Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 18/03/2017
Ngày cập nhật:
20/3/2017
Sự mạo hiểm nuôi dúi thành công của cô gái nhỏ bé Nguyễn Thị Phượng đang được người dân thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam truyền tai nhau.
Mô hình liên kết của cô gái nhỏ
Tìm đến trang trại của chị Phượng, đang tự tay chặt mía cho dúi ăn, chị nói, bắt đầu nuôi dúi từ năm 2010, khi còn là sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Ban đầu, chị dành thời gian tìm đọc trên sách, báo, mạng internet kỹ thuật làm chuồng, chăm sóc dúi thương phẩm và dúi sinh sản. Để tìm nguồn dúi giống, chị phải ra Bắc để hỏi mua dúi hoang dã do người dân trong vùng đào được.
Cô cử nhân kinh tế Nguyễn Thị Phượng
Chia sẻ khó khăn của những ngày đầu nuôi dúi, chị Phượng cho biết: “Quyết tâm và đam mê lắm thì mới có sự nghiệp như ngày hôm nay. Năm đầu tiên bắt đầu mua con giống từ ngoài Bắc, mất vài chục triệu đồng mà vận chuyển về tới nhà thì dúi chỉ còn sống đúng 1 cặp. Thời điểm đó còn là sinh viên nên gia đình không ai đồng ý cho tôi tiếp tục. Sau đó, quyết tâm và kiên trì, tôi cũng thuyết phục được gia đình và tự mình tìm hiểu rồi dần phát triển cho đến nay”.
Hiện nay, chị Nguyễn Thị Phượng đang là một tấm gương cho việc “làm giàu không khó từ nông nghiệp”. Mở rộng mô hình nuôi dúi giống và dúi thương phẩm, số lượng dúi tại chuồng của chị luôn duy trì ở mức trên 100 con, cả đực và cái, chị còn mạnh dạn liên kết với những người có cùng chí hướng để hợp tác phát triển mô hình liên kết ấp ủ từ lâu.
Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình liên kết nuôi dúi của chị Phượng đã có 30 thành viên, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và TP Đà Nẵng. Chị là người cung cấp con giống và đảm bảo thu mua thương phẩm cho bà con. Gặp gỡ chị Cù Thị Tuyền (phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), một thành viên trong mô hình liên kết nuôi dúi, chị Tuyền chia sẻ: “Trước đây tôi nuôi nhím, vì muốn phát triển thêm mô hình, tôi tìm hiểu trên mạng và đã gặp chị Phượng để mua con giống. Dúi rất dễ nuôi, đem lại lợi nhuận cao, đầu ra thì đã được chị Phượng thu mua luôn. Tôi chỉ lo việc nuôi và chăm sóc. Đến nay, mô hình của tôi đã có khoảng hơn 20 con, mỗi năm thu được 50 - 60 triệu đồng”.
Không ngại chia sẻ để cùng phát triển
Với kinh nghiệm của mình, chị Phượng sẵn sàng chia sẻ cho những ai muốn phát triển nghề nuôi dúi để làm giàu, đặc biệt là chị em phụ nữ có ý chí kinh doanh, phát triển kinh tế.
“Giống dúi gia đình tôi mua về là dúi sống ngoài tự nhiên, hoang dã, nên chúng ăn thức ăn có sẵn từ thiên nhiên như tre, mía, bí, ngô… Điều đặc biệt nhất là phân dúi như mùn cưa nên không có mùi hôi tanh, vì vậy ở đâu cũng có thể nuôi. Ngoài ra, điều kiện thuận lợi nhất để mình nuôi động vật hoang dã thành công chính là môi trường rừng núi; khí hậu ở xã Tam Lãnh rất phù hợp cho quá trình nuôi dúi nên tôi không gặp bất kỳ khó khăn nào, kể cả dịch bệnh cũng chưa từng xảy ra”, chị Phượng nói.
Hiện tại, chị Phượng cũng đang phát triển sản xuất con giống, tuy nhiên “việc này đòi hỏi phải có kỹ thuật và cái tâm với nghề. Muốn sản xuất theo hướng nhân giống cần có khu vực riêng, vệ sinh sạch sẽ và chăm sóc tỉ mỉ”. Xây chuồng cho dúi cũng không cần quá nhiều chi phí, mỗi ô chuồng cho dúi sinh sản rộng khoảng 50cm, dài 0,8 - 1m, xây tường cao 70cm, bên trong được láng mịn hoặc lát gạch men. Với dúi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2m2, cao 70cm và cũng được láng mịn. Theo lời chị Phượng, hiện nay thị trường dúi sinh sản có giá khoảng 2,2 - 2,7 triệu đồng/cặp, mỗi năm dúi đẻ 4 lứa, mỗi lứa từ 3 - 6 con. Dúi có trọng lượng từ 3 - 5g là có thể bắt đầu nuôi giống, trong vòng 6 tháng là có thể xuất bán thương phẩm với trọng lượng từ 1 - 1,5kg. Dúi là loài vật dễ nuôi và có giá thành kinh tế cao. Mỗi ký dúi bán trên thị trường có giá từ 400.000 - 450.000 đồng. Mô hình dúi giúp chị Phượng mỗi năm thu về từ 100 - 150 triệu đồng.
Vào thời điểm này, khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, thịt dúi có xu hướng cung không đủ cầu, giá cả luôn tăng. Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, phát biểu: “Mô hình nuôi dúi của chị Phượng đã đóng góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương. Phát huy điều kiện tự nhiên của địa phương, các mô hình nuôi động vật hoang dã thông thường sẽ được địa phương tích cực hỗ trợ. Đặc biệt, chị Phượng là cử nhân kinh tế, việc thu hút nhân tài về phát triển kinh tế địa phương là vấn đề được quan tâm hỗ trợ hàng đầu”.
TUYẾT MAI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.