• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mùa ong đợi mật

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 09/01/2017
Ngày cập nhật: 11/1/2017

Trên vùng cao Lào Cai, khi gió mùa đông bắc tràn về mang theo cái rét tái tê, rồi đài báo đợt rét sắp hết, nắng sẽ hửng lên, đó là lúc những người làm nghề nuôi ong khấp khởi. Mùa bắt ong soi (hánh ong) đã tới với những câu chuyện về sự công phu của nghề nuôi ong, du mục theo mùa hoa, nhưng bắt ong rừng lại là câu khác. Theo chân những người thợ đi hánh ong rừng, tôi được biết thêm nhiều câu chuyện thú vị.

Bí quyết hánh ong rừng

Năm nay trời rét muộn hơn, đến tháng 11 âm lịch mới có những đợt rét sâu.Sau những ngày u ám và rét tái tê, cuối tuần nắng bỗng hửng lên màu vàng như mật ong. Anh Quang, nhà ở thị trấn Bát Xát lục tục chuẩn bị đồ nghề cho chuyến hánh ong rừng. Gọi là đồ nghề, nhưng đó đơn giản là một đõ ong đục bằng thân cây mít, hình trụ tròn, đường kính khoảng 40 cm, ngoài ra còn có cây vợt làm bằng vải xô mỏng, cái mũ vải có rèm che và bộ quần áo lao động. Đeo đõ ong ra sau lưng, anh Quang bảo tôi: “Ong rừng không chịu được cái lạnh mùa đông, nên thường bay đi tránh rét ở những bản làng vùng cao, hay ngoại ô thị trấn, thành phố, nơi có nhiều vườn cây ăn quả, cây rừng để tìm chỗ xây tổ”.

Nghề nuôi ong mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân.

Tôi theo chân anh Quang ngược dốc lên xã Phìn Ngan, nơi được rất nhiều thợ ong tìm tới. Là người say mê nuôi ong mật, quanh nhà luôn có gần hai chục đàn ong, năm nào anh Quang cũng tới các thôn vùng cao của xã Quang Kim, Phìn Ngan để tìm bắt ong rừng. Chúng tôi dừng chân ở một lán nhỏ ven rừng. Anh Quang treo đõ ong mồi lên một gốc cây to xù xì rồi chia sẻ: “Mỗi đàn ong trên núi thường cử các chú ong trinh sát, còn gọi là ong soi để tìm chỗ thích hợp làm tổ. Đó thường là các gốc cây to đơn lẻ có nhiều hốc hay cột điện, hoặc tường vách những ngôi nhà gỗ, hòm thóc, tủ quần áo… Chỉ cần đặt đõ mồi ở đó để “bẫy” ong, ong sẽ tự về, hoặc có thời gian thì đi bắt ong soi cho vào đõ mồi đợi đàn ong bay về”.

Trong khi anh Quang cầm vợt đi tìm ong soi, tôi cũng mày mò dạo quanh lán và phát hiện một chú ong mật đang bay ngay sát chân cột. Tôi gọi anh Quang mang vợt tới nhưng thợ ong vừa nhìn thấy đã cười: “Con này là ong “chết rét” thôi, ong trinh sát thường phát ra âm thanh vo ve lớn hơn ong thường, khi bay, chúng soi rất kỹ từng ngóc ngách, đôi chân thứ 3 bao giờ cũng buông thõng xuống, phải nhìn kỹ mới thấy”… Đúng là nghề gì cũng có những bí quyết riêng, không đơn giản chút nào.

Phải đợi đến trưa, anh Quang mới bắt được một chú ong soi thả vào đõ mồi, nhử nó hồi lâu mới thả ra, chú ong bay vút đi mất hút về phía rừng cây. Chúng tôi đợi khoảng 15 phút sau, thấy một con, hai con, rồi cả một bầy ong bay về tổ. Tôi cứ nghĩ đàn ong đã về, nhưng đó mới là bầy ong “cán bộ” được cử tới để khảo sát thông tin của ong trinh sát trước khi báo cáo ong chúa để cả đàn ong bay về. Cái đõ mồi của anh Quang tỏ ra rất hiệu quả, vì khoảng nửa tiếng sau, hàng vạn con ong từ đỉnh núi đã bay xuống, chúng chui dần vào trong đõ. Anh Quang bảo: “Có hôm may mắn bắt được ba đàn, có hôm ong về đông lắm rồi lại bay đi, nhìn mà tiếc “đứt ruột”. Đi hánh ong ngoài kinh nghiệm cũng còn do may rủi, hánh ong dễ thành đam mê, không thể bỏ được. Mỗi năm, những đàn ong cho mình cả trăm lít mật. Mật chuẩn hoa rừng, cứ 300.000 đồng/lít, nhiều người đặt hàng trước còn không đủ để bán”.

Xuyên rừng săn ong mật

Một lần đến xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tôi đã được thưởng thức chén trà với những giọt mật ong sóng sánh vừa vắt từ bánh sáp, nhỏ từng giọt vào ấm trà, giúp trà thơm đậm đà hương vị núi rừng. Thầy giáo già đã nghỉ hưu Phạm Huy Cảm và cựu chiến binh Trần Văn Sơn là những người lão luyện trong nghề nuôi ong mật ở Tả Phời “bật mí” rằng ở bản Mông trên đỉnh Phìn Hồ Thầu, nơi cao nhất Tả Phời, có những người thợ chuyên xuyên rừng xanh, núi đỏ mưu sinh bằng nghề bắt ong rừng.

Chúng tôi lại ngược dốc lên thôn Phìn Hồ Thầu, nơi có 36 hộ dân là đồng bào Mông từ một số xã vùng cao của huyện Sa Pa tới đây định cư từ lâu. Ở đây, những thanh niên người Mông lập thành từng nhóm đi săn ong rừng, trong đó có những thợ săn ong giỏi, như Giàng A Minh, Hạng A Chểnh, Má A Nủ, Má A Trống, Giàng A Lềnh, Giàng A Ơ, Hạng A Sèo... Cùng với bắt ong soi, họ còn luồn sâu vào rừng để bắt những tổ ong mật trong hốc cây, trên vách đá, khe đất.

Để có những tổ ong mật, người nuôi ong phải mua của thợ ong hoặc đi hánh ong rừng.

Thợ săn ong Giàng A Minh, năm trước bắt được hơn 20 tổ ong mật, xòe bàn tay chai sạn đầy vết nhựa cây rừng và vết sứt sẹo vì leo rừng, trèo núi, anh chia sẻ: “Săn ong trong rừng vất vả lắm vì thường làm tổ trên các hang đá, vách đá cao, hoặc trong những hốc cây cổ thụ, trong khe đất. Tìm được tổ ong rồi một mình cũng không bắt nổi”.Hôm ấy, các thợ ong phát hiện được một tổ ong mật trong lòng đất ở khu vực sạt lở ngay bên đường. Đây là tổ ong dễ nhất mà họ tìm được, đường lên cũng gần, vậy mà tôi theo chân những thợ săn ong leo dốc muốn “đứt hơi”.

Xác định đúng miệng tổ ong theo đường các chú ong thợ bay ra, bay vào, những người thợ dùng cuốc, thuổng đào sâu vào lòng đất. Chỉ một lát sau, tổ ong đã hiện ra với những bánh sáp đầy mật.Muốn bắt được cả đàn ong, thì công việc khó nhất là bới tìm ong chúa đang trốn giữa bầy ong hàng vạn con trong tổ để cho vào đõ ong. Nhìn thợ săn ong Hạng A Chểnh dùng khói xua ong và hai ngón tay nhẹ nhàng bới tìm ong chúa, tôi tò mò muốn vào xem, nhưng sợ dựng tóc gáy, cứ đứng bất động như tượng. Lúc này hoàng hôn đang xuống, mùi ong hăng hắc lẫn với mùi mật ong quyện quánh sương chiều. Xung quanh chúng tôi có hàng trăm con ong vây quanh, chúng đang tức tối vì bị kẻ lạ đến phá tổ. A Chểnh đã kịp bắt được ong chúa trước khi trời tối, thêm một chiến công cho chàng trai bản.

Ngồi trên sườn núi thưởng thức bánh mật ong vàng ruộm cho lại sức, những người thợ săn ong nghĩ tới khoản tiền sẽ có từ đàn ong mới bắt được. Khoảng 2 kg ong, bán được 600.000 đồng, cùng với mật ong thì số tiền sẽ thu được gần một triệu đồng. Ở bản Mông nghèo này, số tiền đó là không nhỏ nhưng điều mà những trai bản quan tâm hơn lại là ở sự thử thách, lòng dũng cảm được hun đúc bởi hánh ong có nhiều nguy hiểm và gian truân.

TUẤN NGỌC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang