Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 20/03/2017
Ngày cập nhật:
21/3/2017
Dịch cúm gia cầm, đặc biệt là cúm A/H7N9 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, có nguy cơ cao xâm nhập vào tỉnh Bắc Giang. Đúng dịp nhiều lứa gà đến kỳ xuất bán, mặc dù bà con nông dân địa phương đã chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, lãnh đạo địa phương chú trọng quan tâm chỉ đạo ổn định đàn nhưng giá gà giảm, thương lái không mua khiến nhiều người chăn nuôi rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Kết quả khảo sát thực tế tại một số huyện nuôi gia cầm nhiều như Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang cho thấy đàn vật nuôi, trong đó có đàn gà hiện đang phát triển bình thường, chưa có bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào của dịch bệnh cúm. Người dân địa phương tự giác phát quang bụi rậm, chủ động vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, thực hiện khử trùng định kỳ bằng vôi bột. Cùng đó làm tốt quy trình chăm sóc đàn vật nuôi theo quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tăng cường sức đề kháng cho đàn gà bằng cách bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, bảo đảm thức ăn chất lượng tốt, sử dụng con giống rõ nguồn gốc, không giết mổ gia cầm khi đã bị bệnh…
Người dân bản Trại Nốt, xã Tam Tiến khử trùng chuồng trại, môi trường để phòng chống dịch cúm gia cầm
Huyện Yên Thế là nơi có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh với khoảng 4,5 triệu con. Hộ anh Ngô Văn Đáng ở bản Trại Nốt, xã Tam Tiến chia sẻ, gia đình anh gắn bó với con gà thương phẩm đến nay 17 năm nhưng chưa năm nào đàn vật nuôi bị dịch bệnh lớn. Kết quả đó là do hàng tuần vợ chồng anh Đáng đều phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột xung quanh khu chuồng trại khi thời tiết thay đổi hay dịp xuất bán để chuồng trống khoảng 20 ngày thì vào đàn tiếp. Trung bình từ 1,5 - 2 tháng gia đình anh vào một lứa gà từ 500 - 1.000 con gà. Anh Đáng chủ yếu nuôi gà mía và gà lai chọi bởi những ưu điểm của giống như thịt chắc, thơm ngon, lông màu đẹp, người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt giá bán ổn định hơn các giống gà khác. Hiện gia đình anh có 1.000 con gà lai chọi, trọng lượng khoảng 2 - 2,3 kg/con, chuẩn bị xuất chuồng với giá 70 - 80 nghìn đồng/kg.
Ở bản Rừng Dài Tam Tiến, nhà chị Liên, anh Minh là những hộ thường xuyên nuôi từ 2.000 - 3.000 con/lứa, gà vẫn luôn bảo toàn được số lượng đàn nhờ sự chủ động trong công tác phòng bệnh. Tuy nhiên ở thời điểm này, do ảnh hưởng của tình hình dịch cúm phức tạp nên giá gà mía dao động từ 48 - 50 nghìn đồng/kg. “Các thương lái cũng không mấy mặn mà như trước nên gia đình tôi và nhiều người chưa muốn vào đàn tiếp, tâm lý nuôi cầm chừng” – anh Minh tâm sự.
Còn tại xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, chị Hà Thị Nhiều ở thôn Trấn Sơn là hộ nuôi gà hơn 20 năm nay nhưng chưa bao giờ gia đình bị thiệt hại về tổng đàn mà chỉ bị ảnh hưởng của giá “bấp bênh”. Hiện gia đình chị có 2.000 con gà mía đã được bán, thương lái đã vào xem nhưng chưa dám bắt bởi lý do dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc nên thị trường không “tiêu” được. Theo hạch toán của chị Nhiều, hơn 3 tháng nuôi tiêu tốn hết 80 triệu tiền cám thức ăn, nếu giá gà 50 nghìn đồng/kg thì người chăn nuôi vẫn có lãi. Nhưng nếu 1 - 2 ngày tới, lứa gà này vẫn chưa bán được thì chị Nhiều sẽ bị “lỗ” thêm 10 triệu đồng tiền cám phải mua thêm để “hoãn binh” chờ thợ tới.
Trước tình hình trên, UBND huyện Yên Thế, Tân Yên thành lập 03 đoàn kiểm tra, chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông phối hợp với địa phương hàng tuần tổ chức các buổi kiểm tra thực tế tại các xã, thôn, bản nhằm đôn đốc các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, điều tra, giám sát và xử lý kịp thời khi có ổ dịch xảy ra nhằm bảo toàn tổng đàn vật nuôi trên địa bàn; tuyên truyền đến người dân sự nguy hiểm của dịch bệnh cúm; khuyến cáo người chăn nuôi dịp này không vào đàn ồ ạt, tránh thiệt hại về số lượng và hiệu quả kinh tế; nắm bắt thông tin thị trường giá cả để có hướng nuôi, xuất bán hợp lý, giảm mức tối đa về rủi ro kinh tế, điều tiên quyết là phải làm tốt công tác “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bảo toàn đàn gia cầm trên địa bàn.
Được biết, kết quả kiểm tra của đoàn công tác lãnh đạo huyện Yên Thế gần đây nhất vào cuối tuần qua tại các xã Xuân Lương, Đồng Tâm cho thấy, đàn vật nuôi vẫn phát triển bình thường, chưa có trường hợp nào nghi mắc bệnh.
Hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đang tập trung cao cho công tác chỉ đạo phòng chống dịch nhằm ổn định đàn gia cầm, chủ động xây dựng và tham mưu, ban hành nhiều văn bản phòng chống dịch bệnh động vật nói chung và phòng chống cúm nói riêng, thành lập các đoàn kiểm tra theo dõi cụ thể từng huyện, phối hợp với cơ quan thông tấn đại chúng tuyên truyền rộng rãi về công tác phòng chống bệnh dịch. Theo đó yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở; triển khai tiêm phòng cúm H5N1 theo kế hoạch; kiểm tra chặt chẽ mọi hoạt động liên quan đến vật nuôi như giết mổ, vận chuyển, tiêu dùng, kinh doanh… Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có báo cáo về trường hợp gia cầm nghi nhiễm bệnh cúm nào. Các dịch bệnh khác như tụ huyết trùng, gumboro, newcastle… xảy ra lẻ tẻ tại một số huyện nhưng đã được hệ thống thú y cơ sở phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Thanh Phúc (trung tâm khuyến nông Bắc Giang)
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.