Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 03/04/2017
Ngày cập nhật:
4/4/2017
Anh nông dân trẻ Phạm Văn Hưng (Gia Hiệp, Di Linh, Lâm Đồng) được nhiều người biết đến với mô hình chăn nuôi dê núi đem về doanh thu tiền tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, để có được thành công ấy, anh cũng đã phải “nếm” không ít “trái đắng”.
Anh Hưng cũng mong muốn sẽ có một “sân chơi” để những người nuôi dê có cơ hội cạnh tranh, phát triển trong tương lai. Ảnh: Hồng Thắm
Những ngày đầu lận đận…
“Nói là khởi nghiệp nhưng nếu thất bại là mất trắng, khi từ nhà cửa, đất đai đều đã mang thế chấp ngân hàng, rồi còn vay mượn thêm bạn bè, riêng tiền giống nhập cũng đã gần 2 tỉ đồng. Nhưng qua nghiên cứu và nhận thấy thị trường rất tiềm năng nên bản thân mình và các anh cũng rất có niềm tin vào hướng mở của ngành này”, anh Hưng bắt đầu câu chuyện.
Vốn xuất thân từ canh tác nông nghiệp, anh Hưng và 3 người anh trai cùng chung ý tưởng và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nghiên cứu thị trường, bàn tới bàn lui, cả 4 người thống nhất chọn con dê là hướng đi chính - mà theo anh Hưng nói đùa là con “ăn cỏ uống nước lã”.
Anh Hưng cho hay, thời điểm đó trong thị trường ngành chăn nuôi có số lượng heo, bò, gà chiếm tỉ trọng lớn. Dê là loại vật nuôi còn khá mới mẻ với nhiều người, và đặc biệt là thị trường được đánh giá là còn rộng mở và ít cạnh tranh. “Ngay từ đầu khi đi tham khảo ở một số hệ thống nhà hàng lớn thì mình được biết phần lớn nguyên liệu vẫn phải nhập từ bên ngoài. Thậm chí sau này khi mình đã làm thì một số công ty liên hệ thỏa thuận bao tiêu sản phẩm của mình với số lượng lớn, lên đến cả trăm con dê thương phẩm mỗi ngày. Tại sao mình lại không làm trong khi điều kiện của mình hoàn toàn có thể. Nếu mình tự sản xuất thì chắc chắn giá của mình sẽ thấp hơn nhiều so với nhập khẩu, và khả năng chiếm lĩnh thị trường rất cao”, anh Hưng cho biết thêm.
Tận dụng mối quan hệ cá nhân vì lúc trước đã có thời gian làm việc ở Lào, Campuchia, Thái Lan nên anh đã tìm được đầu mối nhập khẩu giống dê Boer có nguồn gốc ở Úc và Mỹ qua đường trung gian bên Thái Lan, nên con giống vừa đảm bảo, giá thành cũng thấp hơn một số cơ sở trong nước.
Ban đầu, anh đưa về gần 200 con dê giống. Tuy đã có sự chuẩn bị nhưng chưa đánh giá được hết tình hình nên anh đã “nuôi tạm” dê trong chuồng bò của gia đình, hệ quả là hơn 10% trong số đó đã chết, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Anh Hưng chia sẻ rằng khi đó có người đã nản vì nguy cơ phá sản đã cận kề, ngay cả bản thân anh cũng mất ngủ hàng đêm vì chưa biết phải làm sao. Bình tĩnh lại anh quyết tâm đầu tư lại một cách bài bản, từng bước tháo gỡ những khúc mắc.
Sau khi bỏ ra một chi phí khá lớn để mời một số chuyên gia trong ngành về tìm hiểu nguyên nhân thất bại, anh Hưng cho biết còn may mắn khi được truyền đạt thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật chăm sóc và vệ sinh chuồng trại để đảm bảo không có dịch bệnh. Anh tiến hành phương pháp mới, theo dõi, quản lý đàn dê qua hệ thống máy tính hiện đại. Mỗi con dê đều có một mã số, tất cả các thông tin của từng cá thể dê được phân tích và quản lý toàn bộ quy trình chăn nuôi tại trang trại, phân loại nhóm dê, luân chuyển đàn, quản lý sinh sản và phát hiện sớm dịch bệnh…
Hình thành mối liên kết với nông dân
Trong bối cảnh nhiều nông dân vẫn còn cảm giác “ớn” khi dê chết như “sung rụng” vào thời điểm năm 2007 tại Ninh Thuận - vùng đất được mệnh danh là “vương quốc” của loài dê bách thảo tại Việt Nam thì mô hình nuôi dê của anh Hưng được cho là đầu tư mạo hiểm và nhiều người đã đặt ra dấu hỏi lớn về sự thành công.
Tuy nhiên, sau 1 năm thì anh Hưng nhận thấy thị trường đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực. Thấy vậy, nhiều nông dân đã tìm đến và đặt vấn đề mua con giống. Hiện công ty TNHH Dê núi Lâm Đồng của anh có số lượng hơn 1.000 con dê giống và hàng trăm con dê thương phẩm.
Từ tháng 7/2015, công ty đã xuất ra thị trường hơn 1.000 con giống, sớm hơn so với dự định ban đầu gần 1 năm vì nhu cầu của bà con nông dân, không chỉ ở Lâm Đồng mà còn ở một số tỉnh khác.
Có được thành công sau hơn 4 năm “cùng ăn cùng ngủ” với đàn dê, theo dự tính ban đầu của anh thì những năm tiếp theo sẽ tăng đàn dê lên từ 3.000 - 6.000 con. Tuy nhiên, hiện nay, anh chuyển hướng mở rộng đàn bằng hình thức ký hợp đồng cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân. Anh Hưng cũng đặt niềm tin tuyệt đối vào chất lượng con giống của mình: “Hai mối bận tâm lớn nhất của người nuôi dê là kỹ thuật và thị trường. Bên mình cam kết bán dê giống có bảo hành cho bà con, giả sử ai mua dê không sinh sản hay dê sinh trưởng chậm thì có thể mang trả lại. Đồng thời khi bán giống, công ty luôn cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn cách chăm sóc, làm chuồng trại, trồng cỏ và sẽ thu mua lại sản phẩm cho bà con. Với số một địa chỉ đủ độ tin cậy, mình sẵn sàng cho thiếu 50% giá trị hợp đồng”.
Hiện tại, anh Hưng đang khởi động dự án xây dựng nhà hàng dê núi mà theo anh đó là cách tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời cung cấp cho khách hàng nguồn thực phẩm chất lượng với giá thành phải chăng.
Lâm Đồng là 1 trong 4 cụm trên cả nước tổ chức Giao lưu điển hình tiên tiến Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 2017, diễn ra vào chiều ngày 3/4 tại Trung tâm Hành chính tỉnh. Tham dự gồm có đại diện của 18 tỉnh, thành, các đơn vị và 5 tấm gương điển hình tiên tiến. Anh nông dân 8X Phạm Văn Hưng là đại diện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được Ban Tuyên giáo Trung ương chọn tham gia giao lưu lần này.
Hồng Thắm
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.