Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 31/03/2017
Ngày cập nhật:
1/4/2017
Trước những thách thức về dịch bệnh, biến động thị trường, ngành chuyên môn tỉnh đang nỗ lực vực dậy lĩnh vực chăn nuôi gia cầm bằng nhiều giải pháp đồng bộ về trước mắt, cũng như lâu dài.
Nhiều giải pháp đang được ngành chăn nuôi triển khai để thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi gia cầm phát triển.
Thời gian qua, để giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi tìm mua sản phẩm thịt, trứng gia cầm, ngành chuyên môn tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai công tác sắp xếp lại hoạt động mua bán các sản phẩm từ gia cầm tại các chợ trên địa bàn thành những khu vực riêng biệt. Điều này giúp thuận tiện hơn trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, quản lý, phòng, chống dịch bệnh, nhất là vào thời điểm dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
“Khai tử” cơ sở giết mổ nhỏ lẻ
Để vực dậy lĩnh vực chăn nuôi, ngành chuyên môn tỉnh đã tiến hành triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tại huyện Phụng Hiệp, từ đầu năm 2017 này, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tập trung vào công tác phổ biến kế hoạch giải thể các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đủ điều kiện vệ sinh thú y, không phù hợp với quy hoạch nằm trên địa bàn huyện, góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ bệnh lây lan và bùng phát dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Từ tháng 3 này, chúng tôi phổ biến kế hoạch giải thể tiếp 5 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Dự kiến trong năm nay, huyện sẽ nỗ lực giải thể 6-8 điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không phù hợp quy hoạch. Hiện tại cụm phía Bắc đã hình thành cơ sở giết mổ nằm trên địa bàn xã Hòa An, còn lại cụm phía Nam chúng tôi đang tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đúng quy chuẩn”.
Thống kê từ ngành chuyên môn, trước khi triển khai quy hoạch, cụ thể là vào năm 2012, toàn tỉnh có 58 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện lộ trình quy hoạch, con số này giảm còn 31 cơ sở vào cuối năm 2016. Dự kiến đến cuối năm nay, sẽ gom lại còn 13 cơ sở giết mổ trên toàn tỉnh. Bà Lâm Lan Anh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho rằng: “Để đạt được kết quả trên, rất cần sự chung tay quyết liệt của các địa phương, nhất là mạnh tay giải thể những cơ sở nhỏ lẻ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đơn vị sẽ nỗ lực từng bước phấn đấu thực hiện đến năm 2020 Hậu Giang còn 10 cụm giết mổ tập trung”.
Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn
Ngoài quy hoạch cơ sở giết mổ, ngành chuyên môn tỉnh đang từng bước triển khai thực hiện hoàn thành quy hoạch chăn nuôi trên địa bàn Hậu Giang. Theo đó, tỉnh có 3 vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung nằm ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp; xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy; xã Xà Phiên và Lương Nghĩa của huyện Long Mỹ. Hiện các địa phương đang thu hút, mời gọi đầu tư vào các vùng này. Riêng các khu vực chăn nuôi phân tán khác, ngành chuyên môn Hậu Giang cũng luôn tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, giúp cho người dân chăn nuôi có hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc cải thiện chất lượng giống gia cầm, cũng như chất lượng chăn nuôi nông hộ trên địa bàn Hậu Giang.
Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thông tin: “Chúng tôi đang làm việc với các đơn vị chuyên về giống gia cầm ở miền Nam để có định hướng phát triển phù hợp. Bởi thực tế hiện nay, với số lượng nuôi trên 3 triệu con gia cầm mỗi năm nhưng tỉnh ta chưa có trang trại quy mô đủ sức cung ứng con giống xứng tầm. Cho nên, đa phần người dân buộc phải sử dụng nguồn giống trôi nổi trên thị trường. Mặt khác, ngành cũng tìm giải pháp hướng đến việc tiêu thụ sản phẩm trứng muối đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đến bày tỏ nguyện vọng sản xuất trứng muối tại Hậu Giang”.
Cũng theo ông Long, đây sẽ là một tín hiệu khả quan cho việc tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm ở Hậu Giang. Tuy nhiên, trước mắt vào thời điểm này, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi gia cầm, thủy cầm cần bình tĩnh, cân nhắc yếu tố thị trường trước khi phát triển đàn. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần lưu ý hơn trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh trước diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay, để có kế hoạch thả nuôi gia cầm đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế rủi ro dịch bệnh ngoài mong muốn.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, Hậu Giang hoàn toàn có khả năng thực hiện được việc liên kết các hộ chăn nuôi gia cầm, đồng thời tạo dựng thương hiệu sản phẩm cho địa phương. Nhất là ngành nông nghiệp tỉnh đang quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong vấn đề đó, để từng bước “chuẩn hóa” lĩnh vực chăn nuôi gia cầm theo hướng hiện đại, an toàn dịch bệnh.
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với các chủng vi-rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây lan sang người. Theo đó, tăng cường năng lực ngành thú y, ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra; tổ chức lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi-rút cúm A H5N1, H5N6, H7N9; kiểm soát mua bán, vận chuyển gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm. Đối với các cơ sở, điểm giết mổ gia cầm, sử dụng bảo hộ khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm; khử trùng khu vực giết mổ sau mỗi ca làm việc. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của dịch cúm A H7N9 trong cộng đồng…
Kỳ Anh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.