• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mở lối cho chăn nuôi lợn: Nỗi buồn thôn quê (kỳ 1)

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 27/04/2017
Ngày cập nhật: 30/4/2017

Những ngày qua, giá lợn hơi chỉ ở mức 15-18 nghìn đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ lớn. Nhiều hộ phá sản, kinh tế kiệt quệ và không biết đến bao giờ có thể thanh toán được khoản nợ ngân hàng, nguy cơ cao tái nghèo đang hiện hữu.

Thương lái không mua, nhiều hộ dân ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) tự thịt lợn tiêu thụ.

Giá lợn rẻ... như cho

Chúng tôi về xã Ngọc Châu (Tân Yên, Bắc Giang), nơi có hơn 60 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, quy mô lớn nhất huyện. Tiếp xúc với bà con, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhiều gia đình thua lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng do giá lợn xuống thấp kỷ lục. Ông Phạm Đình Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã ví von, giá lợn giảm đã "quét" đi tài sản của hàng trăm hộ sau bao năm dày công gây dựng.

Để chứng minh cho lời mình nói, ông đưa chúng tôi mục sở thị hộ anh Lưu Văn Điệp, chị Đào Thị Hạnh, thôn Quang Châu. Cơ sở này có hạ tầng khang trang trên diện tích hơn một ha gồm: Cây xanh, sinh vật cảnh; hàng rào chắn và các dãy chuồng khép kín nuôi lợn, nhà ở cho công nhân làm thuê. Tuy nhiên, đằng sau công trình rộng lớn, thiết kế bài bản này là nỗi buồn của chủ nhân khi nhắc đến đàn vật nuôi. Nói như mếu, anh Điệp cho biết: “Nhà tôi phá sản đến nơi rồi cô ạ, hiện đã thua lỗ gần 5 tỷ đồng. Tôi cũng cho 5 công nhân nghỉ việc vì không còn khả năng chi trả. Hai vợ chồng tôi tự làm mọi việc trong trang trại”.

Được biết, đang kinh doanh dịch vụ vận tải “xuôi chèo mát mái”, đầu năm 2016, anh Điệp chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi. Bao vốn liếng tích cóp được và vay ngân hàng, anh đầu tư 10 tỷ đồng mua đất, xây công trình và vào đàn hơn 200 lợn nái. Ngày ngày chăm sóc đàn lợn, thế nhưng khi có sản phẩm bán thì giá lại rẻ như cho. Hơn 500 con lợn giống không bán được, anh phải nuôi thành lợn thịt. Ai dè, nay thịt lợn hơi chỉ còn 15-18 nghìn đồng/kg (tùy loại), chưa kể tiền giống, tính ra mỗi con lợn nặng một tạ, gia đình anh lỗ 1,4-1,5 triệu đồng.

Cũng ảnh hưởng nghiêm trọng do giá lợn xuống thấp, gia đình ông Đào Tiến Sang, thôn Lộc Ninh (cùng xã) cũng thiệt hại nặng. Với 1,3 nghìn lợn nái, 7 nghìn lợn thịt, mỗi ngày ông Sang bỏ ra chi phí thức ăn khoảng 260 triệu đồng. Ông nghẹn ngào: “Chắc chỉ cầm cự được ngày một, ngày hai thôi. Bí quá có khi tôi thả lợn ra đường, ai lấy về thì lấy”.

Còn hộ anh Nguyễn Văn Định, thôn Tân Trung 1 có 100 con lợn đến tuổi xuất chuồng song rất khó bán. Hôm trước có thương lái đến mua đặt cọc giá 18 nghìn đồng/kg lợn hơi. Dù lỗ nhưng anh vẫn mừng thầm vì còn bán được. Tuy nhiên đến hẹn, thương lái “lặn mất tăm”, bỏ luôn tiền đặt cọc. Ngóng mãi chẳng có người mua nên hiện nay, anh Định cho lợn ăn nhiều rau để nuôi cầm chừng.

Theo UBND xã Ngọc Châu, toàn xã còn hơn 27 nghìn con lợn thịt, hơn 40 nghìn lợn con không bán được. Giá thành lợn giống (nặng 15kg/con) khoảng 800 nghìn đồng/con song nay chỉ bán được một nửa. Ước tính, cả xã thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng do giá lợn chạm đáy. Nhiều hộ nuôi lợn nái đã hãm, không cho sinh sản. Hộ nào bán rồi coi như thoát nạn, không vào đàn tiếp theo.

