Nguồn tin: Báo Hòa Bình, 07/04/2017
Ngày cập nhật:
12/4/2017
Xây dựng các mô hình hỗ trợ theo hình thức nhóm hộ nhằm cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện phát triển các mô hình kinh tế cần sự đầu tư lớn như: nuôi dê sinh sản, bò lai Sind, gà thương phẩm… đó là cách làm mà một số xã đang thực hiện. Các nhóm hộ nuôi dê thương phẩm ở các xóm, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Yên Thủy (Hòa Bình) là ví dụ điển hình về cách giảm nghèo bền vững.
Với lợi thế về diện tích đồi, núi lại có nhân công, năm 2013, 14 hộ nghèo và hộ cận nghèo ở xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lương (Yên Thủy) đã được Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 của huyện hỗ trợ 28 con dê giống phát triển chăn nuôi dê sinh sản. Để tiện cho việc chăm sóc và chăn nuôi đàn dê, các hộ đã thành lập 4 nhóm hộ cùng sở thích. Mỗi nhóm làm 1 chuồng nuôi nhốt, các gia đình thay phiên nhau chăm sóc và chăn thả đàn dê. Việc thành lập nhóm cùng sở thích giúp các hộ trong nhóm có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi. Hộ có đất sẽ xây dựng chuồng trại, hộ có nhân công chăm sóc đàn dê và đặc biệt khi có dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm các hộ trong nhóm sẽ cùng nhau tìm ra phương pháp phòng - chống dịch bệnh. Nhờ cách làm này mà đàn dê của các nhóm hộ ở xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lương phát triển tốt, nhiều năm nay không bị dịch bệnh xảy ra. Năm 2015, các nhóm hộ đã có dê thương phẩm xuất bán.
Đàn dê thương phẩm của nhóm hộ nghèo ở xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lương (Yên Thủy) phát triển tốt, mang lại cơ hội giảm nghèo cho người dân.
Bà Bùi Thị Mẻo, trưởng nhóm hộ nuôi dê tại xóm Quyết Thắng cho biết: Năm 2015, 2016, nhóm đã bán được 1,2 tấn dê thương phẩm. Mỗi hộ trong nhóm được 10,2 triệu đồng, trong 14 hộ đã có 3 hộ thoát được nghèo.
Cũng là 1 trong 6 xã đặc biệt khó khăn nằm trong Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 của huyện Yên Thủy, xã Đa Phúc cũng được huyện lựa chọn triển khai tiểu dự án nuôi dê thương phẩm thuộc nguồn vốn giảm nghèo giai đoạn 2. Theo đó, 17 hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc 3 nhóm cùng sở thích của xóm Heo được hỗ trợ 34 con dê giống, tương đương với 6 triệu đồng/hộ. Còn lại các hộ dân đóng góp 20% chi phí làm chuồng trại, thức ăn và chi phí đảm bảo môi trường xung quanh khu vực chuồng trại. Hiện đàn dê của các nhóm hộ xã Đa Phúc đã phát triển lên 46 con, nâng số đàn dê thương phẩm của xã lên trên 400 con, cung cấp nguồn thực phẩm cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đối việc nắm bắt kỹ thuật chăm sóc đàn dê, anh Bùi Văn Sân, xóm Heo, xã Đa Phúc chia sẻ: Nhóm sau khi thành lập giao cho 1 tổ có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu thông tin nuôi dê trên các phương tiện thông tin đại chúng để truyền đạt cho các hộ dân trong nhóm cùng biết và thực hiện. Do đó, đàn dê của nhóm phát triển tốt.
Với lợi thế về đồi, núi, huyện Yên Thủy phát triển mạnh đàn dê thương phẩm. Trong đó, dựa trên nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, Dự án giảm nghèo giai đoạn 2, huyện đã hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số để các hộ dân phát triển chăn nuôi, cải thiện mức thu nhập. Đến nay, đàn dê của huyện lên gần 8.000 con, chiếm 26% đàn dê toàn tỉnh.
Theo đồng chí Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy: Trong thời gian tới, dựa trên nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của các nhóm hộ, huyện chỉ đạo BQL Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 của huyện thực hiện liên kết đối tác sản xuất nuôi dê Bách Thảo. Kế hoạch đã được phê duyệt trên 1.000 con với tổng số tiền gần 7,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Ngân hàng thế giới hỗ trợ gần 5 tỷ đồng, còn lại vốn do nhân dân đóng góp, vốn đối tác và vốn đối ứng của địa phương. Đồng thời huyện chỉ đạo các xã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho người nông dân.
Chương trình hỗ trợ, liên kết sản xuất theo hình thức nhóm hộ có ý nghĩa quan trọng đối với cải thiện đời sống người dân, nhất là các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy. Nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được thụ hưởng nguồn hỗ trợ của Nhà nước có thể triển khai mô hình nuôi dê, gà thương phẩm, nuôi bò lai Sind... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng mức thu nhập bình quân của huyện lên 28,9 triệu đồng/người/năm/ 2017.
Hồng Len (đài PT&TH tỉnh)
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.