Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 24/03/2017
Ngày cập nhật:
25/3/2017
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Đinh Trọng Chính ở thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bén duyên với nghề nuôi ong từ năm 1989, đến nay ông đã dày dặn kinh nghiệm với thu nhập từ nuôi ong mỗi năm đạt trên dưới 100 triệu đồng.
Gặp chúng tôi, ông Chính vui vẻ dẫn đến vườn nuôi ong, xem từng thùng ong đặt dưới gốc cây. Mới sang tháng 3, nắng xuân bừng ấm, hoa rộ nở, cũng là lúc vào mùa con ong đi lấy mật. Nhìn đàn ong vo ve ra, vào cửa tổ, ông Chính bắt đầu câu chuyện, từ một vỏ hộp đựng đạn được một người bạn tặng ở chiến trường, ông đã mang về và làm tổ để nuôi ong, mới đầu chỉ là bắt được tổ ong rừng về nuôi, sau thấy có hiệu quả, ông đã mày mò để nhân rộng đàn.
Cũng trải qua nhiều lần thất bại, có năm thời tiết không thuận lợi, ong bỏ đi gần hết chỉ còn lại vài đàn. Nhìn từng đàn ong theo nhau bỏ tổ, thấy ong bỏ đi, ông mới nhận ra mình thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Ông đã đăng ký theo học các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã, huyện tổ chức và tiếp tục đầu tư đóng hộp, mua giống, nhân đàn và bắt đầu dần ổn định lại mô hình nuôi ong.
Ông Đinh Trọng Chính đang chăm sóc đàn ong.
Mới đó đã mấy chục năm chung sống với con ong, vì thế ông Chính tỏ tận đường đi, lối về của ong. Chuyện nuôi ong lấy mật, ông Chính nói với chúng tôi say sưa như một chuyên gia thực thụ. Cũng từ mê nghề nuôi ong, ông Chính thường gần gũi, giúp đỡ các hộ trong vùng về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi.
Ông cho biết thêm, nuôi ong chừng ấy năm, nhưng đến năm 2010, nghề nuôi ong mới thực sự đem lại thu nhập cao và ổn định cho gia đình. Đàn ong mật của gia đình ông Chính được đặt ngay trong vườn nhà, hàng ngày, ông kiểm tra từng đàn.
Ông chia sẻ, làm nghề này bị ong đốt là chuyện bình thường, nhưng người làm nghề phải tỉ mỉ, cẩn thận và say nghề thì mới sống được với nghề. Mới đầu chỉ vài đàn, rồi nhân đàn lên theo từng năm, có thời điểm gia đình ông nuôi gần 100 đàn ong lấy mật. Riêng trong năm 2016 vừa qua, gia đình ông duy trì 80 đàn và thu được khoảng 6 tạ mật ong.
Với giá bán bình quân 100.000 đồng/kg, gia đình ông thu về được 60 triệu đồng. Ngoài bán mật, gia đình ông Chính còn bán giống với giá bán 500.000 đồng /đàn (bao gồm cả thùng gỗ). Mỗi năm, gia đình ông bán từ 20 đến 40 đàn, đem lại tổng thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm.
Năm 2017 này, ông Chính tiếp tục đầu tư nhân rộng đàn, tận dụng hết quỹ đất để mở rộng mô hình nuôi ong, phấn đấu phát triển và duy trì trên 120 đàn ong lấy mật.
Trong khi nhiều hộ dân đầu tư nguồn vốn để nuôi lợn, nuôi bò sinh sản, thì ông Chính lại đam mê nghề nuôi ong. Mô hình nuôi ong lấy mật của ông Chính không đòi hỏi nguồn vốn lớn, thậm chí có thể tự nuôi, nhưng đã mang lại cuộc sống đầy đủ cho gia đình. Nuôi ong lấy mật là mô hình đang mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, góp phần giúp nhiều nông dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Thùy Linh (Đài TT-TH Minh Hóa)
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.