Nguồn tin: Nhân Dân, 03/04/2017
Ngày cập nhật:
4/4/2017
Đàn bò sữa nuôi tập trung công nghệ cao.
Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế vùng đất miền tây, những năm qua tỉnh Nghệ An đã xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch tổng đàn bò sữa đến năm 2020 là 60 nghìn con, sản lượng sữa khoảng 500 triệu lít. Đưa Nghệ An trở thành trung tâm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của cả nước.
Ứng dụng công nghệ cao
Với các chính sách hỗ trợ tích cực, chỉ chưa đầy 10 năm, Nghệ An đã trở thành trung tâm nuôi bò sữa lớn thứ hai toàn quốc với hơn 50 nghìn con (chiếm 18,3% đàn bò sữa cả nước) nhờ sự có mặt của các doanh nghiệp lớn ngành sữa, trong đó đáng kể nhất là Công ty CP thực phẩm sữa TH True milk (TH). Từ năm 2009, TH đã đầu tư trang trại nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao (CNC) quy mô công nghiệp lớn nhất châu Á tại huyện Nghĩa Đàn. Tới nay, đàn bò sữa tại đây đã lên tới hơn 46 nghìn con và trang trại còn phát triển quy mô lớn hơn trong tương lai theo quy hoạch tới năm 2020... Bên cạnh đó là trang trại của Vinamilk khoảng 2.500 con và các hộ chăn nuôi vệ tinh khác.
Công tác lai tạo lựa chọn bò sữa giống tốt được đặc biệt quan tâm. Trong nhiều năm liền, các chuyên gia I-xra-en cùng cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã thu thập, phân tích điều kiện thời tiết, khí hậu tại vùng đất Nghệ An để đưa ra phương án nhập giống bò cao sản Niu Di-lân, với các tính năng di truyền vượt trội về năng suất, chất lượng sữa và thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Nghệ An. Theo Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân: Đến nay, các thế hệ bò sữa thứ ba, thứ tư của các trang trại bò sữa tại Nghệ An đã được sinh ra và thích nghi tốt với điều kiện địa phương, năng suất sữa đạt bình quân 8 đến 9 tấn/chu kỳ/năm, cao nhất trong khu vực Đông - Nam Á.
Một đàn bò hữu cơ chăn thả tự nhiên ở huyện Nghĩa Đàn.
Với bước đi mang tính đột phá, Công ty TH chủ động nhập phôi đông lạnh bò sữa cao sản và hợp tác với các chuyên gia Mỹ để ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi phân ly giới tính nhằm tạo ra đàn bò sữa cao sản có năng suất sữa vượt trội 12 đến 13 tấn/chu kỳ/năm, tương đương đàn bò sữa cao sản của thế giới như Mỹ, I-xra-en. Hiện nay, TH là đơn vị chăn nuôi ở Việt Nam làm chủ được công nghệ này, với tỷ lệ đậu phôi cao, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty TH Tal Cohen: Chất lượng sản phẩm sữa còn phụ thuộc vào sức khỏe của bò và công tác bảo quản sữa sau khi vắt. Ở các trại nuôi hàng nghìn con bò không thể giám sát bằng cảm quan, mắt thường đối với sức khỏe từng con. Nhờ ứng dụng CNC, thông qua việc gắn chíp điện tử vào chân từng con bò kết nối với máy tính đã có thể kiểm soát sức khỏe cùng các hoạt động của bò. Đồng thời, hệ thống vắt sữa tự động, gắn các thiết bị hiện đại, biết “từ chối” vắt sữa đối với những con bò có biểu hiện bị bệnh viêm vú trước đó bốn ngày. Sữa lại giữ được tươi, sạch, tinh khiết và hàm lượng dinh dưỡng nguyên vẹn nhờ hệ thống bảo ôn, khép kín, giữ cho quá trình vắt sữa, vận chuyển, bảo quản không để không khí lọt vào...
Dự án ứng dụng CNC vào chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch tập trung, quy mô công nghiệp và sản xuất rau sạch triển khai tại thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn đã góp phần đổi thay nhanh chóng vùng đất miền tây xứ Nghệ đem lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân địa phương. Nay có dịp đi dọc đường Hồ Chí Minh mới thấy vùng đất đỏ ba-dan Nghĩa Đàn “thay da đổi thịt” với những đồng cỏ giống Mỹ hàng trăm héc-ta; ngô, cao lương đỏ bạt ngàn; hoa hướng dương vàng rộm. Những dàn xe, máy thu hoạch liên hoàn hiện đại chẳng khác gì ở Mỹ hay châu Âu. Ấn tượng nhất là khi cánh đồng hướng dương thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn trở thành điểm du lịch thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch mỗi dịp nở hoa. Các hoạt động du lịch, dịch vụ đi kèm ngày càng phát triển nhanh. Chị Phạm Thị Xoan ở xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) chia sẻ: Từ khi gia đình trồng ngô bán cho trang trại nuôi bò, một năm ba vụ, sau khi trừ các loại chi phí mỗi héc-ta thu về hơn 100 triệu đồng. Trước đây, rơm, phụ phẩm từ cây lúa, nông dân thường đốt sau thu hoạch thì nay cũng được doanh nghiệp nuôi bò thu mua với giá cao. Chỉ tính riêng năm 2016, người dân Nghĩa Đàn đã thu về gần 100 tỷ đồng từ bán ngô và rơm cho các trang trại bò sữa...
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết: Chương trình ứng dụng CNC trong chăn nuôi bò sữa mà Nghệ An đang triển khai được xem là chính sách nông nghiệp đúng đắn, có tính quyết định tạo ra bước đột phá của nông nghiệp: dựa trên sự kết hợp giữa các trang trại nông hộ với các trang trại quy mô vừa và lớn để tạo ra vùng hàng hóa với lượng sản phẩm lớn cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; giúp cho người chăn nuôi và xã hội thấy được để mạnh dạn đầu tư thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp hiện đại bền vững.
Cho sản phẩm an toàn
Việc ứng dụng CNC đã mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi và chế biến như: kiểm soát được dịch bệnh; tăng khả năng sinh sản của bò sữa, nhất là tỷ lệ sinh ra bê cái cao; tăng sản lượng sữa tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng... Từ năm 2015, trang trại bò sữa của TH ở Nghệ An đã chuẩn bị các bước triển khai chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò sữa để tiến tới sản xuất sữa tươi organic (hữu cơ) theo tiêu chuẩn châu Âu EC 834-2007, EC 889-2008; tiêu chuẩn Mỹ USDA-NOP tại Việt Nam. Bằng việc thực hiện chuyển đổi những cánh đồng trồng cây thức ăn và cánh đồng chăn thả theo chuẩn organic của châu Âu và Mỹ, như không sử dụng giống cây biến đổi gien, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học..., tới nay TH đã có những cánh đồng hữu cơ rộng hàng nghìn héc-ta tại Nghĩa Đàn.
Tại vùng đất Nghệ An, tháng 9-2016 Công ty TH đã đón chào chú bê hữu cơ đầu tiên. Tháng 10-2016, đại diện Control Union (Hà Lan) đã cấp chứng nhận cho quy trình đồng cỏ đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và Mỹ. Theo chủ trương của doanh nghiệp, TH mong muốn thông qua việc chuyển đổi đàn bò, đồng cỏ theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và Mỹ để sản xuất sữa hữu cơ trên chính đồng đất Việt Nam. Hiện TH đã gây dựng đàn bò sữa hữu cơ nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và Mỹ với quy mô gần một nghìn con, phấn đấu lên ba nghìn con vào cuối năm 2018.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Đình Tuệ, quản lý trại bò hữu cơ cho biết: Đàn bò ở đây được thay đổi môi trường từ nuôi nhốt sang chăn thả ngoài đồng, được ăn các thức ăn hữu cơ và uống nước sạch đầy đủ. Bò được sinh hoạt với quy luật nhóm, đàn ở môi trường tự nhiên và ăn thêm cỏ ngoài đồng để tăng sức đề kháng. Để bảo đảm đồng cỏ không dùng hóa chất, đơn vị phải dùng giống cỏ Mombasa có khả năng chịu nhiệt và kháng bệnh tốt. Chung quanh các trại bò trồng khá nhiều dược liệu như: sả, ngải cứu, sài đất... để điều trị các bệnh mà bò hay mắc phải như viêm vú, viêm phổi, chậm động dục. Bò bị bệnh, trang trại chỉ điều trị theo phác đồ đông y hay châm cứu, tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh. “Tất cả quy trình liên quan đến cuộc sống của bò đều phải bảo đảm hữu cơ 100%, kể cả rơm, bã mía lót nền chuồng cũng phải kiểm tra nghiêm ngặt, bảo đảm không có hóa chất”, anh Tuệ nói.
Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch đánh giá: “Việc doanh nghiệp đầu tư trang trại bò sữa hữu cơ tại Nghệ An, ứng dụng CNC để sản xuất tập trung quy mô lớn, khép kín là rất đúng đắn để có dòng sữa tươi hữu cơ đẳng cấp quốc tế".
Tuy nhiên, để Nghệ An trở thành trung tâm bò sữa tập trung lớn nhất cả nước đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải tích tụ quỹ đất lớn. Tỉnh Nghệ An và các địa phương liên quan đang có kế hoạch bàn giao đủ đất sạch theo quy hoạch như đã cam kết với doanh nghiệp cùng triển khai giải pháp bảo đảm quy hoạch cho vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, tỉnh và các doanh nghiệp cần có chính sách tạo điều kiện cho người dân tham gia vào hệ thống nuôi bò sữa CNC, chẳng hạn như hỗ trợ vay vốn, đào tạo kỹ thuật hay góp đất vào các trang trại nuôi bò sữa tập trung.
Thành Châu
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.