Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 04/04/2017
Ngày cập nhật:
6/4/2017
Chăn nuôi vịt là một nghề có từ lâu đời của người nông dân Vĩnh Long. Con vịt dễ nuôi, nhất là đối với người dân nghèo bởi không cần nhiều vốn, không cần đầu tư phức tạp, người nông dân vẫn có thể chăn nuôi được những đàn vịt theo mùa vụ lúa.
Nghề chăn nuôi vịt tại Vĩnh Long chủ yếu là quảng canh, bán thâm canh. Nuôi thâm canh công nghiệp quy mô lớn đầu tư hiện đại chưa phát triển, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực đầu tư và giá thành sản phẩm còn cao.
Phương thức chăn nuôi vịt tương đối đa dạng, từ chăn nuôi truyền thống chạy đồng cho đến nuôi nhốt thâm canh, từ nuôi chuyên vịt đến nuôi kết hợp như vịt- cá, vịt – cá – lúa, vịt – vườn cây… Nuôi quy mô nhỏ lẻ từ vài chục, vài trăm đến hàng ngàn con. Người chăn nuôi có thể lựa chọn phương thức chăn nuôi phù hợp với điều kiện chăn nuôi của mình nhưng cũng chính vì vậy lại là thách thức cho việc kiểm soát an toàn dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, có nhiều vùng lúa trong tỉnh trồng 3 vụ mỗi năm. Khi lúa chín người dân thường tháo khô đồng ruộng để thuận lợi cho việc thu hoạch bằng máy nên đồng khô, lúa rơi vãi, hao hụt ít, các vụ lúa quay vòng liên tục đã làm cho vịt ít có cơ hội tìm kiếm thức ăn. Từ thực tế này nên nuôi vịt chạy đồng không còn thuận lợi, thời gian chạy đồng ngắn,. Sau thời gian chạt đồng, bà con nông dân lại nuôi nhốt, đầu tư thức ăn công nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại các hộ chăn nuôi vịt.
Chăn nuôi vịt vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm. Thực tế cho thấy, năm 2013, toàn tỉnh phát hiện 6 ổ dịch cúm H5N1, năm 2014 đã xảy ra 12 ổ dịch (12 hộ dân), năm 2015 đã xảy ra 12 ổ dịch trên địa bàn 8 xã của 5 huyện với số lượng 7.757 con mắc bệnh ( gà 4.602 con, vịt 3.155 con) tiêu hủy 7.757 con gia cầm.
Trước thực trạng trên, để phát triển chăn nuôi vịt an toàn và bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nghề nuôi vịt cần thiết phải chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi cổ truyền (nuôi chạy đồng, thả theo sông rạch) sang hướng chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp có kiểm soát (an toàn sinh học).
Năm 2014, Sở Nông nghiệp&PTNT Vĩnh Long đã giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt chuyên trứng an toàn sinh học giai đoạn 2014-2015”. Dự án đầu tư 15.600 con vịt Triết Giang cho 39 hộ chăn nuôi vịt đẻ thuộc 5 xã. Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, dự án đã hướng dẫn nông dân thiết kế mô hình nuôi chuyên vịt, vịt - cá, vịt – cá - lúa khép kín theo điều kiện cụ thể của từng hộ. Phương thức nuôi nhốt hoàn toàn, nuôi nhốt kết hợp thả ao, ruộng lúa và cho ăn thức ăn công nghiệp, hoàn toàn không cho chạy đồng. Chuồng nuôi được dùng BalasaN01 để làm đệm lót sinh học nên trong suốt quá trình nuôi, khu vực nuôi không có mùi hôi, không có ruồi nhặng, chuồng vịt luôn khô ráo đảm bảo môi trường nuôi luôn được hợp vệ sinh, không ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Hiệu quả của mô hình cho lợi nhuận trung bình từ 35 - 40 triệu đồng/mô hình (hộ).
Bà con nông dân 5 xã khi tham gia mô hình đã thành lập 5 tổ chăn nuôi vịt đẻ. Trong thời gian nuôi bà con thường họp mặt hàng tháng để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi. Có 2 tổ nông dân đã cùng nhau ký hợp đồng mua thức ăn của đại lý lớn hoặc của công ty nhằm giảm chi phí thức ăn. Việc thành lập tổ chăn nuôi sẽ dần dần hình thành ý thức liên kết nhau trong sản xuất tạo tiền đề hướng tới liên kết trong tiêu thụ sản phẩm trong những năm tiếp theo.
Từ kết quả đạt được, Sở NN & PTNT tiếp tục giao cho Trung tâm Khuyến nông thực hiện dư án “Hỗ trợ nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt chuyên trứng theo hướng an toàn sinh học qui mô nông hộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 – 2017” với tổng quy mô 16.400 con vịt chuyên trứng. Năm 2016, dự án đã chuyển giao 8.000 con vịt Triết giang cho 40 hộ nông dân 5 xã trong tỉnh. Tính đến nay vịt phát triển tốt đang trong giai đoạn nuôi hậu bị với mô hình chuyên vịt, vịt – cá, vịt- cá- lúa khép kín. Năm 2017 dự án sẽ tiếp tục chuyển giao 8.400 con vịt chuyên trứng cho bà con nông dân.
Sở NN&PTNT còn giao cho Trung tâm Khuyến nông thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt siêu thịt quy mô nông hộ theo hướng an toàn sinh học giai đoạn 2015-2017” với tổng qui mô là 37.600 con. Trong 2 năm 2015 và 2016, dự án đã chuyển giao 21.200 con vịt siêt thịt cho 106 hộ dân thuộc 11 xã của 7 huyện. Dự án chuyển giao cho bà con nông dân phương thức nuôi nhốt hoàn toàn áp dụng đệm lót sinh học để xử lý phân vịt, giải quyết ô nhiễm môi trường và quản lý kiểm soát dịch bệnh. Kết quả 70 ngày tuổi (10 tuần) trọng lượng bình quân đạt 2,7-3,1 kg/con (vượt so với chỉ tiêu 90 ngày đạt 2,8-3,0 kg/con). Môi trường nuôi đảm bảo sạch sẽ, khô ráo không có mùi hôi, không có ruồi nhặng. Năm 2017 dự án sẽ tiếp tục chuyển giao 16.400 con vịt siêu thịt cho nông dân.
Mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt ATSH Xã Tân Long, huyện Mang Thít
Nhằm từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân hàng năm Trung tâm Khuyến nông còn tổ chức nhiều cuộc tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi vịt an toàn sinh học. Trong các kỳ hoạt động tư vấn của các Điểm Tư vấn Khuyến nông chủ đề về chăn nuôi vịt an toàn sinh học cũng được nông dân luôn quan tâm. Tại các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn về thâm canh tổ hợp VAC cũng đưa kỹ thuật chăn nuôi vịt an toàn sinh học vào giáo trình, bài giảng. Qua đó đã giúp người nông dân nâng cao nhận thức để phát triển chăn nuôi vịt an toàn và bền vững.
Đối với nông dân nuôi vịt chạy đồng, tại các lớp tập huấn, Trung tâm cũng tuyên truyền cho nông dân nhận thức được những rủi ro đang đe dọa, những đường truyền lây dịch bệnh và vấn đề ô nhiễm nguồn nước, môi trường, từ đó khuyến khích nông dân tìm biện pháp khắc phục nhằm hạn chế thấp nhất những nguy cơ lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường như: Tiêm ngừa đầy đủ các loại vacxin; Độc quyền đồng và cho vịt ăn trong khu vực đồng mình quản lý theo cách cuốn chiếu; Phương tiện vận chuyển vịt khi cần dời đồng phải được tiêu độc, sát trùng; Không vứt xác vịt chết bừa bãi ra sông rạch, đồng ruộng; Không bán tháo vịt khi bị bệnh và báo cho cán bộ thú y địa phương nếu thấy dấu hiệu bị bệnh bất thường trên đàn vịt….
Chăn nuôi vịt tại tỉnh Vĩnh Long vẫn là lĩnh vực cần ưu tiên phát triển. Nhưng để phát triển chăn nuôi vịt an toàn và bền vững việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng công nghiệp trang trại, chăn nuôi có kiểm soát (an toàn sinh học) cần được quan tâm, khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa. Có như vậy mới giúp tăng năng suất chăn nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện thành công đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014 – 2020”.
Vũ Thị Minh Phương - Sở nông nghiệp & PTNT Vĩnh Long
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.