

Sau 3 lứa, mỗi tổ có thể thu hoạch được từ 6 - 12 chai mật. Mật này cũng giống như các tổ bắt được trong rừng gọi là mật ong rừng nguyên chất, hiện tại giá khoảng 350.000 đồng một chai 650 ml, cao gấp 5 lần loại mật ong công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tứ và nhiều người săn ong ở Thanh Thịnh ai cũng có từ 10 - 30 tổ, mỗi năm cho thu nhập từ 25 - 100 triệu đồng.

Vào dịp này, một số thợ săn ong chuyên nghiệp thường bắt được rất nhiều đàn ong mật, không chỉ dùng để nuôi mà còn bán lại cho những hộ dân khác có nhu cầu với giá khá cao, từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng tùy số lượng ong trong đàn.

Trần Đình Hà

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang