Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 21/03/2017
Ngày cập nhật:
22/3/2017
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn, HTX Chăn nuôi Trường Thành, thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) áp dụng thành công quy trình chăn nuôi lợn hiện đại theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi nên lợn thương phẩm của HTX Chăn nuôi Trường Thành đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng. Ảnh: Đào Vĩnh
HTX Chăn nuôi Trường Thành được thành lập năm 2010 với 8 thành viên, chuyên chăn nuôi lợn thịt, lợn giống và cung ứng sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Hiện tại, HTX có 500 con lợn nái sinh sản và hơn 4 nghìn con lợn thương phẩm, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng. "Trước đây, HTX nuôi lợn theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Cuối năm 2015, có dịp đến một số siêu thị ở Hà Nội, tôi thấy họ bán thịt lợn với giá rất cao. Khi tìm hiểu mới biết đó là sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sau đó, tôi mạnh dạn đầu tư và áp dụng quy trình mới trong trang trại" - ông Tô Hiến Thành, Giám đốc HTX nói.
Sở dĩ được gọi là tiêu chuẩn hữu cơ vì toàn bộ quá trình chăn nuôi không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng hoóc-môn tăng trọng, chất tạo nạc. Thức ăn có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật như cám, gạo, ngô, đậu tương, rau, củ. Quy trình chăn nuôi thực hiện theo mô hình tự cung, tự cấp khép kín, có sổ theo dõi, đánh giá định kỳ. Chuồng trại được xây dựng hiện đại, có đệm lót sinh học để xử lý chất thải và hệ thống làm mát, quạt hút gió, đồng thời, tận dụng hơi nước chảy theo giàn mát để dung hòa nhiệt độ trong chuồng thích hợp nhất. Nước uống được xử lý qua hệ thống lọc và được kiểm nghiệm liên tục. Lối ra, vào trang trại đều được khử trùng, môi trường luôn được giữ gìn sạch sẽ, thoáng mát. Trong quá trình chăn nuôi, cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đồng hành, tư vấn giúp các xã viên chăm sóc, phòng chống dịch bệnh.
Cũng bởi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nên thời gian sinh trưởng của lợn thương phẩm cũng lâu hơn so với cách chăn nuôi truyền thống (khoảng 6 tháng xuất chuồng một lứa). Để bảo đảm sản phẩm không bị vi khuẩn xâm nhập, HTX đầu tư hệ thống giết mổ hiện đại. Lợn sau khi mổ được cấp đông ngay tại lò. Hiện nay, sản lượng thịt lợn thương phẩm của HTX Chăn nuôi Trường Thành xuất ra thị trường mỗi ngày khoảng 1 tấn, với giá bán bình quân từ 190 đến 250 nghìn/kg (cao gần gấp 3 lần so với thịt lợn chăn nuôi thông thường), doanh thu mỗi năm ước đạt hơn 50 tỷ đồng. Thịt lợn sạch của HTX cung cấp ổn định cho một số siêu thị lớn ở Hà Nội và trường học trên địa bàn huyện Hiệp Hòa. Dự kiến thời gian tới, đơn vị sẽ mở rộng mạng lưới tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Mới đây, Chi nhánh của Tổ chức Chứng nhận các tiêu chuẩn Quốc tế (NHO-QSCert) Đức tại Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm thịt lợn của HTX Chăn nuôi Trường Thành đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Đây là tổ chức chuyên theo dõi, đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng thức ăn, sản phẩm chăn nuôi, giám định hàng hóa xuất nhập khẩu theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Cô giáo Đặng Thị Thành, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) chia sẻ: "Trước đây, khi đặt mua thịt lợn phục vụ bếp ăn bán trú, nhà trường rất khó khăn trong việc tìm kiếm địa chỉ có uy tín. Kể từ khi sản phẩm thịt lợn của HTX Chăn nuôi Trường Thành được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, chúng tôi yên tâm sử dụng".
Phương thức chăn nuôi hữu cơ, cung ứng thực phẩm sạch theo chuỗi của HTX tuy mới ở giai đoạn đầu, quy mô chưa lớn song đã cho thấy những ưu điểm rõ rệt. Mô hình không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp các chủ trang trại giảm chi phí trong khâu trung gian, mang lại thu nhập cao từ chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Phạm Duy Trung, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa cho biết: Đây là mô hình mới và được huyện lựa chọn xây dựng điểm. Thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX, trang trại và hộ chăn nuôi đủ điều kiện để nhân rộng mô hình này. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020".
Hoàng Thoa - Công Doanh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.