Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 30/03/2017
Ngày cập nhật:
31/3/2017
Bài 2: Nhiều tổn thất
Trước tác động bởi giá thịt, trứng gia cầm sụt giảm sâu do dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp khiến cho người chăn nuôi, kể cả các doanh nghiệp, cơ sở ấp trứng, cung cấp con giống gia cầm trên địa bàn tỉnh phải gánh chịu nhiều tổn thất.
Bà Nguyễn Thị Cầm đang thu gom những quả trứng còn lại trong nhà để bán cho người dân trong xóm.
Theo nhận định của ngành chuyên môn tỉnh, đây là thời điểm có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm cao. Bởi lúc này, biên độ nhiệt ngày và đêm có sự chênh lệch khá lớn, trong khi sức đề kháng của gia cầm yếu rất khó thích nghi với sự thay đổi thời tiết đột ngột. Lúc này, mầm bệnh có sẵn trong đất, nước, không khí, chuồng trại rất dễ tấn công gia cầm nếu khâu chăm sóc, nuôi dưỡng không tốt sẽ dễ gây thiệt hại về kinh tế và tác động lớn đến thị trường.
Người nuôi lâm nợ
Thông thường, khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch là thời điểm người chăn nuôi bắt đầu tái đàn gia cầm. Thế nhưng năm nay, nhiều người không mạnh dạn tăng đàn hay kỳ vọng nhiều vào việc thả nuôi như những năm trước. Bà Trần Thị Trí, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết sau đợt hạn, mặn bất thường vào đầu năm 2016, gia đình bà bị thiệt hại khoảng 40% trên tổng đàn 1.700 con vịt. Tưởng thị trường sẽ khởi sắc hơn sau nhiều tháng chật vật, không ngờ lúc này giá trứng vịt lại rẻ bèo.
Thay vì tăng đàn để gỡ vốn thì bà Trí chọn phương án thả nuôi giảm gần 50% số lượng so với cùng kỳ, tức chỉ khoảng 800 con vịt, trong đó phân nửa là vịt thịt. Đáng buồn hơn là hiện nay đã có không ít hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải từ bỏ nghề nuôi vịt chạy đồng, bởi nguy cơ thua lỗ cao. Bà Nguyễn Thị Cầm, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, vừa bán đàn vịt 1.500 con của gia đình để bù khoản nợ trên 50 triệu đồng. Đây là chi phí thức ăn mà bà đã bỏ ra trong những tháng đầu năm nay. Chưa kể là khoản nợ vốn phát sinh từ nghề nuôi vịt chạy đồng của các năm trước còn chưa trả dứt.
Nhìn về phía chuồng vịt trống không, bà Cầm nghẹn ngào cho hay: “Tính sơ sơ tổng số tiền nợ từ trước đến giờ đã vượt mức 100 triệu đồng. Đêm nằm, tôi trằn trọc mãi! Thấy tình hình không khả quan, vợ chồng tôi đành phải bán đi đàn vịt. Từ bỏ cái nghề vốn theo mình hơn nửa đời người rồi mà còn canh cánh khoản nợ to đùng. Tôi định thu xếp chuyện nhà rồi ra thành phố Vị Thanh tìm phụ giúp việc nhà để có thêm thu nhập. Ông bà ta nói muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt quả không sai chút nào”.
Doanh nghiệp thất thu
Không riêng người chăn nuôi, mà các cơ sở ấp trứng gia cầm cũng đang “than ngắn thở dài” bởi chuyện kinh doanh không như mong muốn. Ông Đoàn Văn Hái, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, chủ cơ sở ấp trứng Tám Hái, cho hay: “Tôi vừa kinh doanh cơ sở ấp trứng, vừa chăn nuôi vịt chạy đồng. Nhưng hai năm trở lại đây, tôi thấy ít ai dám tăng đàn vì sợ cảnh nợ nần chồng chất. Đầu năm tới giờ chỉ lưa thưa hai ba người tìm đến hỏi mua con giống. Lúc này, lò của tôi kông còn ấp nở nữa, chỉ ấp trứng lộn rồi bán cho các vựa thu gom”.
Thậm chí hiện nay, một số cơ sở ấp trứng trên địa bàn tỉnh đã tạm ngưng hoạt động do lo ngại dịch cúm gia cầm. Chị Nguyễn Thị Bích Sảnh, chủ cơ sở ấp trứng gia cầm Hoàng Nam, ở ấp 5, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, thừa nhận: “Nghe tin về cúm gia cầm nên tôi sợ và ngưng hoạt động lò hơn 3 tháng rồi. Đáng nói là giá trứng quá rẻ nên ấp trứng lộn không có lời. Hiện giá trứng lộn bán ra tại lò từ 17.000 - 18.000 đồng/chục. Trong khi chủ lò phải thuê mướn nhân công, tiền điện, vận chuyển... Vì vậy, dù vụ lúa Đông xuân này lượng trứng khá nhiều nhưng phải tạm ngừng hoạt động, chờ giá cả khởi sắc hơn mới tính tiếp”.
Có thể thấy, trước tác động của dịch cúm gia cầm đã và đang gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người chăn nuôi, kể cả các doanh nghiệp, cơ sở ấp trứng, cung cấp con giống gia cầm trên địa bàn tỉnh. Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, khẳng định: “Cách đây khoảng 1 tháng, khi ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện thông tin chết người do cúm gia cầm thì thị trường sản phẩm từ gia cầm trong nước cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Riêng người chăn nuôi, lẫn các doanh nghiệp, cơ sở ấp trứng, cung cấp con giống gia cầm của tỉnh gặp khó trong vấn đề giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Theo Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang, việc cung ứng giống gia cầm tại đây chủ yếu là gà. Tuy nhiên, trong tháng 3 này, số lượng đơn đặt hàng không nhiều như những tháng trước đây. Một phần là do nhu cầu thị trường và tác động của tình hình dịch bệnh. Ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, cho biết: “Tùy theo đơn đặt hàng mà chúng tôi sản xuất, cung ứng cho thị trường. Nếu nhu cầu cần nhiều, đơn vị sẽ liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để cung cấp giống đạt chuẩn phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân”.
Nguyễn Hằng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.