Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 01/03/2017
Ngày cập nhật:
2/3/2017
Mạnh dạn phá bỏ 3ha cà phê đang cho thu hoạch, anh Phạm Văn Hưng (34 tuổi, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chuyển sang nuôi dê ngoại, cho thu nhập mỗi năm hơn 20 tỷ đồng.
Là cử nhân ngành quản trị kinh doanh và làm cho một công ty xuất nhập khẩu tại TPHCM với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng anh Phạm Văn Hưng vẫn quyết định trở về quê đầu tư chuồng trại chăn nuôi dê với khao khát làm giàu cho bản thân và những người nông dân.
Năm 2014, khi vận động gia đình phá bỏ hoàn toàn 3ha cà phê đang cho năng suất cao để nuôi dê, nhiều người nói anh bị “hâm” bởi là dân “ngoại đạo” về chăn nuôi mà dám có quyết định táo bạo như vậy. Nhưng sau khi nghe anh phân tích về hiệu quả từ việc nuôi giống dê ngoại giá trị kinh tế cao, mọi người trong gia đình và bạn bè anh đã ủng hộ.
Bắt tay vào triển khai dự án, anh Hưng cử người đi khắp các địa phương có thế mạnh về nuôi dê như Ba Vì (Hà Nội), TPHCM để học tập kinh nghiệm, đồng thời bản thân anh cũng sang Thái Lan để trực tiếp nghiên cứu mô hình từ nước bạn. “Quá trình chuẩn bị này kéo dài khoảng 6 tháng, cùng khoảng thời gian này thì hệ thống chuồng trại cũng được hoàn thành, khu trồng cỏ đã có thể cung cấp thức ăn cho dê, nên tôi quyết định nhập 300 con dê giống Boer (có nguồn gốc từ Úc, Mỹ, Nam Phi) từ Thái Lan về”, anh Hưng cho biết.
Anh Phạm Văn Hưng chăm sóc đàn dê Úc
Do chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng bởi sự mạo hiểm nên ở lứa nhập giống đầu tiên, tỷ lệ “hao mòn” vẫn còn cao. “Do không lựa chọn kỹ nên dê bị bệnh, khả năng sinh sản kém. Sau đó, tôi thuê chuyên gia sang Thái Lan tìm hiểu, lựa chọn những con dê giống tốt nhất và chỉ cho phép tỷ lệ hao mòn dưới 5%, rồi đưa về chuyển giao kỹ thuật cho trang trại”, anh Hưng nhớ lại.
Cũng theo chủ trang trại dê này, nếu đầu vào (giống dê) tốt thì việc chăm sóc rất dễ dàng, một năm dê sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 2 dê con. Dê sau khi sinh khoảng 3 - 4 tháng là có thể cung cấp ra thị trường, nên vào đầu năm 2015 trang trại của anh đã xuất bán những lứa dê con đầu tiên. “Với giá bán 7 - 12 triệu đồng/con, mình bán giống, sau đó cam kết hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nếu người dân mua dê về nuôi mà đến tháng phối giống nhưng dê không sinh sản thì có thể mang trả lại. Đồng thời, trang trại cũng đứng ra bao tiêu con giống và dê thịt, nên người nuôi có thể an tâm về đầu ra”, anh Hưng cho biết.
Hiện tại, trang trại dê của anh Hưng đã mở rộng diện tích lên 5ha, trong đó dành 4.000m2 để xây dựng 6 dãy chuồng trại và đang nuôi 1.000 con dê giống, phần diện tích còn lại dùng để trồng cỏ voi và chuối cung cấp thức ăn cho đàn dê. Tùy vào thời điểm phối giống, trung bình mỗi tháng trang trại cung cấp hơn 100 con dê giống Úc cho nông dân khắp cả nước.
“Dê giống, trước khi xuất bán, chúng tôi phải sàng lọc kỹ lưỡng. Chỉ khoảng 20% số dê cái được phân loại sang khu giống để đảm bảo chất lượng cao nhất, số còn lại sẽ nuôi cùng dê đực để bán thịt. Dê thịt sau khi nuôi được 7 tháng có trọng lượng 30 - 35 kg/con; mỗi tháng, trang trại cung cấp cho hệ thống các nhà hàng trung bình khoảng 100 con, với giá bán ổn định 110.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nguồn sữa dê 800 - 900 lít/tháng (80.000 đồng/lít) luôn “cháy hàng” khi đưa về TPHCM. Hiện mỗi năm chúng tôi thu về hơn 20 tỷ đồng (chưa trừ các chi phí). Dự kiến trong năm nay sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại lên khoảng 4.000 dê sinh sản”, anh Hưng chia sẻ.
ĐOÀN KIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.