Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 29/03/2017
Ngày cập nhật:
30/3/2017
Bệnh cúm gia cầm bùng phát trở lại vào những tháng đầu năm 2017 đang gây ra không ít hệ lụy đối với quá trình chăn nuôi gia cầm ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có Hậu Giang.
Mấy tháng qua, người chăn nuôi gia cầm điêu đứng bởi giá thịt, trứng đều xuống thấp. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng khó tính thậm chí đã “quay lưng” với các sản phẩm quen thuộc này trước thực trạng dịch bệnh nguy hiểm còn diễn biến phức tạp.
Hoạt động chăn nuôi, mua bán gia cầm không mấy khởi sắc trong những tháng đầu năm.
Đến nay, ngành chuyên môn đã khống chế thành công ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ vào thời điểm đầu năm, đồng thời đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, từ công tác quản lý chăn nuôi đến các hoạt động kiểm soát vận chuyển, giết mổ đều được siết chặt. Tuy nhiên, mới đây lại xuất hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở ấp 9B, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, với tổng số gà buộc phải tiêu hủy gần 900 con. Có thể thấy, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp.
Người mua dè dặt
Từ khi nghe thông tin dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, kể cả trên địa bàn tỉnh, gia đình ông Nguyễn Văn Chính, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, dè dặt hơn trong việc chọn mua sản phẩm gia cầm. Mặc dù thịt gà là món ăn được yêu thích, nhưng gần đây nó xuất hiện ít dần trong mâm cơm của gia đình. Trường hợp chọn mua gà, vịt làm sẵn ở chợ, ông Chính cũng quan sát kỹ biểu hiện bên ngoài như độ tươi, màu da và chỉ tìm mua ở những mối quen.
“Tiêu chí đầu tiên khi tôi chọn mua sản phẩm gia cầm làm sẵn là phải được đóng dấu kiểm dịch. Bây giờ còn đỡ, chứ hồi mới nghe có ổ dịch cúm gia cầm ở bên thị xã Long Mỹ, tôi đâu dám mua thịt gà, vịt về ăn, dù thời điểm đó giá khá mềm. Bây giờ, để an toàn, tôi tìm mua sản phẩm ở những nơi uy tín, bởi bước đầu họ đã chọn mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”, ông Chính tâm sự.
Cũng do tâm lý lo ngại trước tình hình dịch bệnh nên một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng chọn các loại thực phẩm khác để thay thế thịt gia cầm trong thời điểm này. Bà Nguyễn Thị Oanh, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, là một trong số đó. Theo bà Oanh, gà, vịt ngoài chợ được bày bán tràn lan, từ gia cầm sống đến làm sẵn khó biết được xuất xứ nên bà không an tâm mua. “Sợ nhất là lúc chế biến, mình tiếp xúc trực tiếp với nó, lỡ mua nhầm gà, vịt mang mầm bệnh thì sợ lắm. Gần đây, nghe tin bệnh cúm gia cầm ở mấy tỉnh lân cận, tôi thấy lo ngại nên thay thịt gà bằng các loại cá đồng”, bà Oanh bộc bạch.
Tiểu thương than vãn
Theo khảo sát, không khí mua bán sản phẩm thịt, trứng gia cầm ở các chợ trung tâm của huyện Vị Thủy, Long Mỹ, hay thành phố Vị Thanh trong thời gian gần đây có phần trầm lắng hơn thời điểm cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Nhiều tiểu thương than phiền sức mua đã giảm đáng kể. Nguyên nhân là do người dân e dè trước tình trạng dịch cúm gia cầm đang xuất hiện trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, chuyên kinh doanh sản phẩm thịt gia cầm ở chợ Vị Thanh, cho hay mấy tháng đầu năm sức mua không tăng mà còn có dấu hiệu sụt giảm. Hiện, trung bình mỗi ngày chị bán khoảng 20 con gà, vịt làm sẵn, ước tính số lượng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. “Giá thịt vịt hiện chỉ có 43.000-45.000 đồng/kg. Dù giá bán khá “mềm”, dễ mua nhưng nhiều người vẫn chưa quay lại với loại thực phẩm này”, chị Lệ than vãn.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Duyên, chuyên mua bán các loại trứng gia cầm ở chợ Vị Thanh, bày tỏ: “Bây giờ, tôi không thể nào đoán được giá cả thị trường. Hồi tết âm lịch đến giờ, có một đợt giá trứng vịt tăng cao, khoảng 24.000-25.000 đồng/chục, nhưng chỉ được chừng 10 ngày là bắt đầu đà sụt giảm luôn”. Cũng theo chị Duyên, thông thường vào cuối vụ lúa Đông xuân hàng năm, lượng trứng trên thị trường nhiều nên giá trứng gia cầm các loại sẽ có chiều hướng giảm chút đỉnh. Thế nhưng, năm nay thì lại giảm sâu hơn các năm trước.
“Lúc này, giá gà công nghiệp đang có xu hướng giảm mạnh, kéo theo giá bán gà thả vườn cũng phần nào bị ảnh hưởng. Mặc dù tình hình chung là vậy, nhưng ở góc độ ngành chuyên môn, chúng tôi luôn hỗ trợ cho bà con về kỹ thuật, cũng như đưa ra những giải pháp phòng, chống dịch bệnh tốt nhất để giúp người chăn nuôi hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro, thất thoát”, ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thông tin.
Thời điểm này, giá gà ta được người dân ở một số địa phương trong tỉnh bán ở mức 65.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khoảng 1 tháng nay, giá trứng vịt tiếp tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 18.000-20.000 đồng/chục; trứng gà công nghiệp còn 18.000-19.000 đồng/chục; trứng gà ta khoảng 20.000-21.000 đồng/chục. Theo tiểu thương ở các chợ trên địa bàn thành phố Vị Thanh, so với cùng kỳ năm trước, giá trứng gia cầm các loại giảm khoảng 2.000 đồng/chục.
Kỳ Anh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.