Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 17/03/2017
Ngày cập nhật:
20/3/2017
Những năm gần đây, tại Sóc Trăng, nhiều loài động vật hoang dã được người dân địa phương nuôi dưỡng thuần hóa với mục đích thương mại, phổ biến là cá sấu, trăn, lợn rừng… Tuy nhiên, do có nguồn gốc từ tự nhiên hoang dã, nên việc gây nuôi và phát triển đàn rất cần được quan tâm quản lý và quy định rõ ràng, qua đó vừa có thể đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi, vừa bảo vệ an toàn sinh thái và an toàn cho cộng đồng dân cư.
Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 131 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, trong đó có 20 loài với 78.893 cá thể. Gây nuôi sinh sản động vật hoang dã mang lại nhiều mặt tích cực, như: bảo tồn nguồn gen, hạn chế đánh bắt từ tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động.
Ông Bình chăm sóc trang trại nuôi trăn của mình.
Tuy nhiên, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian, theo các bí quyết gia đình và còn thiếu liên kết, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan; thiếu các nghiên cứu cơ bản về quần thể loài trong tự nhiên, chưa có đội ngũ bác sĩ thú y chuyên về các loài động vật hoang dã. Vấn đề quy hoạch các vùng gây nuôi, cũng như các chính sách thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu chưa rõ ràng.
Nhìn chung trong năm 2016, qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, ngành chuyên môn còn phát hiện một số cơ sở thực hiện chưa đúng quy định tại Thông tư số 01/2012/TT-BNN như: không ghi chép vào sổ theo dõi nhập xuất… Do đó, nếu quản lý không tốt sẽ xảy ra tình trạng buôn bán trái phép, đặc biệt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người tại cơ sở gây nuôi động vật hoang dã hung dữ và nhân dân trong khu vực.
Để quản lý tốt các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, ngành chức năng nắm chắc tình hình các cơ sở gây nuôi. Khi cơ sở đủ điều kiện sẽ được thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi. Thực hiện chức năng quản lý, chi cục thường xuyên kiểm tra, lập sổ theo dõi số lượng, diễn biến quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại phù hợp, chấp hành nghiêm thủ tục hành chính liên quan đến vật nuôi, tuyệt đối không để vật nuôi xổng chuồng, nghiêm cấm hành vi săn bắt động vật hoang dã từ tự nhiên về gây nuôi, ngăn cấm vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nhằm đưa hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn đi vào nề nếp.
Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Phòng Thanh tra Pháp chế - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trong năm 2016, tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh có phần giảm, do thị trường tiêu thụ bị hạn chế, các trại cá sấu, trăn đang hoạt động cầm chừng để chờ giá. Đối với công tác quản lý, các hộ trước khi có ý định nuôi động vật hoang dã cần đăng ký trước cho địa phương xác nhận, có hồ sơ nguồn gốc loại vật nuôi, đồng thời phải đăng ký với Chi cục Kiểm lâm để được kiểm tra làm giấy tờ chứng nhận hoạt động và được kiểm tra thường xuyên trong quá trình nuôi. Cũng khuyến cáo bà con khi muốn nuôi động vật hoang dã cần xác định được đầu ra ổn định mới tiến hành đầu tư”.
Gây nuôi động vật hoang dã từng đem lại thu nhập cao cho nhiều người. Tuy nhiên, do đa số các mô hình này cần nguồn vốn đầu tư khá lớn, khi nhu cầu của thị trường bão hòa, sản phẩm lại không có đầu ra, vật nuôi lại trở thành gánh nặng với chính người nuôi. Vì thế, trước khi quyết định phát triển kinh tế theo hướng này, hộ chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ từ quy định hành chính đến kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Mô hình nuôi trăn của ông Trần Tấn Bình ở xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) đã duy trì được trên 20 năm nay. Bởi ngay từ khi khởi đầu mô hình, ông đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục giấy tờ, có sổ ghi chép xuất nhập trại rõ ràng, xây dựng chuồng trại an toàn phù hợp với đặc tính của loài vật nuôi, làm tốt khâu vệ sinh môi trường, kỹ thuật chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Với tổng đàn trên 140 con, chi phí thức ăn hàng tuần trên 4 triệu đồng và hiện giá trăn đang giảm, nhưng do có lợi thế vật nuôi càng có trọng lượng lớn càng bán được giá cao, nên mô hình có thể duy trì ổn định.
“Nuôi động vật hoang dã thì nhàn hơn so với các vật nuôi thông thường do không cần cho ăn hàng ngày. Cần nhất là chuồng trại phải khép kín, có nguồn gốc con giống rõ ràng. Đối với con trăn, khoảng 3 năm trước giá cao, nhưng hiện giá bấp bênh, cần tính toán để duy trì, càng lâu trăn càng lớn, giá trị kinh tế càng cao” - Ông Bình cho biết.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý gây nuôi động vật hoang dã luôn được chú trọng, vừa giúp người nuôi nắm rõ quy định của Nhà nước, có sự đầu tư vốn, kiến thức về đặc tính của loài vật nuôi, có định hướng rõ ràng, vừa cung cấp cho các hộ nuôi về kỹ thuật, thông tin thị trường... Nhờ vậy, phong trào gây nuôi động vật hoang dã đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Gây nuôi sinh sản động vật hoang dã mang lại nhiều mặt tích cực, đặc biệt sẽ đem đến nguồn thu nhập rất cao cho người nuôi nếu có đầu ra ổn định. Do đó, về lâu dài cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu về tác động của gây nuôi động vật hoang dã đến môi trường, có một số cơ chế, chính sách rõ ràng, cũng như các tổ chức về gây nuôi động vật hoang dã cần được thành lập, bảo đảm hỗ trợ cho người nuôi về thông tin thị trường, kết hợp với khuyến khích đầu tư cho công tác bảo tồn, cũng như gây nuôi hợp pháp động vật hoang dã… tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã theo hướng thương mại.
Ngọc Khuê (Đài PT – TH Sóc Trăng)
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.