Nguồn tin: Báo Ấp Bắc, 08/05/2017
Ngày cập nhật:
9/5/2017
Người xưa có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”. Câu nói ấy hiện nay đã không còn đúng khi người chăn nuôi heo đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất… Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đang ra sức “giải cứu” người nuôi heo.
Người nuôi heo đang đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất.
Hơn 6 tháng qua, heo rớt giá không “phanh”, từ gần 5 triệu đồng/tạ giảm còn 2,3 - 2,6 triệu đồng/tạ (tùy loại), thậm chí heo nái chỉ trên 1 triệu đồng/tạ. Giá heo hơi xuống thấp đã khiến người chăn nuôi nhỏ, lẻ phải “treo” chuồng; trang trại giảm đàn, nợ nần chồng chất; các đại lý, công ty thức ăn bắt đầu xiết nợ và than khó thu hồi vốn…
“Bán đổ, bán tháo”
Về “thủ phủ” nuôi heo xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), chúng tôi đi đâu cũng nghe người chăn nuôi “than vắn thở dài” vì giá heo quá thấp, đầu ra khó khăn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Ông Nguyễn Ngọc Văn, ấp An Lạc Trung nuôi 120 heo thịt, 12 con nái cho biết, 2 đợt xuất chuồng vừa qua, gia đình ông lỗ 200 triệu đồng/đợt. Giá thấp kéo dài, không có khả năng cầm cự vì đại lý thức ăn không bán thiếu nên ông đành phải bán hết số heo nái với giá 1,2 triệu đồng/tạ và giảm đàn heo thịt xuống còn 80 con để lấy tiền mua thức ăn cho số heo còn lại. Mới đây, thương lái đến trả giá quá rẻ nên ông đành phải mổ thịt bán 100.000 đồng/3 kg. Ông Văn cho biết: “Tự mổ thịt bán còn có lời, chứ thương lái đến trả giá rẻ mạt, còn bị chê lên chê xuống. Giá heo xuống thấp kéo dài, tiền tích lũy nhiều năm cũng đã cạn vì bù lỗ, gia đình tôi phải vay thêm 80 triệu đồng từ ngân hàng để tiếp tục cầm cự đàn heo còn lại và hy vọng giá sớm tăng trở lại để gỡ vốn”.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông cho biết, trước đây, xã có trên 50.000 con heo/800 hộ nuôi thì hiện nay chỉ còn khoảng 30.000 con/300 hộ. Trong đó, nhiều hộ nuôi nhỏ, lẻ phải “treo” chuồng, còn các trang trại cũng giảm đàn; nhiều hộ bị gặp cảnh nợ nần do thua lỗ trong thời gian dài. Khó khăn đầu ra, giá heo lại quá rẻ nên người nuôi tự mổ thịt bán ngày càng nhiều. Nhưng cách làm này chỉ cứu vớt phần nào cho người nuôi nhỏ, lẻ.
Tương tự, hơn 4 tháng nay, ông Phan Văn Công, xã Tân Phú, TX. Cai Lậy như ngồi trên đống lửa với trang trại heo hơn 1.000 con, trung bình mỗi ngày tiêu tốn hơn 10 triệu đồng tiền thức ăn và công chăm sóc. Gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi heo, ông Công cho rằng chưa năm nào heo lại rớt giá thê thảm như lúc này. Heo nái vẫn đẻ, con giống tiếp tục lớn đồng nghĩa với việc tiền dần ra khỏi túi nông dân. Theo tính toán của người dân, nuôi một con heo đạt 1 tạ phải mất 4 tháng với chi phí khoảng 3,6 triệu đồng/con. Ở thời điểm hiện tại, giá heo bán chỉ 2,7 triệu đồng/tạ, người nuôi chịu lỗ gần 1 triệu đồng/con. Heo hơi giảm giá kéo dài đã kéo heo giống cũng giảm theo. Bởi, những năm trước đây, một con heo giống từ 12 - 20 kg có giá trung bình 1,2 triệu đồng/con thì nay cũng giá này nhưng lại 3 con.
Người nuôi heo đang đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất.
Đại lý, công ty thức ăn cũng than
Không những người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn vì giá heo mà các đại lý, công ty bán thức ăn cũng than vì khó thu hồi nợ đã đầu tư cho các hộ chăn nuôi. Bà Trần Thị Ánh Phượng, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở xã Xuân Đông cho biết, người chăn nuôi heo đang nợ tiền thức ăn ở đại lý của bà khoảng 5 - 7 tỷ đồng. Hiện tại, bà cũng đã phải vay ngân hàng hàng tỷ đồng để nhập thức ăn cung cấp cho người nuôi. Bởi, đại lý của bà cũng như hầu hết các đại lý thức ăn khác đều bán “gối đầu”, khi người chăn nuôi bán heo trả hết khoản nợ trước đó sẽ tiếp tục mua “gối đầu” để tái đàn cho lứa heo tiếp theo. Nhưng hiện nay, người chăn nuôi bán heo liên tiếp bị thua lỗ nên các khoản thiếu chưa thanh toán được. “Đại lý của tôi nói riêng và các địa lý khác nói chung đều đã khoanh nợ trước đó và tạm ngưng bán thiếu tiếp cho người nuôi heo, bởi số tiền “gối đầu” chưa thanh toán còn quá lớn”- bà Phượng nói.
Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam vừa là đơn vị chăn nuôi, vừa là doanh nghiệp cung ứng thức ăn. Hiện tại, bên cạnh thua lỗ từ nguồn heo, công ty còn đang gặp khó khăn trong thu hồi các khoản tiền thức ăn. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, hệ thống chăn nuôi của C.P rất lớn nên tiền thức ăn bán cho các đại lý mỗi ngày rất lớn khó thu được vì người nuôi lỗ vốn nặng không có tiền trả cho đại lý. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, công ty đã giảm tiền thức ăn 200 đồng/kg từ đầu tháng 5. Với việc “chung tay” cứu người chăn nuôi, công ty mất khoảng 20 tỷ đồng/tháng”. Theo ông Tuấn, giá heo hơi đang ở mức thấp kỷ lục (thấp nhất trên thế giới), khó tiêu thụ dẫn đến tình trạng “tồn kho” thịt heo khá nhiều. Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kêu gọi doanh nghiệp tăng cường thu mua heo hơi, đồng thời giảm tối đa giá đầu vào từ con giống, thức ăn… để chia sẻ cùng người chăn nuôi trong lúc khó khăn này. Sau đó, công ty đã có nhiều động thái nhằm góp phần “giảm nhiệt” trong bối cảnh ngành Chăn nuôi heo đang gặp khó khăn.
Giá heo xuống thấp nhất trong lịch sử. Người nuôi, đại lý, công ty đều nợ nần chồng chất. Nghịch lý là người nuôi heo bán giá rẻ mạt nhưng lại mua thịt heo với giá cao gần gấp đôi. Vậy, ai đã đẩy giá thịt heo lên cao để kiếm lợi nhuận?
Sĩ Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.