Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 17/03/2017
Ngày cập nhật:
20/3/2017
Ngày 17-3, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai cùng Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan đã có buổi gặp gỡ với người chăn nuôi và thương lái Đồng Nai. Nhiều vướng mắc trong việc thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc heo vào thị trường TP.Hồ Chí Minh đã được làm rõ.
Người chăn nuôi phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đề án tại buổi gặp gỡ.
Theo đại diện Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, hiện có 15 tỉnh, thành cung cấp heo cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, gần 2/3 số lượng heo cung cấp cho thị trường này đã được truy xuất nguồn gốc. Ai chậm chân trong việc thực hiện đề án trên sẽ mất cơ hội ở thị trường lớn, giàu tiềm năng như TP.Hồ Chí Minh.
* Giá heo lại giảm sâu
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai so sánh trong 3 ngày vừa qua, giá heo đi xuống dù lượng heo tiêu thụ về TP.Hồ Chí Minh theo chiều hướng tăng.
Cụ thể, lượng heo về chợ đầu mối Tân Xuân lần lượt tăng từ 5.200 con/đêm, lên 5.300 rồi 5.400 con/đêm; chợ Bình Điền từ 2.200 con/đêm, lên 2.400 và 2.600 con/đêm. Nhưng giá heo hơi lại giảm từ 32 ngàn đồng/kg xuống còn 27-28 ngàn đồng/kg.
Theo ông Đoán: “Giá heo hơi tiếp tục lao dốc chủ yếu do thị trường Trung Quốc không tiêu thụ. Mặt khác, những khó khăn của việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc heo mà TP.Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện từ ngày 1-3 cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường này”.
Với giá hiện nay, người chăn nuôi lỗ khoảng 1 triệu đồng/con heo. Ông Phạm Đức Thu, chủ trại nuôi heo tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), bức xúc: “Heo hơi đang có giá 30 ngàn đồng/kg. Khi chưa được “đeo vòng” chân truy xuất nguồn gốc, lập tức thương lái hạ xuống chỉ còn 28 ngàn đồng/kg. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ đề án này, nhưng không nên đẩy mọi chi phí cho nông dân gánh chịu khi chúng tôi đang đứng trước bờ vực phá sản”.
Người chăn nuôi nên chủ động tham gia đề án để đủ điều kiện đưa heo tiêu thụ tại thị trường TP.Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Trại chăn nuôi tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất).
Phía thương lái lại tỏ ra nghi vấn về hiệu quả của chương trình này. Bà Bùi Thị Thủy, thương lái phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Các ban, ngành nên đến chợ đầu mối để chứng kiến, chúng tôi tốn hơn 10 ngàn đồng/con heo cho chi phí mua “vòng đeo” chân và nhiều khoản phí khác để chứng minh đây là thịt an toàn. Nhưng khi giết mổ, bán ra lại rẻ hơn giá mua của nông dân vì mặt hàng này giảm giá từng ngày. Chỉ tính riêng ở chợ đầu mối Tân Xuân đã lãng phí từ 50-60 triệu đồng/ngày để mua “vòng đeo” chân cho heo chỉ để cắt bỏ đi như rác”.
Bức xúc của bà Thủy được nhiều thương lái đồng tình vì hiệu quả của việc truy xuất nguồn gốc heo chưa rõ ràng với kiểu làm vẫn còn mang tính ứng phó như hiện nay.
* Sẽ siết chặt quy trình kiểm soát
Trước các ý kiến phản ánh của người chăn nuôi, thương lái, ông Nguyễn Huy Phương, đại diện Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, giải thích: “Thời điểm mới thực hiện có thể đề án chưa phát huy được hết hiệu quả, nhưng chương trình sẽ dần được chuẩn hóa với sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn. Khi đó, nếu heo không “đeo vòng” truy xuất thì chắc chắn sẽ không tiêu thụ được ở thị trường TP.Hồ Chí Minh”.
Theo ông Phương, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác cũng đang đặt vấn đề với TP.Hồ Chí Minh để tiếp tục nhân rộng đề án này. Người chăn nuôi không nên chờ đợi nữa vì nhiều tỉnh, thành khác đã triển khai hiệu quả, phía doanh nghiệp cũng đều chủ động thực hiện.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh (đơn vị cung cấp kỹ thuật cho đề án), cho biết: “Chương trình sẽ liên tục được cải tiến để cho người chăn nuôi thực hiện thuận lợi nhất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tổ chức gặp gỡ, giải thích, hỗ trợ người chăn nuôi trong quá trình ứng dụng”.
Đồng quan điểm, ông Trương Phước Đông, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, cho rằng vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ ở khâu kiểm tra, kiểm soát trên thị trường mà phải đi sâu từ khâu sản xuất, từ trên cánh đồng. Phía chính quyền Đồng Nai sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ ngay những vướng mắc, khó khăn cho người chăn nuôi, thương lái trong quá trình triển khai đề án. Nhiều chương trình gặp gỡ người chăn nuôi sẽ được tổ chức về tận các xã, huyện nơi tập trung đông chăn nuôi.
Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai đã xuất hàng trăm ngàn con heo VietGAP, được truy xuất nguồn gốc vào thị trường TP. Hồ Chí Minh không chỉ từ trang trại lớn mà chủ yếu là từ các nông hộ thuộc dự án Lifsap. Cùng với việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình VietGAP trong chăn nuôi. Quản lý, kiểm soát chăn nuôi cũng sẽ dần bị siết chặt hơn, từ vấn đề môi trường, vi phạm sử dụng chất cấm…
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, cho biết: “Đồng Nai đã triển khai việc cấp mã số cho các trang trại nên có thuận lợi không nhỏ khi triển khai đề án này. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 325 trang trại đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc heo, trong đó 50 trang trại đã thực hiện việc truy xuất. Từ ngày 1-3 đến nay, các trang trại trên đã thực hiện “đeo vòng” truy xuất được 46 ngàn con heo để đưa về thị trường TP.Hồ Chí Minh; 8 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia chương trình thì có 4 cơ sở với trên 10 ngàn con heo đã đăng ký truy xuất nguồn gốc”.
Bình Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.