• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thu nhập ổn định từ nuôi động vật hoang dã

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 04/04/2017
Ngày cập nhật: 5/4/2017

Hiện nay, ngoài việc làm thú vui tiêu khiển thì động vật hoang dã được nhiều nông hộ nuôi với mục đích phát triển kinh tế gia đình, trong đó có nhiều hộ dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang mạnh dạn thực hiện và bước đầu mang lại thu nhập ổn định.

Ông Dũng đang thành công với mô hình nuôi cầy vòi hương.

Hơn 10 năm nay, ông Lê Quốc Dũng, ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp chọn cầy vòi hương để phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Dũng, ngoài việc mua cặp con giống ban đầu 7 triệu đồng thì nuôi cầy vòi hương không tốn nhiều chi phí đầu tư sau này. Bởi thức ăn của loài động vật này đa phần là chuối chín, rau, củ hay cá tạp. Những loại nông sản này không cần tốn tiền mua, chỉ cần bỏ công để tìm. Từ nguồn giống ban đầu, sau một năm thả nuôi, cầy vòi hương sẽ cho sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa có khoảng 4-6 con. Hiện nay, với diện tích chuồng khoảng 40m2, ông Dũng nhân rộng đàn lên 15 con cầy vòi hương bố mẹ. Mỗi năm, ông xuất bán khoảng 20 con giống và thương phẩm.

Với giá con giống khoảng 5 triệu đồng/cặp, còn bán thịt dao động từ 900.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/kg (tùy loại), mang về thu nhập cho gia đình ông hơn 50 triệu đồng/năm. Ông Dũng chia sẻ: “Gia đình tôi đến với nghề nuôi cầy vòi hương như một dịp tình cờ. Ban đầu chỉ mua 1 cặp về nuôi để làm kiểng, nhưng sau đó sinh sản được vài con. Nhận thấy giá trị của loài động vật hoang dã này trên thị trường khá cao nên tôi mới để giống, nhân đàn lên theo từng năm. Đáng nói là nuôi cầy vòi hương không khó, đôi khi chỉ gặp một số loại bệnh thông thường ngoài da, nếu có kinh nghiệm xử lý thì đàn phát triển rất tốt”.

Nếu ông Lê Quốc Dũng chọn cầy vòi hương để phát triển kinh tế thì ông Nguyễn Văn Bé cũng cải thiện được thu nhập đáng kể từ việc nuôi ba ba giống. Trong 4 năm trở lại đây, ông Bé cải tạo vườn tạp, đào ao rộng khoảng 80m2 thả nuôi hơn 500 con ba ba bố mẹ. Sau 1 năm, ba ba bắt đầu sinh sản, mỗi tuần ông xuất bán khoảng 400-600 con giống. Nhất là được thương lái đến tận ao thu mua với giá 2.800 đồng/con (loại mới nở), trừ chi phí đầu tư, ông Bé có lợi nhuận hơn 4 triệu đồng/tháng. Nhờ có nguồn thu nhập này, gia đình ông thoải mái hơn trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Do đó, ông Bé dự tính trong năm tới sẽ mở rộng quy mô nuôi. Vì hiện nay, người dân trong tỉnh nói chung, Phụng Hiệp nói riêng đã bắt đầu quay lại với nghề nuôi ba ba, kéo theo nguồn con giống sẽ hút hàng. “Năm tới, gia đình tôi dự kiến sẽ đào thêm ao để ương ba ba giống đủ kích cỡ, đảm bảo cung cấp kịp thời cho nhu cầu thị trường. Bởi gia đình nhận thấy thời gian qua, người nuôi ba ba ưa chuộng con giống loại lớn, từ 3-5cm là phổ biến. Ba ba ở kích cỡ này chỉ cần nuôi 2 tháng sẽ đạt, trong khi giá bán cao hơn ba ba mới nở từ 700-1.000 đồng/con”, ông Bé cho hay.

Ông Trần Thanh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, cho biết: Nghề nuôi động vật hoang dã đang phát triển mạnh ở Phụng Hiệp trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là do giá trị những loài vật nuôi này khá cao, kinh tế mang lại ổn định, phù hợp với những hộ ít đất sản xuất. Chưa kể, một yếu tố khá quan trọng trong việc nuôi động vật hoang dã là rất nhẹ công chăm sóc. Cho nên, người dân có thể vừa thực hiện các mô hình khác, vừa nuôi động vật hoang dã mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, với những hộ có nhu cầu nuôi thì ngành cũng khuyến khích nhưng phải khai báo để ngành chức năng quản lý.

Có thể nói, áp dụng mô hình nuôi động vật hoang dã đã và đang mang lại hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, cũng cần có giải pháp thích hợp để đảm bảo phát triển bền vững các mô này trong tương lai, góp phần đa dạng hóa vật nuôi, cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, số hộ nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có xu hướng tăng dần, bình quân mỗi năm tăng từ 20 - 30 hộ. Theo thống kê từ Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, toàn huyện hiện có hơn 130 cơ sở nuôi, với tổng số trên 208.000 cá thể, thuộc 18 loài động vật hoang dã. Trong đó, ba ba, cua đinh, trăn đất chiếm khoảng 80% số lượng đàn. Tùy theo quy mô từng mô hình chăn nuôi mà giúp cải thiện thu nhập bình quân từ 70 - 200 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Thanh Duy - Ngọc Anh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang