• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trang trại chăn nuôi và bài toán môi trường

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 17/03/2017
Ngày cập nhật: 21/3/2017

Bài 2: Tìm lời giải cho bài toán môi trường trong chăn nuôi

Thực trạng chăn nuôi, nhất là ở quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy lượng chất thải quá lớn; tập quán làm chuồng trại xen kẽ trong khu dân cư và việc xử lý chất thải kém hiệu quả khiến công tác giải quyết ô nhiễm môi trường trở thành một bài toán khó.

Nhiều thách thức

Tổng đàn gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh hiện khoảng trên 11 triệu con, cụ thể có 274.737 con trâu, bò; 870.622 con heo; gần 10 triệu con gia cầm các loại… (trong đó, có trên 60% gia súc, gia cầm được nuôi theo quy mô trang trại, gia trại), với tốc độ tăng đàn bình quân hằng năm từ 5-7%. Kèm theo việc tăng số lượng gia súc, gia cầm thì mức độ ô nhiễm môi trường cũng là điều đáng lo ngại nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Bởi theo tính toán của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, lượng chất thải rắn và lỏng mà đàn vật nuôi thải ra mỗi ngày đêm là khá lớn: Ở trâu, bò thải ra từ 8 - 13 kg và 50 lít nước/con; heo 2 kg và 40 lít nước/con; gia cầm 0,2 kg/con. Trong đó, có khoảng trên 50% lượng chất thải được xả trực tiếp ra môi trường.

Như vậy, với số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh khá lớn như hiện nay thì có thể ước lượng, mỗi ngày đêm sẽ có không dưới 1.000 tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 500 m3 chất thải lỏng (phân lỏng. nước tiểu) chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường.

Hộ ông Phan Ngọc ở thôn 1, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) nuôi gà ngay trong khu vực sinh hoạt của gia đình gây mất vệ sinh.

Từ thực tế nói trên, hằng năm, Sở NN-PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi dần phương thức chăn nuôi thả rông, manh mún, nhỏ lẻ sang nuôi nhốt tập trung theo quy mô gia trại, trang trại có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật an toàn sinh học; giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cũng triển khai các biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát để từng bước xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm của các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi xả thải ra môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, việc xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm ra môi trường hiện nay vẫn còn khá ít. Nguyên nhân là do nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch cụ thể vùng chăn nuôi tập trung phù hợp; phần lớn các hộ chăn nuôi trang trại đều làm tự phát; quy định xử phạt còn chưa rõ ràng, khó áp dụng… Riêng trong 2 năm 2015 - 2016, ngành chức năng chỉ phát hiện 2 hộ chăn nuôi trang trại heo tại huyện Cư Kuin và Ea Kar; 7 trang trại trên địa bàn Tp. Buôn Ma Thuột (trong đó có 6 trang trại heo và 1 trang trại gà) có vi phạm xả chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, với sự vào cuộc của các cấp, ngành hữu quan trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở chăn nuôi vi phạm thì những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, để ngăn chặn tận “gốc” nguy cơ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi thì hơn hết là chính các chủ trang trại phải tuân thủ các quy định về xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm công suất, quy trình kỹ thuật, kể cả khi tăng đàn. Ngoài ra, các địa phương cần có quy hoạch vùng chăn nuôi bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, xây dựng các chế tài xử phạt mạnh để răn đe các hành vi gây ô nhiễm môi trường từ các trang trại...

Để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu về lĩnh vực chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững, cùng với việc thực hiện các mục tiêu cụ thể, tỉnh Đắk Lắk đang đôn đốc, chỉ đạo các địa phương quy hoạch lại quỹ đất, đề xuất giải pháp xây dựng khu chăn nuôi tập trung, đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường nước, khí khu vực chăn nuôi; tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật đối với chăn nuôi tập trung công nghiệp.

Theo ông Đông, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh các biện pháp chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xử lý môi trường, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng; khuyến khích người dân áp dụng công nghệ đa mục đích trong xử lý chất thải chăn nuôi như biogas, đệm lót sinh học, ủ phân vi sinh… để có chất đốt, phân bón sạch chất lượng cao cho cây trồng. Cùng với đó, thông qua một số dự án đầu tư trong sản xuất nông nghiệp hằng năm, tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí xây dựng ban đầu (sau đầu tư) để người chăn nuôi xây dựng, cải tạo chuồng trại, xây dựng hệ thống xử lý môi trường phù hợp.

Theo ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: “Do chế tài xử lý cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm ra môi trường còn quá nhẹ (chủ yếu chỉ phạt hành chính từ 1 - 3 triệu đồng), chưa đủ sức răn đe, nên hằng năm vẫn có nhiều cơ sở vi phạm mới hoặc cố tình tái diễn vi phạm”

Lê Thành

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang