• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trang trại chăn nuôi và bài toán môi trường

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 15/03/2017
Ngày cập nhật: 21/3/2017

Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn… từ các trang trại chăn nuôi đang trở thành vấn đề đáng lo ngại của tỉnh Đắk Lắk hiện nay. Đây là bài toán nan giải cần phải sớm được giải quyết, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng…

Bài 1: Nhiều bất cập trong chăn nuôi quy mô trang trại

Việc phát triển chăn nuôi quy mô trang trại đã và đang tạo ra nguồn thu khá ổn định cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế thì tại nhiều trang trại chăn nuôi, công tác quản lý, xử lý và giải quyết ô nhiễm môi trường lại chưa được quan tâm đúng mức...

Nhiều trang trại hoạt động không phép

Theo thống kê của của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), toàn tỉnh hiện có 344 trang trại chăn nuôi (trong đó có 107 trang trại gà, vịt; 202 trang trại heo; 35 trang trại nuôi bò), tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Kar, Buôn Đôn, Cư Kuin, Ea Súp, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Trong số đó, hiện mới chỉ có 88 trang trại chăn nuôi được đánh giá đủ tiêu chuẩn về thiết kế, quy mô hoạt động và được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại (chiếm 25,5%).

Trang trại heo của gia đình bà Trần Thị Lý ở buôn K’dun, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) xả thải trực tiếp ra môi trường.

Qua kết quả kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, phần lớn các trang trại chăn nuôi chưa được cấp phép đều nằm xen kẽ trong khu vực dân cư; nhiều cơ sở chưa chú trọng đến hệ thống thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi (kể cả hình thức xử lý cưỡng bức và xử lý tự nhiên); tăng đàn vật nuôi vượt quá công suất thiết kế chuồng trại ban đầu; không trồng cây xanh xung quanh khu vực chăn nuôi để giảm thiểu mùi hôi…

Đơn cử như trên địa bàn huyện Ea Kar có 53 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (chưa kể các gia trại quy mô nhỏ) với tổng đàn gần 16.000 con heo, trên 157.600 con gà, trong đó, phần lớn các trang trại hoạt động không phép. Nhiều trang trại chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải hợp vệ sinh mà xả trực tiếp ra môi trường xung quanh gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ông Trần Văn Đông, Phó trưởng Phòng NN - PTNT huyện Ea Kar cho biết, hằng năm, Phòng NN - PTNT thường xuyên phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm; đồng thời yêu cầu chủ cơ sở phải ký cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Tuy nhiên, do hầu hết các trang trại chăn nuôi đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, quỹ đất nhỏ hẹp, không có đủ diện tích để xây dựng những hạng mục bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn cho phép; hoặc hệ thống thu gom, xử lý chất thải bị xuống cấp, hư hỏng nên đã phát sinh ô nhiễm. Hiện nay, chủ trương của huyện vẫn là khuyến khích người dân phát triển kinh tế, mở rộng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gia trại, nên việc xử lý các sai phạm nói trên vẫn còn ở mức cảnh cáo, nhắc nhở là chính.

Những hệ lụy ô nhiễm môi trường

Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Phùng Văn Trận ở thôn 3, xã Ea Đar có quy mô 700 m2, nuôi khoảng 200 con heo thịt nhưng không có hệ thống xử lý chất thải hợp lý mà xả trực tiếp ra hồ chứa nước của thôn. Trong bán kính khoảng 1 km từ trang trại này, cuộc sống của người dân thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc, nhiều giếng nước nhiễm bẩn không thể sử dụng được. Ông Nguyễn Thanh Huấn, Chủ tịch UBND xã Ea Đar cho hay, sau khi nhận được tin báo của người dân UBND xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ea Kar tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính, đồng thời, nhắc nhở, yêu cầu chủ trang trại ký cam kết sớm khắc phục.

Còn với trang trại heo của gia đình bà Trần Thị Lý ở buôn K’dun xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) có quy mô khoảng 1.000 m2, thường xuyên nuôi trên 1.000 con heo thịt, heo nái các loại. Tại đây, chất thải từ chăn nuôi heo được xả trực tiếp đến hố lộ thiên bên ngoài và rồi chảy tràn ra cánh đồng lúa của người dân trong vùng. Nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực gần trang trại này than vãn, ngày nào họ cũng bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối và tiếng heo kêu la inh ỏi. Không những vậy, nước thải từ trại chăn nuôi này còn làm thiệt hại nhiều diện tích lúa của người dân trong vùng.

Bà H’Luanh Êban, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur xác nhận: Việc chăn nuôi trang trại heo của gia đình bà Lý đã gây ô nhiễm môi trường nên vừa qua, UBND xã đã xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Xã cũng thống kê có khoảng 2 ha lúa của các hộ lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc xả thải của trang trại chăn nuôi này và đã yêu cầu gia đình bà Lý bồi thường thiệt hại cho người dân.

“Về lâu dài, nếu không xử lý dứt điểm hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường, đe dọa sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên…”- ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn.

Lê Thành

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang