Nguồn tin: Báo Yên Bái, 08/03/2017
Ngày cập nhật:
10/3/2017
Thông thường, sau tết Nguyên đán, người dân lại tập trung tái đàn để phát triển chăn nuôi.
Người dân xã Văn Lãng chủ động phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.
Tránh việc tái đàn ồ ạt dẫn đến khó kiểm soát về tình hình dịch bệnh, cân đối cung cầu thực phẩm và ổn định thị trường, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo nhân dân thận trọng, không tái đàn ồ ạt; đồng thời, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ con giống khi nhập về để tránh ảnh hưởng đến chăn nuôi cũng như việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.
Gia đình ông Hoàng Xuân Lợi, thôn 3 là hộ có nhiều kinh nghiệm trong nuôi lợn thịt, bình quân trong chuồng lúc nào cũng có 100 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng hơn chục tấn lợn hơi. Dịp cuối năm 2016, gia đình ông đã xuất bán gần hết số lợn trong chuồng.
Để tập trung phát triển chăn nuôi trong năm mới, ông Lợi đã chủ động vệ sinh chuồng trại, tìm nhập con giống tốt. Ông Lợi cho biết: “Để tái đàn sau tết, tôi đã chủ động vệ sinh chuồng trại, tìm đến các cơ sở chăn nuôi lớn để nhập con giống. Đến thời điểm này, đàn lợn giống nhập về khỏe mạnh và phát triển tốt”.
Gia đình anh Hoàng Văn Khánh, thôn 4 chuyển sang nuôi lợn quy mô lớn từ năm 2014 với 200 con lợn thịt mỗi lứa và có 20 con lợn nái. Dịp cuối năm vừa qua, anh đã xuất bán gần hết số lợn thịt trong chuồng và hiện tại đang gây giống để nhân đàn.
Anh Khánh cho biết: “Chăn nuôi không thể nói mạnh, vì dễ thì rất dễ nhưng nếu mình không theo dõi, kiểm tra thường xuyên thì lại rất khó. Chỉ một biểu hiện nhỏ là phải chữa trị ngay, nếu không sẽ lây ra cả đàn, nhất là nuôi quy mô lớn cần phải có thêm kiến thức về thú y, chăn nuôi, hơn nữa phải tâm huyết với nghề thì mới có thể thành công”.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi gà, bình quân mỗi lứa, gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa, thôn 6 nuôi trên 2.000 con trở lên, mỗi năm 3 lứa gà, năm nào bán hết năm đó. Đầu năm 2017, gia đình ông lại nhập con giống mới để tiếp tục chăn nuôi. Để có kiến thức trong chăn nuôi cũng như phòng chống dịch bệnh tốt cho đàn vật nuôi, ngoài việc tự tìm hiểu kiến thức qua sách, báo và các buổi tập huấn về thú y tại xã, ông còn tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch tiêm phòng theo định kỳ của xã.
Bình quân mỗi năm gia đình ông Nghĩa bỏ ra 3 - 5 triệu đồng để mua thuốc phun tiêu độc khử trùng và các loại vắc-xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, nhiều năm chăn nuôi, gia đình ông chưa bị thiệt hại do dịch bệnh.
Xã Văn Lãng hiện có 290 con trâu, bò, gần 5.000 con lợn và trên 30.000 con gia cầm các loại, 30 mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn và 2 mô hình nuôi gia cầm quy mô trên 1.000 con. Để việc tái đàn của nhân dân không ồ ạt, xã Văn Lãng chỉ đạo cán bộ nông - lâm phối hợp chặt chẽ với nhân viên thú y xã thống kê đầy đủ các hộ chăn nuôi quy mô lớn khi nhập con giống về phải báo cáo với xã, con giống phải có xuất xứ rõ ràng, phải được nhập ở vùng an toàn, có kiểm dịch thú y ở nơi xuất bán giống, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng phải thận trọng trong việc chọn con giống.
Ông Lê Hồng Quân - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng với diễn biến thời tiết bất thường nên tình hình dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trên đàn vật nuôi. Để nhân dân tái đàn an toàn, xã chỉ đạo nhân viên thú y xã phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chuồng trại chăn nuôi sau khi xuất bán cần được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ. Khi nuôi lứa mới cần vệ sinh thường xuyên, khử trùng định kỳ và tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng để phòng dịch bệnh hiệu quả. Cùng với đó, người chăn nuôi cũng cần chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, tích cực chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Mặt khác, cần cân đối đàn cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi và tình hình tiêu thụ”.
Thanh Tân
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.