Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị, 23/02/2017
Ngày cập nhật:
24/2/2017
Vấn đề còn tồn tại khá nhức nhối mà ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2017 là tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Xử lý chưa triệt để
2016 được ghi nhận là năm có nhiều nỗ lực của ngành nông nghiệp trong việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi khi mà tình trạng sử dụng chất tạo nạc Salbutamol cơ bản đã được chặn đứng.
Chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn thừa nhận, một trong những bất cập lớn của công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP là chưa ngăn chặn, giảm thiểu rõ nét tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi cũng như NTTS. Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ thực hiện năm 2016 cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 0,82%, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 3,68%, tăng so với năm 2015 (2,24%).
Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2016, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh. Cơ quan thanh tra đã tiến hành xử lý 23 công ty, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ còn củng cố hồ sơ và xác lập hành vi vi phạm đối với gần 200 đối tượng là các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở NTTS… chuyển cho địa phương xử lý. Riêng đối với thủy sản, qua thanh tra đã phát hiện nhiều cơ sở có hành vi buôn bán nguyên liệu kháng sinh trái phép dùng trong NTTS.
Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, mà còn tác động xấu đến xuất khẩu. Ông Lê Anh Ngọc – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất lượng thủy sản (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) cho biết, nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các DN Việt Nam đã bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo do tồn dư hóa chất, kháng sinh và bị trả về, gây thiệt hại kinh tế lớn.
Thống kê cho thấy, trong năm 2016 có tới 40 lô hàng thủy sản xuất khẩu bị các thị trường Nhật Bản, EU, Australia và Hàn Quốc cảnh báo. Nguyên nhân dẫn đến lô hàng bị cảnh báo chất lượng chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng do một số cơ sở nuôi vẫn còn lạm dụng hóa chất kháng sinh cấm hoặc chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian ngưng sử dụng trước khi thu hoạch.
Quyết liệt tạo chuyển biến
Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Bởi vậy, Bộ NN&PTNT tiếp tục chọn năm 2017 là "Năm cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp". Trong đó đặt mục tiêu là giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bộ NN&PTNT phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2016. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng xác định nhiệm vụ chính trong năm nay là ngăn chặn hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản và từng bước giải quyết dứt điểm việc sử dụng kháng sinh không đúng mục đích trong chăn nuôi và NTTS.
Trên thực tế, nhiều nước đã cấm sử dụng hoặc có quy định quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS. Đơn cử các nước EU, Hàn Quốc, Thái Lan đã cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng vật nuôi. Hay tại Mỹ, bắt đầu từ 1/1/2017 đã quy định những kháng sinh dùng cho nhân y không được phép dùng trong thức ăn chăn nuôi để kích thích tăng trưởng. Tại Việt Nam, theo Thông tư 06/2016 của Bộ NN&PTNT, có 15 loại kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng và chỉ được phép sử dụng đến hết ngày 31/12/2017.
Theo ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, cần tăng cường công tác thanh tra đối với các cơ sở nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, cơ sở buôn bán thuốc thú y và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ông Thành cũng đề nghị Bộ Y tế xây dựng kế hoạch quản lý, giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc trị bệnh cho ngành y tế, đặc biệt là các loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thú y, NTTS. Đồng thời chỉ đạo, giám sát việc thực hiện quy định bán thuốc theo đơn để tránh việc người chăn nuôi, NTTS dễ dàng mua thuốc nhân y sử dụng cho mục đích phòng trị bệnh cho động vật, thủy sản nuôi dẫn đến tình trạng gây mất ATTP.
Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, NTTS sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, thủy sản cao. Dư lượng hóa chất, kháng sinh khi đã tồn lưu trong sản phẩm thì không có phương pháp nào để loại bỏ được trong quá trình chế biến, bảo quản, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ví dụ, kháng sinh cấm Chloramphenicol có tác dụng phụ gây ức chế sự hoạt động của tủy xương dẫn tới thiếu máu và suy tủy. Ngoài ra, Chloramphenicol còn gây ra hội chứng xanh xám ở trẻ sơ sinh. Hay Nitrofuran là hóa chất có thể gây ung thư cho người sử dụng…
"Cần tuyên truyền các văn bản chế định và chế tài để người sản xuất, kinh doanh và sử dụng kháng sinh đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phát động phong trào thực hiện đúng quy định của Nhà nước về nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng kháng sinh, tố giác những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, phát huy đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, đây là một kênh rất quan trọng phục vụ hoạt động quản lý chuyên ngành hiệu quả và thực tế." - Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT)
"Để ngăn chặn nạn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, cần khuyến khích người chăn nuôi theo chuỗi, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP, GlobalGAP… đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, khuyến khích việc nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm có thể thay thế kháng sinh kích thích sinh trưởng, phòng bệnh cho vật nuôi. Đặc biệt, cần quy định việc sử dụng kháng sinh qua thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm non phải theo kê đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề." - Bà Hoàng Hương Giang - Phó Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi)
Hiện nay, người chăn nuôi vẫn tự tìm mua các sản phẩm thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ở các đại lý và gặp vấn đề gì trong quá trình chăn nuôi đều tìm đến đây để hỏi, xin tư vấn. Tôi nghĩ việc kiểm soát chặt chẽ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là hết sức cần thiết để đảm bảo ATTP, qua đó mới tạo đầu ra ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình siết chặt quản lý việc sử dụng kháng sinh, cần phải xây dựng được đội ngũ bác sĩ thú y có năng lực, trình độ ở cơ sở để giúp tư vấn, hướng dẫn cho người nông dân khi cần thiết, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, đề ra quy định nhưng không sát thực tế. - Anh Nguyễn Tuấn Văn - Chủ trang trại chăn nuôi xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai
THIÊN TÚ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.