Nghịch lý giá lợn

Tại những địa bàn chăn nuôi lớn của tỉnh như: Tiên Lục (Lạng Giang), Lương Phong (Hiệp Hòa), Tự Lạn (Việt Yên)… người nuôi lợn cũng trong tình cảnh khốn đốn. Ông Nguyễn Văn Được, thôn Khánh, xã Lương Phong nuôi 400 con, trong đó 130 con hiện nặng 120 kg/con. Thời gian trước, giá lợn 20-22 nghìn đồng/kg, ông tiếc nên cố nuôi thêm, không ngờ giá rớt xuống còn mười mấy nghìn đồng.

Dù giá thấp nhưng đàn lợn thịt của gia đình anh chị Lưu Văn Điệp, Đào Thị Hạnh, xã Ngọc Châu (Tân Yên) vẫn khó bán.

Ông Được tâm sự: “Bao năm dành dụm được chút vốn thì mấy tháng qua đã đổ sông, đổ bể hết rồi. Trong ba tháng qua, gia đình ông lỗ hơn 1 tỷ đồng, không biết đến bao giờ mới thanh toán được khoản ngân hàng hơn 2 tỷ đồng”. Anh Trần Văn Giáp, cán bộ xã Lương Phong chia sẻ: “Chưa bao giờ người chăn nuôi trong xã lại thê thảm như năm nay. Toàn xã có hơn 100 hộ bị tác động lớn bởi giá lợn. Không ít gia đình kinh tế kiệt quệ sau lứa lợn lỗ nặng”. Theo anh Giáp, hiện một số hộ có tâm lý bỏ bê, không chăm sóc vật nuôi nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao. Do đó, xã thường xuyên khuyến cáo người dân chú trọng khâu phòng bệnh, giảm chi phí đầu vào để giảm lỗ; bảo đảm an toàn đàn vật nuôi.

Lợn khó bán, nhiều hộ đã tự thịt lợn tiêu thụ. Đơn cử, gia đình anh Tống Văn Vinh, thôn Tân Châu, xã Ngọc Châu (Tân Yên) cách ngày mổ một con lợn bán ở đầu làng. Giá bán thịt loại một trung bình 100 nghìn đồng/3kg. Chung cảnh, hộ chị Nguyễn Thị Hải, thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) mổ mỗi ngày một con lợn rồi bán rong khắp xã.

Không chỉ vậy, nhiều hộ ở khắp các làng quê còn rủ nhau thịt lợn đụng, trữ trong tủ lạnh ăn dần. Cũng vì cách làm "cực chẳng đã" này, những cửa hàng bán thực phẩm ở quê đã vắng bóng thịt lợn do khó tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Thắng, thôn Làng Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) nói: “Nhiều người tự thịt lợn bán hoặc ngả lợn ăn dần nên những cửa hàng phải lấy thịt ở các lò mổ khó bán. Trước đây, mỗi ngày tôi bán khoảng chục cân thịt nhưng nay không dám lấy mặt hàng này nữa”.

Tuy nhiên, giá thịt lợn ở các chợ tại TP Bắc Giang vẫn cao. Sáng 26-4, khảo sát tại chợ Hòa Yên, Hà Vị, giá thịt lợn nạc vai ở mức 60-70 nghìn đồng/kg, xương sườn (loại nấu chua ngọt) 80 nghìn đồng/kg. Chính điều này khiến người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng bị thiệt thòi.

Về giá lợn hơi thấp nhưng giá bán thịt vẫn cao, ông Nguyễn Văn Tú, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Hòa Yên (TP Bắc Giang) giải thích: “Thịt lợn đến tay người tiêu dùng do qua nhiều khâu trung gian. Thương lái đi gom thu mua lợn và bán lại cho lò giết mổ. Sau đó lò giết mổ bán cho thương lái chuyên mua thịt móc hàm bán cho người bán lẻ, tiếp đó mới đến tay người tiêu dùng nên giá đội lên cao”. Tuy nhiên, tính các chi phí như trên thì thương lái vẫn lãi lớn. Trong khi người chăn nuôi trực tiếp làm ra sản phẩm lại lỗ nặng

Ông Ngô Xuân Lương, cán bộ thú y xã Ngọc Châu (Tân Yên): “Với những hộ nuôi tự chủ động được con giống thì lỗ 1,4-1,5 triệu đồng/con lợn nặng một tạ. Còn hộ phải mua giống thì lỗ cao hơn, khoảng 2,2 triệu đồng/con”.

Nhóm PVKT

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang