Nguồn tin: Tiền Giang, 26/04/2017
Ngày cập nhật:
27/4/2017
Nhiều năm nay, Hợp tác xã Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) tiên phong áp dụng mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị đã thu được những kinh nghiệm thực tiễn quý, mở ra con đường phát triển bền vững.
Chăn nuôi gà ta Gò Công theo mô hình chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công cho biết, nhận thấy nhu cầu đổi mới mô hình kinh tế tập thể, đổi mới phương thức làm ăn cho phù hợp thực tiễn nhằm đưa đơn vị đi lên, từ năm 2013, Hợp tác xã Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công bắt đầu chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ sang mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Chăn nuôi theo chuỗi giá trị cụ thể là chọn vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế trên thị trường, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, tiến tới đạt chứng nhận VietGAP; tạo nguồn nông sản dồi dào, đạt độ đồng đều về chất lượng và ổn định đáp ứng nhu cầu thị trường, liên kết với các doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho nông sản hàng hóa mà các bên đối tác đều hưởng lợi.
Vật nuôi chủ lực được Hợp tác xã lựa chọn là con gà ta Gò Công. Triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị, Hợp tác xã tổ chức chăn nuôi gà ta Gò Công thả vườn theo qui trình khép kín, kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.
Theo đó, Hợp tác xã chịu trách nhiệm cung ứng con giống tốt đầu vào, xây dựng qui trình chăn nuôi theo hướng GAP, cung ứng các dịch vụ phục vụ chăn nuôi: Thức ăn gia súc, thuốc thú y, dịch vụ thú y, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cung ứng ra thị trường thông qua liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, làm ăn uy tín, đồng hành cùng Hợp tác xã trên con đường phát triển.
Theo tính toán của Hợp tác xã, về kỹ thuật, để bảo đảm hiệu quả chăn nuôi thì mật độ nuôi tốt nhất là 7 con/m2 chuồng trại, qui mô nuôi mỗi trại của hộ xã viên từ 2.000 - 3.000 con/lần, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả cao. Trong qui trình nuôi mà Hợp tác xã đưa ra là cho ăn ban ngày, không cho ăn vào ban đêm, tạo sức đề kháng tốt cho đàn gà. Thời gian nuôi từ 100 - 120 ngày xuất chuồng nhằm bảo đảm chất lượng thịt ngon nhất.
Về hiệu quả kinh tế, qui mô nuôi tổng đàn 1.000 con/hộ, xã viên lãi ròng trên 20 triệu đồng nếu không vay vốn ngân hàng và không thuê nhân công. Trong trường hợp vay vốn ngân hàng và thuê thêm nhân công thì mức lãi trên 8,5 triệu đồng, còn không vay vốn ngân hàng nhưng có thuê nhân công thì lợi nhuận gần 15 triệu đồng. Trong một năm, người nuôi gà ta Gò Công thả vườn theo chuỗi giá trị mà Hợp tác xã đưa ra có thể quay được 2,5 vòng. Nghĩa là bà con thu lãi 50 triệu đồng/năm trong trường hợp thứ nhất, lãi trên 21 triệu đồng trong trường hợp thứ hai và lãi khoảng 37 triệu đồng/năm trong trường hợp thứ ba chỉ với qui mô nuôi 1.000 con/lần. Định hướng đúng đã tạo được sự đồng thuận cao trong các hộ xã viên. Bà con ký kết hợp đồng chăn nuôi theo những cam kết cụ thể về chất lượng nông sản với sự giám sát chặt chẽ của Hợp tác xã.
Ông Phạm Thanh Phương, xã viên Hợp tác xã, ngụ tại xã Long Thuận, thị xã Gò Công bắt đầu đăng ký chăn nuôi gà ta Gò Công theo chuỗi giá trị từ năm 2013. Năm đầu tiên, ông nuôi qui mô 1.000 con/lứa. Thấy hiệu quả, năm sau ông đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi 3.000 con/lứa và hiện nay nuôi qui mô 4.000 con/lứa.
Ông Phương cho biết, để nuôi 1.000 con gà, kinh phí đầu tư chuồng trại ban đầu khoảng 40 triệu đồng. Với 4.000 con/lứa, mỗi năm, ông thu lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Từ một hộ nông dân nghèo khó, không có đất canh tác, sau vài năm áp dụng mô hình chăn nuôi gà ta Gò Công thả vườn theo chuỗi giá trị, ông Phương đã xây được nhà cửa khang trang, trở thành triệu phú chăn nuôi trên vùng đất mặn khó khăn trước đây.
Tương tự, có ông Nguyễn Thanh Tùng, ngụ ấp Kênh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông đã gia nhập Hợp tác xã và áp dụng mô hình trên. Năm đầu tiên, ông Tùng làm chuồng trại chăn nuôi thử nghiệm qui mô 1.000 con/lứa. Thấy hiệu quả, ông gom góp vốn liếng, vay thêm ngân hàng đầu tư chăn nuôi 8.000 con/lứa. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi ròng gần 400 triệu đồng. Ông Tùng cho biết, để có cơ nghiệp hôm nay, tất cả nhờ vào con gà ta Gò Công chăn nuôi theo mô hình mà Hợp tác xã Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công đưa ra.
Hiện nay, Hợp tác xã có tổng đàn gà thịt trên 130.000 con, trung bình mỗi tháng cung ứng thị trường 20.000 con gà thịt theo hợp đồng cung ứng ổn định cả năm với các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh như: Công ty Phạm Tôn, Công ty San Hà,... giá gà trống thịt xuất chuồng 50.000 đồng/kg và giá gà mái thịt xuất chuồng ổn định ở mức 70.000 đồng/kg. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và đối tác khách hàng, Hợp tác xã thành lập thêm các tổ chăn nuôi ở các xã vùng sâu nhiều khó khăn của thị xã Gò Công: Bình Đông, Bình Xuân,... nhằm giúp bà con nơi đây có cơ hội tìm hướng vượt khó, thoát nghèo một cách phù hợp.
Từ chỗ ban đầu, được thành lập vào năm 2007 với trên 20 hộ thành viên, vốn chưa đầy 40 triệu đồng, sau 10 năm phát triển, Hợp tác xã đã mở rộng qui mô lên gấp đôi với 40 hộ thành viên, tổng vốn tăng lên khoảng 13,5 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khởi điểm 100% hộ xã viên đều gặp nhiều khó khăn thì sau thời gian chăn nuôi theo chuỗi giá trị, 80% xã viên trở thành hộ khá giàu, có thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên; 20% còn lại có cuộc sống ổn định.
Ông Nguyễn Quốc Kiệt cho biết, trong năm qua, Hợp tác xã đạt doanh số khoảng 17,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 3 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng tiền lãi thu được thì lãi mà hộ xã viên được hưởng qua quá trình lao động sản xuất lên đến 2,7 tỷ đồng, còn lại phần Hợp tác xã được hưởng. Qua đó cho thấy sự phân phối thu nhập hợp lý cũng là nguyên nhân giúp xã viên gắn bó với Hợp tác xã và con đường làm ăn tập thể.
Hiện nay, áp dụng mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, 19/40 hộ xã viên đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chí VietGAP, còn lại đều được công nhận đạt chăn nuôi theo qui trình an toàn. Mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công đã được trao giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (2014 -2015).
Ông Võ Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, mô hình của Hợp tác xã Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công đang được nhân rộng, được xác định là hướng đi quan trọng, là nội dung cụ thể trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang hướng đến. Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2009 - 2016, từ mô hình trên, tỉnh đã xây dựng được 6 chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn tham gia cung cấp sản phẩm cho thị trường TP. Hồ Chí Minh gồm: 20 ha sản phẩm rau an toàn VietGAP cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm đạt chứng nhận VietGAP gồm HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công và HTX gà tre Hương Việt được các doanh nghiệp bao tiêu.
Minh Trí
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.