• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Đẩy nhanh công tác tiêm phòng vắc-xin vụ xuân

Nguồn tin: Báo Nam Định, 08/04/2017
Ngày cập nhật: 10/4/2017

Thời tiết vụ xuân năm nay thường xuyên thay đổi đột ngột, mưa ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, dịch tả lợn, bệnh chó dại… phát sinh, lây lan. Do vậy, tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm được tỉnh Nam Định xác định là một trong những biện pháp chủ lực, quan trọng hàng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Để triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, UBND tỉnh cấp kinh phí mua vắc-xin dịch tả tiêm phòng cho đàn lợn và vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã nhập 370 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn; 30 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng tuýp O gia súc; 45 nghìn liều vắc-xin dại và cung ứng kịp thời đảm bảo số lượng, chất lượng cho các địa phương triển khai tiêm phòng. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng đối tượng phải tiêm phòng bắt buộc và chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức triển khai tiêm phòng nhằm đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, đồng loạt để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin. Các xã, thị trấn giao trưởng thôn, xóm chịu trách nhiệm thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi của thôn, xóm, báo cáo tình hình tại cuộc họp giao ban tuần, tháng của xã và báo cáo đột xuất khi dịch xảy ra. Một số địa phương thực hiện nhanh, gọn và đạt kết quả cao. Xã Nam Tiến (Nam Trực) có 1.400 con lợn, 125 con trâu, bò, dê, 700 con chó và 11 nghìn con gia cầm. Đồng chí Vũ Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để chăn nuôi phát triển, xã Nam Tiến luôn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những hộ chăn nuôi; quan tâm và có cơ chế hỗ trợ đối với công tác thú y; đây cũng là lý do trong nhiều năm qua Nam Tiến luôn là đơn vị đạt tỷ lệ tiêm phòng cao của huyện Nam Trực, không để xảy ra tình trạng bùng phát, lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đến thời điểm này, xã Nam Tiến đã hoàn thành 100% kế hoạch tiêm phòng vắc-xin vụ xuân cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài các loại vắc-xin được tỉnh hỗ trợ, nhiều trang trại, gia trại đã chủ động mua vắc-xin khác về tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Tại huyện Trực Ninh, từ đầu năm đến nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã mua 15.065 liều vắc-xin các loại, trong đó: Niu-cát-sơn 4.300 liều, dịch tả vịt 7.000 liều, dịch tả lợn 2.175 liều, tụ huyết trùng lợn 1.590 liều... để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Tiêm phòng vắc-xin vụ xuân cho lợn tại xã Trực Đạo (Trực Ninh).

Tuy nhiên do điều kiện thời tiết trong tháng 3 không thuận lợi, mưa rét kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến công tác tiêm phòng. Đến ngày 27-3-2017 (thời điểm gần kết thúc đợt tiêm chính vụ) tiến độ tiêm vắc-xin còn chậm so với kế hoạch. Toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin dịch tả được 330.948 con lợn, đạt 90,7% kế hoạch. Thời tiết là nguyên nhân khách quan, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là do nhận thức của người chăn nuôi mặc dù đã được cải thiện nhưng còn rất hạn chế, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, chưa nhận thức rõ tác dụng của việc tiêm phòng vắc-xin. Thậm chí, một số hộ dân còn nhận thức không đúng, cho rằng việc tiêm phòng ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng, phát triển, sinh sản của đàn vật nuôi nên không tiêm, không thống kê đủ số lượng gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng. Đơn cử như vắc-xin lở mồm long móng, nhiều người chăn nuôi cho rằng khi trâu, bò tiêm vào sẽ bị xảy thai, còi cọc… Do vậy, mặc dù vắc-xin lở mồm long móng được tỉnh hỗ trợ nhưng đến nay, tỷ lệ tiêm cho đàn trâu, bò, dê mới chỉ đạt 81% so với kế hoạch. Hiện nay, bệnh dại trên đàn chó đang có nguy cơ quay trở lại (năm 2014 xảy ra trường hợp chó cắn chết người ở xã Trực Cường, huyện Trực Ninh) nhưng tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại rất thấp, mới chỉ đạt 18,59% kế hoạch (riêng huyện Nghĩa Hưng vẫn chưa tiêm vắc-xin dại cho đàn chó), mặc dù tỉnh giao chỉ tiêu chỉ có 130 nghìn con trên tổng đàn hơn 300 nghìn con. Nhiều hộ dân không hợp tác việc tiêm phòng, lấy lý do là chó sắp giết, chửa đẻ… nên rất khó triển khai tiêm. Không chỉ trong vụ xuân năm nay mà thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, những địa phương quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ kinh phí cho lực lượng đi tiêm sẽ đạt kết quả tốt. Còn ở những địa phương chính quyền không có giải pháp chỉ đạo thực hiện, không bố trí kinh phí hỗ trợ cho lực lượng đi tiêm mà giao cho trưởng thú y tự xoay sở thì tỷ lệ tiêm sẽ thấp. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, quản lý mạng lưới thú y cơ sở còn nhiều bất cập, phụ cấp cho thú y cơ sở thấp. Nhiều trưởng thú y xã trên 60 tuổi, trình độ chuyên môn yếu, kỹ năng tuyên truyền, vận động hạn chế; nhiều địa phương không có thú y viên… Đồng chí Ninh Văn Quán, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ý Yên cho biết: Hiện nay ở Ý Yên, số trưởng thú y xã có độ tuổi trên 60 chiếm 1/3. Tại xã Yên Hưng, trưởng thú y xã mới nghỉ nhưng UBND xã chưa tìm được người thay thế. Hầu hết các xã chỉ có trưởng thú y là có phụ cấp, còn thú y viên không có chế độ gì nên không có sự ràng buộc, nhiều xã không có thú y viên. Không chỉ yếu kém trong mạng lưới thú y cơ sở, nhiều hộ chăn nuôi ý thức cũng rất kém. Trong vòng 5 năm trở lại đây, có tới 8-10 xã phía nam huyện Ý Yên không tiêm vắc-xin dại cho chó(?!).

Cũng trong thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiếp nhận 1,5 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm (tương đương với tiêm cho 750 nghìn con gia cầm) do Trung ương hỗ trợ để tiêm phòng chống dịch cúm gia cầm và phân bổ cho các xã triển khai tiêm chống dịch. Ưu tiên cấp cho các xã xảy ra dịch, có các ổ dịch cũ, xã trọng điểm có đàn gia cầm lớn, có chợ buôn bán, giết mổ gia cầm… Đến ngày 27-3-2017, toàn tỉnh đã tiêm được 701.414 con, trong đó vịt, ngan 601.581 con và gà 99.833 con. Tại những vùng có dịch đã tiêm xong cho đàn gia cầm, tuy nhiên ở những vùng nguy cơ cao tiến độ tiêm còn chậm, vẫn còn gần 50 nghìn con gia cầm chưa được tiêm. Đợt dịch cúm gia cầm vừa qua trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy nhiều hộ chăn nuôi rất chủ quan, không tiêm phòng vắc-xin mặc dù giá mỗi liều vắc-xin cúm gia cầm chỉ 400 đồng. Kể cả khi trên địa bàn xã xảy ra dịch, một số hộ nuôi vịt đẻ vẫn cố tình không tiêm với lý do khi vịt bị dồn bắt để tiêm sẽ dẫn đến giảm tỷ lệ đẻ 20% trong vòng 1-3 ngày. Đây cũng là bài học đắt giá đối với hộ ông Nguyễn Văn Lai, xóm 6, xã Trực Thuận (Trực Ninh). Khi trên địa bàn xã xảy ra dịch cúm gia cầm, gia đình ông Lai đã cố tình không tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho đàn vịt đẻ nhà mình. Hậu quả dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra trên đàn vịt đẻ 13 tháng tuổi khiến ông phải tiêu hủy 950 con, lỗ hơn 100 triệu đồng, một thiệt hại rất lớn nếu so với chi phí đầu tư tiêm và giá trị của sản lượng trứng giảm vài ngày sau tiêm. Khi dịch bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn, ô nhiễm môi trường, nếu xảy ra trên người hậu quả sẽ khôn lường… Để khôi phục đàn, người chăn nuôi sẽ mất thời gian rất lâu.

Để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ tiêm phòng vắc-xin vụ xuân Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các địa phương đã hoàn thành công tác tiêm rà soát kết quả, tiếp tục tiêm bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh và những con chưa được tiêm phòng trong đợt chính vụ. Các địa phương còn lại đẩy nhanh tiến độ tiêm để đảm bảo đúng kế hoạch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi và bảo vệ cho sức khỏe nhân dân./.

Ngọc Ánh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang