• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thủ phủ nuôi lợn miền Bắc điêu đứng vì lợn ế ẩm, rẻ như bèo

Nguồn tin: VOV, 01/04/2017
Ngày cập nhật: 3/4/2017

Thị trường thịt lợn ế ẩm, xuất sang Trung Quốc khó khăn, giá lợn xuống thấp khiến nhiều “đại gia” ở thủ phủ nuôi lợn miền Bắc lao đao.

Xã Ngọc Lũ (huyện Bình lục, Hà Nam) đang là “điểm nóng” về tình trạng dân chăn nuôi quy mô lớn, nhưng không tiêu thụ được, lợn ế hàng loạt.

Giá lợn thịt đang ở mức đáy

Giá lợn rẻ chạm đáy, người chăn nuôi lỗ đau

Nhiều hộ dân ở xã Ngọc Lũ – thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc – đang lao đao vì lợn ế, lợn rẻ do thương lái Trung Quốc bỗng dưng ngừng nhập hàng, thị trường ảm đạm. Người chăn nuôi cho biết, giá lợn thịt đang ở mức rẻ nhất trong lịch sử nuôi lợn từ trước đến giờ. Nếu như trước đây giá lợn thịt thấp nhất cũng ở mức 40 nghìn đồng/kg lợn hơi thì đến nay giá lợn giảm đến tận đáy, chỉ từ 28-30 nghìn đồng/kg lợn hơi. Dân nuôi lợn đang phải vật lộn từng ngày với đàn lợn lên đến cả ngàn con/hộ.

Cả xã Ngọc Lũ có khoảng 2.000 hộ dân thì cũng phải có tới 1.500 hộ chăn nuôi lợn. Họ kiếm sống chủ yếu bằng công việc chăn nuôi này. Những năm trước, chăn nuôi thu lợi nhuận cao, người dân đổ xô đầu tư xây dựng chuồng trại.

Chuồng lợn mọc lên như nấm ở xã Ngọc Lũ

Đến nay, nhà nào nuôi ít nhất cũng có trăm con lợn trong chuồng, nhiều thì có đến cả nghìn con.

Một hộ chăn nuôi ở xóm Tân Trung, xã Ngọc Lũ cho biết, họ mua lợn giống từ 42-45kg với mức giá từ 75-78 nghìn đồng/kg lợn hơi. Đến nay, nuôi tầm 5 tháng ,với mức giá như hiện tại người dân sẽ phải lỗ ít nhất từ 2 triệu đồng/đầu con. Chưa kể đến rủi ro khác như lợn ốm, lợn chết thì phải chịu thiệt hại hơn nhiều.

Nghịch lý: Lợn càng to, dân càng lo

Một hộ dân khác ở xóm Bến Đò cho biết thêm, để nuôi được đàn lợn cũng kỳ công vất vả. Hàng ngày họ phải mua cám với ngô về trộn, đổ cho lợn ăn, dọn dẹp chuồng trại... Những hộ chăn nuôi lớn từ 700 – 1.000 con phải thuê thêm người chứ cũng không đủ sức mà làm. Vậy mà nay giá lợn như thế không đủ trả tiền cho người làm, không biết trông cậy vào đâu mà sống.

Nuôi càng nhiều càng “ngốn” nhiều cám, càng nợ nhiều tiền, đại lý cám cũng không có tiền cấp chịu cho họ. Đi vay ngân hàng thì lấy đâu tiền trả lãi, một hộ dân lo lắng.

Hỏi về vấn đề tại sao giá lợn gần đây lại rẻ như vậy, chủ một trang trại lớn ở “thủ phủ” chăn nuôi lợn miền Bắc lý giải: “Dân mình từ trước đến nay nuôi lợn ra chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, chứ trong nước cũng không tiêu thụ được bao nhiêu. Nay Trung Quốc cấm vận, thương lái vận chuyển qua đường tiểu ngạch, biên phòng bắt được thì đem tiêu hủy liền. Cung vượt quá cầu, dân nuôi ra không có người mua, giá rẻ là điều tất yếu, biết kêu ai bây giờ?”

Đại lý bán cám không còn tiền để bao “thượng đế”

Đại lý bán cám mở ra là để cung cấp cám cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, thay vì vui mừng vì bán được nhiều cám thì hiện nay các đại lý bán hàng cũng đang lao đao vì không có tiền bao các “thượng đế”.

Nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ bị phá sản

Thường thì các đại lý bán cám cho người dân mua chịu hàng từ lúc nuôi lợn đến khi xuất chuồng mới thanh toán nợ. Thông thường, sau tầm 3 tháng thì người dân sẽ bán lợn và trả tiền. Đại lý cũng cứ thế xoay vòng vốn. Tuy nhiên đến nay “thượng đế” hỏi mua hàng, thì đại lý lại đau đầu vì không biết lấy tiền đâu mua cám bán cho dân, vì đến 5 - 6 tháng rồi mà người chăn nuôi vẫn chưa bán được lợn để trả tiền. Đến nay nhiều đại lý phải đóng cửa vì không còn tiền để mua cám cung cấp cho dân, không thể thu hồi được vốn.

Một đại lý cho biết, đến nay dân nuôi lợn “lỗ đau”, người bán hàng cũng đang điêu đứng. Họ cũng phải tìm cách để thu hồi số vốn cho dân nợ, tuy nhiên nếu không tiếp tục cung cấp cám cho dân, dân không bán được lợn thì đại lý cũng chưa biết phải tính sao?

Hệ lụy để lại từ việc chăn nuôi ồ ạt

Bên cạnh vấn đề lợn ế, lợn rẻ làm cho dân tình điêu đứng thì ô nhiễm mỗi trường cũng đang trở thành mối lo cho người dân ở thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc. Phân lợn thải ra, mặc dù đã xử lý qua biogas nhưng nước thải ra vẫn đục ngòm. Nông thôn thì không có nơi để xử lý rác thải, nước thải nên người dân phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Gần chục năm trở lại đây, dân xã Ngọc Lũ chủ yếu sống nhờ vào nuôi lợn, nay chăn nuôi thua lỗ, những người trẻ thì tìm cách xin đi làm công nhân để có tiền, tuy nhiên với mức lương 3-4 triệu đồng/ tháng thì số nợ từ chăn nuôi thì cũng không biết bao giờ mới trả hết, chuồng trại “của một đống tiền”thì đang phải để không. Người dân Ngọc Lũ đang có nguy cơ quay lại với cái nghèo./.

CTV Ngọc Loan/VOV.VN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang